Nội dung vừa được các đại biểu đưa ra trong khuôn khổn Hội thảo “Bảo hiểm Y tế toàn dân tại Việt Nam - Thực trạng và giải pháp phát triển bền vững” vừa được Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội và Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức tại Đà Nẵng hôm 11/11
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến tháng 6/2016, số người tham gia BHYT là 72,81 triệu người, đạt tỉ lệ bao phủ 79% dân số. Từ chỗ năm 2015, cả nước có 4 địa phương có tỉ lệ bao phủ dưới 65% dân số thì tính đến tháng 6/201, chỉ còn 1 địa phương có tỉ lệ bao phủ dưới 65% (Bạc Liêu). Trong đó, nhóm đối tượng tham gia BHYT đều có sự gia tăng về số lượng, nhóm đối tượng có tỉ lệ tham gia BHYT cao (đạt gần 100%) là nhóm người lao động thuộc khối hành chính sự nghiệp; nhóm đối tượng hộ gia đình cận nghèo cũng có tỉ lệ bao phủ lên đến 90%; quyền lợi của người dân tham gia BHYT ngày càng được mở rộng, nguồn kinh phí cho công tác khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế được bảo đảm.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, chính sách BHYT vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết để bảo đảm phát triển bền vững, bao gồm cả tăng tỉ lệ bao phủ BHYT, thu - chi quỹ BHYT và bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHYT... Bên cạnh đó, hiện vẫn còn khoảng 20%, tương đương với gần 20 triệu người dân chưa tham gia BHYT, đối tượng chủ yếu là người lao động trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ; hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình và nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình.
Bên cạnh đó, tình trạng nợ đóng, trốn đóng BHYT tại các doanh nghiệp vẫn diễn ra khá phổ biến; tình trạng lạm dụng quỹ BHYT chưa được khắc phục triệt để; chất lượng khám bệnh, chữa bệnh BHYT chưa tạo được sự yên tâm với người có thẻ, đặc biệt là tại tuyến cơ sở...
Trước thực trạng đó, các đại biểu cho cho rằng cần nâng cao giải pháp phát triển BHYT theo hướng bền vững, phấn đấu đến năm 2020 có trên 90% dân số tham gia, tiến tới mục tiêu BHYT toàn dân, góp phần tạo nguồn tài chính ổn định cho công tác chăm sóc sức khỏe theo hướng công bằng, hiệu quả và phát triển. Nhất là cần tập trung triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách, chế độ về BHYT theo hướng chuyên nghiệp hóa cả về nội dung và phương thức tiếp cận người tham gia; nghiên cứu các hình thức tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng nhằm giúp người dân, doanh nghiệp hiểu được quyền và nghĩa vụ về BHYT và tự giác tham gia...