Chúng tôi ra sân bay từ 17h. Giao thông trước sân bay Tân Sơn Nhất kẹt cứng. Bước vào sân bay, đông nghẹt người vì nhiều chuyến ùn tắc.
Không còn thông báo điện tử, tất cả đều phải thông báo bằng giấy in. Tôi đứng xếp hàng trong hàng người bất tận, đến tận gần 19h mới đến quầy làm thủ tục, dù theo lịch là 19h đã bay. Hệ thống máy tính không hoạt động, thủ tục làm bằng tay. Thứ tự các chuyến bay và cổng ra tàu bay thay đổi liên tục và chỉ được thông báo qua loa phóng thanh. Bởi ngay cả hệ thống loa sân bay cũng đã bị tấn công.
Và trong khung cảnh tưởng như sẽ vô cùng hỗn loạn ấy, lại là một sự trật tự đáng ngạc nhiên. Gần như không ai phàn nàn. Tất cả mọi người đều xếp hàng trật tự. Không thấy sự vội vàng chen lấn như ngày thường. Mọi người nhường nhịn và thông cảm cho nhau lẫn cho hãng hàng không.
Khi tôi bước vào phòng chờ, không còn một chỗ ngồi. Hành khách ngồi la liệt dưới đất, trong một khung cảnh tôi chưa từng chứng kiến ở đâu trên thế giới. Trong phòng lounge cũng không còn chỗ ngồi. Nhưng sự thông cảm và chia sẻ được duy trì đến tận phút cuối.
Trong phòng lounge dành cho thương gia, ngày thường, sự riêng tư vô cùng được tôn trọng. Nhưng hôm qua, mọi người chia sẻ cho nhau từng chiếc ghế. Ngày thường, khách thương gia là những người vội vàng nhất, khó tính nhất. Nhưng hôm qua, tôi chứng kiến những vị khách nhẹ nhàng nói chuyện với tiếp viên, nhờ nhắc giờ lên máy bay, còn cẩn thận dặn lại sợ tiếp viên sốt ruột: "Chị chỉ nhờ vậy thôi, không giục đâu".
Không có sự cáu gắt hay giục giã, mọi người ngồi trò chuyện với nhau, chia sẻ tin tức. Tất cả đều biết rằng mình đang là nạn nhân của một cuộc tấn công. Một cuộc tấn công không báo trước. Và không ai bảo ai, tất cả quyết định rằng họ sẽ cùng đoàn kết và hỗ trợ nhau dù chỉ bằng sự im lặng.
Đây là lần thứ 2 tôi chứng kiến một khung cảnh mà tưởng như sẽ có hỗn loạn, cuối cùng lại chỉ thấy sự đoàn kết và sẻ chia.
Tháng 10 năm 2010, tôi vào Minh Hóa, Quảng Bình để đưa hàng cứu trợ cho một xã chịu thiệt hại nặng nề nhất sau lũ. Ngập cả xã, ngập qua cả cột điện, xã gần như bị cô lập. Khi chiếc xe đến, mọi người ùa ra chờ nhận gạo và thuốc lọc nước. Mọi người đã vô cùng mệt mỏi vì bão lũ rồi, và tôi ở trên xe, thấp thỏm lo sợ về một sự hỗn loạn. Nhưng không, mọi người xếp hàng ngay ngắn, đẩy những đứa trẻ lên trước. Những gói quà được trao lần lượt. Cho đến khi hết hàng, vẫn còn nhiều người đứng chờ nhưng chưa được nhận. Không một ai phàn nàn. Mọi người vui vẻ, tự an ủi, rồi ra về.
Hàng ngày, chúng ta phải nghe rất nhiều lời phàn nàn về ý thức của người Việt. Sân bay, bến tàu sẽ là nơi dễ nhìn thấy những câu chuyện như thế nhất. Nào là chen lấn khi xếp hàng, nào là tranh cãi quanh thái độ phục vụ, từ lời ăn tiếng nói đến cung cách ứng xử, chỗ nào cũng thấy "người Việt xấu xí". Ngày thường, một chuyến bay delay, một thông báo không chính xác, sẽ nhận không biết bao nhiêu nhiếc móc, to tiếng.
Nhưng hôm qua, trước một cuộc tấn công, tôi chỉ nhìn thấy hình ảnh của một dân tộc đoàn kết. Một hành vi phá hoại, vốn chủ đích tạo ra sự hỗn loạn, lại đẩy mọi người xích gần lại với nhau. Chính hành vi của những kẻ tấn công khiến cho người Việt bộc lộ những đức tính tốt đẹp của mình: sự đoàn kết; sự sẻ chia.
Và tôi tin rằng những điều tôi đã chứng kiến ở Tân Sơn Nhất hôm qua không phải là cá biệt, bởi tôi đã nhìn thấy tinh thần ấy hơn một lần. Tôi biết, chứ không phải tin, rằng tinh thần dân tộc của chúng ta chưa bao giờ phai nhạt.
Những kẻ tấn công chiều qua đã tắt đi được những màn hình điện tử vô tri ở sân bay Tân Sơn Nhất, nhưng vô tình, lại bật lên ý chí đoàn kết của những con người Việt Nam. Đó là một cuộc tấn công thất bại.
Và đám đông tôi nhìn thấy, cho dù rất trật tự và nhẫn nại, lại cho thấy sẽ thật bất hạnh cho bất kỳ kẻ nào lăm le tấn công dân tộc này.
Theo VNE
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu