Đây cũng đồng thời là vấn đề được bàn thảo tại hội thảo quốc tế với chủ đề “Việt Nam và cách mạng công nghiệp lần thứ 4: Thúc đẩy chuyển đổi số với điện toán đám mây” do Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam VINASA phối hợp với trường Chính sách công Lý Quang Diệu tổ chức, vừa diễn ra sáng nay (22/6).
Theo ông Nguyễn Thành Phúc, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ và có ảnh hưởng sâu rộng tới mọi lĩnh vực của đời sống, kinh tế xã hội trên quy mô toàn cầu. Các đột phá về công nghệ trên nhiều lĩnh vực với vai trò trung tâm của CNTT được thúc đẩy bởi sự phát triển vượt bậc của nhiều xu thế công nghệ trong đó có thể kể tới Internet kết nối vạn vật, robot, trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn,… Đó là tiền đề cho sự ra đời của xu thế phát triển thông minh trên nhiều lĩnh vực như sản xuất thông minh, thành phố thông minh, y tế, giáo dục và giao thông thông minh…
Dự báo năm 2020 sẽ có 50 tỷ thiết bị kết nối vào mạng Internet và đây cũng là cơ sở để hình thành nguồn dữ liệu lớn vượt quá khả năng xử lý của các hệ thống điện toán truyền thống. Sự bùng nổ của các công nghệ số đã đặt ra nhiều yêu cầu mới về kết nối, phân tích và xử lý dữ liệu phân tán một cách hiệu quả và an toàn.
Cục trưởng Cục Tin học hoá -- Bộ TT&TT đánh giá, đứng trước thách thức đó, công nghệ điện toán đám mây là một giải pháp hiệu quả. Điện toán đám mây mang lại nhiều lợi ích vượt trội so với điện toán truyền thống: Sự chuẩn hóa sản phẩm và dịch vụ, giảm chi phí đầu tư, rút ngắn thời gian phát triển sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ và linh hoạt trong mô hình hoạt động, sẵn sàng mở rộng khi cần thiết.
Những thành tựu về công nghệ ảo hóa trong thời gian gần đây đã dẫn tới sự thay đổi lớn trong mô hình kinh doanh và hoạt động của nhiều tổ chức, doanh nghiệp. Đó là sự chuyển dịch từ đầu tư về cơ sở hạ tầng, vận hành và duy trì hệ thống sang sử dụng dịch vụ sẵn có trên nền điện toán đám mây được cung cấp bởi các công ty công nghệ chuyên nghiệp.
Tất cả nhu cầu sử dụng từ đơn giản đến phức tạp của cá nhân, tổ chức đều có thể được dịch vụ hóa và đáp ứng một cách hiệu quả, từ đó mang lại nhiều lợi ích cho người sử dụng, phù hợp với nhiều loại hình tổ chức, bao gồm cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cơ quan chính phủ...
Nhận định điện toán đám mây đang là xu thế công nghệ tất yếu và trở thành một công nghệ quan trọng trong thời kỳ Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhưng ông Nguyễn Thành Phúc cũng lưu ý về những thách thức mà điện toán đám mây mang lại.
“Đó là các rủi ro, nguy cơ tiềm ẩn về an toàn thông tin, tính riêng tư khi dữ liệu được thu thập và xử lý phân tán, tích hợp nhiều tầng dịch vụ với nhiều công nghệ khác nhau. Đó là sự thay đổi mô hình quản lý CNTT của các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp từ vai trò của chủ đầu tư sang vai trò của bên đi thuê dịch vụ. Sự thay đổi mô hình quản lý CNTT này dẫn đến sự thay đổi lớn đối với các đơn vị chuyên trách CNTT, cả về tư duy, phương thức, quy trình lẫn nguồn nhân lực”, ông nhấn mạnh.