Châu Âu: Chord Electronics và iFi
Có thể nói không sai rằng Chord là Apple của thế giới amp/DAC.
Người Giéc-manh hoàn toàn làm chủ thị trường tai nghe tại châu Âu thông qua bộ 3 huyền thoại Sennheiser, Beyerdynamic và AKG, song nếu nhắc đến amp và DAC thì chắc chắn người Anh không có đối thủ. 2 đại diện của Đảo Quốc Sương Mù đang mang tới những chiếc amp/DAC đáng thèm muốn nhất cho tín đồ tai nghe, từ phân khúc cấp thấp lên siêu cấp.
Trong 2 tên tuổi này, Chord Electronics có phần nổi bật hơn. Mẫu amp/DAC Hugo của hãng này đã từng tạo ra một cơn bão khi ra mắt nhờ chất âm chính xác, chi tiết, thiết kế tuyệt đẹp và sức mạnh đáng nể trong thân hình vẫn có thể coi là di động. Tiếp bước Hugo, Chord lại ra mắt Mojo với thân hình nhỏ gọn và mức giá tương đối hấp dẫn (600 USD) cùng một thứ âm thanh uyển chuyển và nịnh tai hơn.
Sau 2 siêu phẩm này, Chord Electronics đã tiếp tục ra mắt 2QUTE, Hugo TT và sắp tới là thế hệ Hugo thứ 2.
Mới xuất hiện từ 2014 nhưng iFi đã được thừa hưởng hàng chục năm kinh nghiệm từ hãng mẹ Abbingdon.
Sức hấp dẫn của Chord khiến iFi bị lu mờ đôi chút, nhưng không một ai có thể phủ nhận được rằng iFi vẫn thuộc top các nhà sản xuất amp/DAC hàng đầu thế giới. Sản phẩm biểu trưng của iFi là Retro Stereo 50, một khối amp/DAC cỡ lớn tích hợp đầy đủ các công nghệ từ Bluetooth aptX, DSD cho đến đèn bán dẫn bên trong khối thân bằng gỗ tuyệt đẹp. Trước Retro, tên tuổi của iFi được xây dựng từ iDSD Micro – (chiếc amp/DAC "di động" duy nhất có thể kéo được cả HifiMan HE6 lẫn AKG K100), iDSD Nano amp/DAC đóng vai trò phổ cập DSD, iCan (amp siêu khỏe trong thân hình nhỏ gọn), bộ lọc iUSB cùng một danh sách dài các sản phẩm cải thiện tín hiệu số.
Châu Úc: Burson Audio
Các sản phẩm của Burson đi theo phong cách thiết kế tối giản và chất âm mềm mượt dễ tiếp cận.
Châu Úc vẫn chưa thể sánh với các châu lục khác về số lượng nhà sản xuất audio, song tên tuổi amp/DAC duy nhất đến từ đất nước Australia hoàn toàn có thể tự tin tranh đấu với các huyền thoại như Woo Audio hay Chord Electronics về chất lượng. Bắt đầu từ chiếc Soloist với chất âm trong trẻo đầy cuốn hút, Burson Audio đã liên tiếp chinh phục người nghe trên toàn cầu bằng các siêu phẩm như Conductor V2+ và Conductor Air (di động). Đáng chú ý hơn, thông qua một danh mục chip op-amp và dây dẫn khá phong phú, bạn cũng có thể mang một phần chất âm của Burson đến với những chiếc amp/DAC có sẵn của mình, ví dụ như O2 từ JDS Labs hoặc I+ đến từ Little Dot.
Bắc Mỹ: JDS Lab, Audioquest, Grace Design và Woo Audio
Sau khi nổi danh từ CmoyBB và O2/ODAC, JDS Labs đang tự xây dựng những ý tưởng của riêng mình.
Là nơi sản sinh ra những thương hiệu loa nổi tiếng và cũng là quê hương của Grado, nhãn hiệu headphones "cá tính" nhất mọi thời đại, nước Mỹ cũng là nơi xuất thân của những thương hiệu DAC/amp chất lượng cho tín đồ tai nghe. Nhắc đến amp/DAC của nước Mỹ là nhắc tới đủ mọi phân khúc giá, nhưng đáng chú ý nhất có lẽ là JDS Lab và Audioquest, hai thương hiệu giá mềm chất lượng. Audioquest nổi danh với Dragonfly, chiếc DAC/amp đại diện cho trào lưu "DAC/amp bút nhớ" trong khi JDS Lab lại xây dựng tên tuổi từ các sản phẩm thiết kế mở như ODAC, O2 và CmoyBB. Hiện tại, JDS đã mở rộng sang một số sản phẩm cao cấp hơn như EL DAC, EL AMP song tất cả các sản phẩm của hãng này vẫn được coi là mức đầu tư tuyệt vời cho khoản giá bỏ ra.
Không một hãng amp đèn nào khác có thể tạo ra đẳng cấp quý phái như Woo.
Ở phía còn lại là Woo Audio, một hãng âm thanh chuyên sản xuất amp đèn ở mức giá nghìn đô. Được sản xuất tại New York dưới tay của một kỹ sư gốc Hoa, các bộ tăng âm của Woo Audio luôn là giấc mơ cho các fan Grado và Sennheiser, những người đi tìm thứ âm thanh nhạc tính nhất có thể. Nếu bạn không thích âm thanh có "màu đèn" và không muốn phải bỏ ra hàng nghìn đô la cho amp/DAC, chiếc m900 của Grace Design chắc chắn sẽ khiến bạn hài lòng. Sản phẩm của Grace vốn tập trung cho giới chuyên nghiệp hiện tại đã đi xuống phân khúc chỉ 500 USD với chất âm trung tính bậc nhất trong tầm giá.
Với m9xx (nay là m900), Grace Design đã thổi luồng gió mới vào thị trường amp/DAC 500 USD.
Ngoài các tên tuổi này, nước Mỹ còn có Schiit Audio, một thương hiệu được rất nhiều fan audio biết đến. Tuy vậy, một số sản phẩm khá dở như Fulla, Modi, Asgard cũng như mô hình marketing hơi quá khích của công ty này sẽ khiến cho một số fan mất cảm tình, ngay cả khi Schiit vẫn luôn tung ra những mẫu amp hoặc DAC tuyệt vời như Modi Multibit, amp Jotuinheim.
Châu Á: Gustard, xDuoo và Audio-GD
Thiết kế không đẹp nhưng Gustard luôn tạo ra những sản phẩm thực sự chất lượng.
Một kịch bản tương tự như Châu Âu đang lặp lại với Châu Á: nước Nhật vẫn tiếp tục là vua tai nghe audiophile nhờ Audio-Technica, Fostex, Fitear, STAX... nhưng lại kém cạnh hoàn toàn so với Trung Quốc trên lĩnh vực amp/DAC. Quả thật, trong những năm vừa qua, quốc gia đông dân nhất thế giới đã liên tục bứt tốc để tạo ra những sản phẩm âm thanh càng ngày càng chất lượng trên mức giá càng ngày càng hạ thấp.
Những sản phẩm đỉnh cao nhất của Trung Quốc có giá thành rất dễ tiếp cận. Ở phân khúc vài trăm USD, Gustard đang nổi lên nhờ các mẫu X12, X20 hoặc amp H10 được người dùng yêu quý. Cuối 2016, tên tuổi khá non trẻ này đã cho ra mắt A20H, một bộ amp/DAC balanced sử dụng 2 chip AKM ở mức giá chưa đầy 900 USD.
xDuoo XD-05, sản phẩm gây sốc ở phân khúc giá rẻ.
Có vẻ như sản phẩm Trung Quốc luôn gắn liền với khái niệm "giá hời". Nếu như tên tuổi đắt tiền nhất của amp/DAC Trung Quốc là Audio GD vẫn có lúc gây tranh cãi vì chất lượng dở tệ trên mức giá... siêu khủng thì ở mức giá mềm, một hãng non trẻ là xDuoo lại nhận được sự mến mộ hết mực từ người nghe. Ghi danh bằng chiếc máy nghe nhạc X3, xDuoo lấn sân sang amp đèn rồi tạo cú sốc khi ra mắt XD-05, một mẫu amp/DAC cao cấp với rất nhiều loại kết nối ở mức giá chưa đầy 200 USD.
Các sản phẩm "tuyệt nhất trong tầm giá" của Aune đã quá quen thuộc với tín đồ âm thanh Việt Nam.
Nhưng tên tuổi amp/DAC đáng chú ý nhất từ Trung Quốc có lẽ phải là Aune. Là nhánh bán sản phẩm thương mại của HifiDIY – thế lực đóng góp rất nhiều vào sự trỗi dậy của Trung Quốc trong những năm vừa qua, phần đông các sản phẩm của Aune đều đi theo tôn chỉ giá mềm nhưng chất lượng thì không thể chê vào đâu được. Qua mỗi năm, hãng này đều tạo ra những sản phẩm chuẩn mực như T1 (DAC đèn giá rẻ), X1s (amp/DAC thể rắn giá mềm) S16 (DAC), M2 (DAP) v...v... Mới đây nhất, Aune lại tiếp tục tung ra bộ đôi amp/DAC cao cấp S6 và S7 ở mức giá chưa đến 600 USD mỗi chiếc.