Hãng truyền thông công nghệ China Star Market đưa tin, Black Shark đã thực hiện nhiều đợt sa thải kể từ tháng 8/2022, cắt giảm lực lượng lao động của mình từ hơn 1.000 nhân viên xuống chỉ còn hơn 100 nhân viên ở thời điểm hiện tại.
Black Shark đã thông báo cho các nhân viên bị ảnh hưởng thông qua 1 tin nhắn rằng, công ty đã gặp phải những khó khăn nghiêm trọng trong hoạt động và không thể thanh toán đầy đủ tiền trợ cấp thôi việc ở thời điểm hiện tại. Theo nguồn tin, trích dẫn tin nhắn văn bản của công ty, Black Shark sẽ tiếp tục tìm cách giải quyết các vấn đề về tài trợ và thanh toán phần còn lại của khoản trợ cấp thôi việc cho nhân viên.
Một số công nhân bị sa thải đã chuyển sang trang mạng xã hội Weibo, một trang giống như Twitter, để bày tỏ sự tức giận của họ về việc giảm các khoản thanh toán thôi việc. Bài viết có nội dung “chào buổi sáng” của CEO Black Shark Luo Yuzhou đã nhận được vô số những bình luận giận dữ yêu cầu thanh toán đầy đủ gói trợ cấp thôi việc, như đã hứa với nhân viên khi họ bị sa thải.
“Hãy trả tiền thôi việc! Tôi cần tiền để ăn Tết Nguyên đán”, một trong những bình luận được ủng hộ nhiều nhất.
Một số nhân viên cho biết chỉ nhận được 2.000 nhân dân tệ tiền bồi thường. Một số người dùng đã chất vấn Luo trong phần bình luận: “Làm sao tôi có thể vượt qua Tết Nguyên đán chỉ với 2.000 NDT tiền bồi thường? Làm thế nào tôi dám cho gia đình biết về chuyện này?”
Một cựu nhân viên bị sa thải hồi tháng 9 với mức nợ tiền bồi thường lên đến 150.000 nhân dân tệ cho biết, hơn 100 người lao động bị ảnh hưởng đã đệ đơn kiện lên ủy ban trọng tài lao động ở quận Phố Đông của Thượng Hải, nhằm bảo vệ quyền lợi và giải quyết các tranh chấp.
Nhân viên họ Yang này cho biết: “Không có ai từ công ty xuất hiện và không thể liên lạc được với bất kỳ giám đốc điều hành nào, kể cả CEO.” Đồng thời cũng cho biết đáng lẽ phải nhận được đợt thanh toán đầu tiên trong 6 đợt thanh toán trong tuần này.
Những rắc rối mới nhất mà Black Shark phải đối mặt xảy ra sau khi Tencent từ bỏ một thỏa thuận mua lại có thể đánh dấu khoản đầu tư đầu tiên của gã khổng lồ game Trung Quốc vào phần cứng trong lĩnh vực metaverse.
Tencent bắt đầu đàm phán với thương hiệu điện thoại này vào tháng 1/2022 với mục đích để công ty smartphone này sản xuất headset thực tế ảo (VR) cho nội dung liên quan đến metaverse, nhưng gã khổng lồ internet và trò chơi đã bỏ đi sau khi không được chính quyền chấp thuận cho thương vụ này.
Được thành lập vào năm 2017, Black Shark đã trở thành công ty dẫn đầu trong thị trường ngách điện thoại chuyên chơi game, nhấn mạnh vào hiệu năng so với các thiết bị cầm tay tiêu chuẩn.
Tuy nhiên, thương hiệu smartphone chơi game này đã gặp trở ngại sau khi mạo hiểm tham gia VR, giữa lúc ngành công nghiệp smartphone ở Trung Quốc phải vật lộn với nền kinh tế yếu kém hồi năm 2022. Theo một báo cáo của Học viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông Trung Quốc, trong 11 tháng đầu năm 2022, lượng smartphone xuất xưởng ở Trung Quốc đã giảm 23,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng lô hàng smartphone ở Trung Quốc đã giảm 10% trong năm 2022, xuống còn 285 triệu thiết bị và theo dự báo của công ty nghiên cứu ngành IDC, thị trường sẽ không tăng trưởng cho đến 2024, theo dự báo của công ty nghiên cứu IDC.
Việc liên tục nâng cao hiệu suất cho các thương hiệu điện thoại thông minh phổ thông cũng gây thêm áp lực lên phân khúc thị trường ngách của thiết bị cầm tay chơi game. Xiaomi, người ủng hộ chính của Black Shark, gần đây đã tiến hành một đợt sa thải mới ảnh hưởng đến gần 10% lực lượng lao động của mình, cũng đã từ bỏ một trong những sản phẩm điện thoại chơi game của riêng mình.
Ông Lu Weibing, Chủ tịch mới của Xiaomi đã tuyên bố hủy bỏ một chiếc điện thoại chơi game thuộc dòng Redmi K60 mới nhất, được ra mắt vào cuối tháng 12. “Bạn không cần điện thoại chơi game vào năm 2023", ông Lu tuyên bố trong một bài đăng trên Weibo vào tháng 12.
Theo SCMP