Thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về đấu thầu qua mạng
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 1735/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về đấu thầu qua mạng với chức năng giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, triển khai thực hiện Kế hoạch tổng thể và lộ trình áp dụng đấu thầu qua mạng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Thường trực Ban chỉ đạo.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng làm Trưởng ban. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng làm Phó Trưởng ban.
Các thành viên là các Thứ trưởng (hoặc tương đương) trở lên thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ: Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Công Thương; Bộ Xây dựng; Bộ Y tế; Văn phòng Chính phủ; Thanh tra Chính phủ. Thư ký Ban Chỉ đạo là Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành trong lĩnh vực đấu thầu qua mạng.
Bên cạnh đó, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hòa, phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành trong việc triển khai thực hiện Kế hoạch tổng thể và lộ trình áp dụng đấu thầu qua mạng; giúp Thủ tướng Chính phủ đôn đốc các bộ, ngành có liên quan trong việc thực hiện những vấn đề quan trọng, liên ngành liên quan đến lĩnh vực đấu thầu qua mạng. (Hải Quan 9/11/2017)
Cách mạng công nghiệp 4.0: Lấy đi việc làm hay tạo ra việc làm mới?
Trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng, ngày làm việc thứ 2 của Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh APEC (CEO Summit) 2017 đã bàn thảo sâu về tác động cũng như thời cơ mới mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đem tới.
Ông Nicolas Aguzin - Chủ tịch kiêm CEO của JP Morgan châu Á - Thái Bình Dương nhận định, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 chắc chắn sẽ mở đường cho robot tiến vào nhà máy, văn phòng để thế chỗ cho người ở không ít loại hình công việc khác nhau. Ông Nicolas thừa nhận, thị trường lao động thế giới đang có dấu hiệu của một giai đoạn bất ổn trong tình hình kinh tế toàn cầu có nhiều biến động. Sự phát triển của thương mại và công nghệ đang mang lại nhiều tốt đẹp cho con người nhưng cũng tạo ra không ít bất lợi. “Tuy nhiên, theo tôi, robot không cướp việc của con người bởi nhiều việc làm mới sẽ xuất hiện” - ông Nicolas nói.
Bà Dương Thị Mai Hoa – Tổng giám đốc tập đoàn Vingroup cho biết, Vingroup luôn nghĩ đến kế hoạch nhập khẩu robot. Trong cuối năm nay, dự kiến Vingroup sẽ nhập khẩu nhiều hệ thống máy móc về, thậm chí có thể nhập robot chăm sóc bệnh nhân.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, trong quá trình chuyển đổi nguồn nhân lực, vai trò của Nhà nước là vô cùng quan trọng. Nhà nước cần tạo ra hệ thống pháp lý thúc đẩy cái mới, khuyến khích cái mới, để sự sáng tạo ngày càng được đẩy mạnh, gắn với đó là việc tạo ra nghề mới, việc mới. Thứ hai, cuộc chuyển đổi này sẽ đòi hỏi sự thay đổi về hệ thống giáo dục theo hướng đào tạo kỹ năng mới. Thứ ba, là khung khổ pháp lý và cách thức hỗ trợ DN làm sao để chi phí chuyển đổi là nhỏ nhất. (Kinh tế & Đô thị 10/11/2017, Công Thương 9/11/2017)
Tội phạm tấn công mạng ngày càng nghiêm trọng
Ngày 9/11, tại Hội nghị Quốc gia An ninh mạng 2017 do Cục An ninh mạng - Bộ Công An; Cục An Toàn Thông Tin - Bộ Thông tin và Truyền thông; Cục Quản lý Mật mã Dân sự và Kiểm định Sản phẩm mật mã - Ban Cơ yếu chính phủ và Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDG) phối hợp tổ chức, các chuyên gia đã cảnh báo và đưa ra nhiều giải pháp về bảo mật cho doanh nghiệp.
Cảnh báo nguy cơ tấn công mạng doanh nghiệp trong cách mạng công nghiệp 4.0, Đại tá Trần Văn Hòa, Học Viện An ninh nhân dân cho rằng, nguy cơ bị tấn công từ truy cập không dây, như: wifi công cộng, wifi của các doanh nghiệp dễ bị lộ mật khẩu để các đối tượng tấn công; nguy cơ từ thiết bị công nghệ vạn vật kết nối, từ phần cứng không nâng cấp, cập nhật; không kiểm tra an ninh, không có tường lửa bảo vệ… Từ đó dẫn đến nguy cơ tấn công mạng, gồm: Nguy cơ tắc nghẽn đường truyền; nguy cơ xâm nhập trái phép, lấy cắp phá hoại dữ liệu; nguy cơ bị cài mã độc, nguy cơ bị tấn công, chiếm đoạt tài sản trí tuệ và nguy cơ phát tán thông tin nhạy cảm.
Ông Vũ Văn Xứng, Cục trưởng Cục Quản lý mật mã Dân sự và kiểm định sản phẩm mật mã, Ban Cơ yếu Chính phủ cho rằng, trong thời đại cách mạng 4.0, để hoạt động bảo vệ, đảm bảo bí mật an toàn, an ninh thông tin đạt hiệu quả, Ban cơ yếu Chính phủ tiếp tục chủ trì phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện khung pháp lý về quản lý bảo mật, an toàn thông tin… (Hải Quan 9/11/2017)
TPHCM: Đô thị thông minh mở ra cơ hội hợp tác quốc tế
Chiều 8-11, hội nghị chuyên đề góp ý cho Đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025” đã diễn ra tại trụ sở UBND thành phố. Ban điều hành Đề án đô thị thông minh đã cung cấp thông tin về đề án nhằm ghi nhận ý kiến đóng góp từ các đại biểu HĐND thành phố.
Một số ý kiến từ đại biểu HĐND cho rằng cần bổ sung một số chi tiết vào nội dung đề án nhằm làm rõ hơn ý nghĩa về đô thị thông minh. Đại diện ngành điện lực cho rằng có thể bổ sung hoạt động cung cấp lưới điện thông minh, một thành phần cần thiết của đô thị thông minh. Hoặc có nên bổ sung phần đánh giá, khảo sát về xã hội học để tìm hiểu người dân quan tâm như thế nào về mô hình đô thị thông minh (ĐTTM).
Ghi nhận ý kiến đóng góp của đại biểu HĐND thành phố, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TPHCM, Phó Ban điều hành đề án cho biết, việc phát triển thành phố, thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế sẽ cần tới các hệ thống giải pháp khác nhau; mà ĐTTM chỉ là một trong số các giải pháp.
Ông Tuyến cũng chia sẻ thêm, đề án ĐTTM của TPHCM đã mở ra cơ hội hợp tác quốc tế với các nhà đầu tư, nhà cung cấp giải pháp… Quan hệ hợp tác quốc tế này sẽ giúp thành phố mở ra thị trường lớn, đặc biệt là mảng thị trường công.
Ban điều hành đề án cũng cho biết thành phố sẽ tiến hành xây dựng tiêu chí đánh giá, nhằm xác định tiêu chí cần thiết của một đô thị thông minh… tiếp tục ghi nhận các ý kiến đóng góp cho Đề án ĐTTM. Sau khi đề án được thông qua, Ban điều hành sẽ tiến hành xây dựng kế hoạch để có thể từng bước triển khai mô hình ĐTTM trong năm 2018. (TBKTSG Online 9/11/2017)
Hàn Quốc – Việt Nam: Phối hợp ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo
Sáng 9/11, Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TPHCM phối hợp với Thương vụ Tổng Lãnh Sự quán Hàn Quốc tại TPHCM đã tổ chức hội thảo “Công nghệ đào tạo Hàn Quốc – Việt Nam” nhằm giới thiệu ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo của các doanh nghiệp Hàn Quốc.
Theo nhận định của đại diện Thương vụ Tổng Lãnh sự Quán Hàn Quốc tại TPHCM, thị trường giáo dục đào tạo Việt Nam được đánh giá rất tiềm năng. Việt Nam là quốc gia có dân số trẻ với gần 95 triệu dân thì có khoảng một nửa trong độ tuổi dưới 30, hơn thế nữa Việt Nam còn là dân tộc có truyền thống hiếu học. Đây là cơ hội lớn trong việc hợp tác phát triển giáo dục giữa Việt Nam và Hàn Quốc cũng như chuyển giao và ứng dụng công nghệ đào tạo hiện đại.
Hội thảo “Công nghệ đào tạo Hàn Quốc - Việt Nam” giới thiệu những thay đổi trong giáo dục - đào tạo Hàn Quốc, về công nghệ đào tạo tiên tiến theo xu hướng ứng dụng thực tế ảo và thực tế tăng cường, về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đào tạo tại Hàn Quốc...
Thông qua hội thảo, các doanh nghiệp Hàn Quốc mong muốn có cơ hội hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong ngành công nghệ thông tin phục vụ lĩnh vực đào tạo như: Phần mềm và giải pháp; đào tạo tiếng Anh…nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển đất nước trong tương lai. (Thời báo Tài chính Việt Nam 9/11/2017)
Tạo mọi thuận lợi để phát triển công nghiệp vi mạch
Diễn đàn Vi cơ điện tử (MEMS)/cảm biến TPHCM với chủ đề: “MEMS/Cảm biến giúp nâng cao chất lượng cuộc sống người dân Việt Nam” đã khai mạc tại TPHCM ngày 9-11. do Khu Công nghệ cao TPHCM tổ chức.
Tham dự diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến đã phát biểu nêu rõ, qua diễn đàn này, một lần nữa TPHCM khẳng định tiềm năng to lớn, cơ hội phát triển của ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn và bán dẫn, đặc biệt trong thời điểm TPHCM tập trung mọi nguồn lực để trở thành một thành phố đáng sống, thành phố của kinh tế tri thức dựa trên sự phát triển của công nghệ tiên tiến hiện đại. Ông khẳng định: “TPHCM cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi; kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn và cảm biến thông qua hợp tác, đầu tư, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực thiết kế, sản xuất, chế tạo, đóng gói, kiểm định và thương mại hóa linh kiện vi cơ điện tử; trong đó tập trung ưu tiên phát triển sản phẩm ứng dụng cảm biến trong các lĩnh vực nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân TPHCM…”.
Theo Giám đốc Sở TT-TT TPHCM Dương Anh Đức, giai đoạn 2012 - 2017, TPHCM đã cấp kinh phí cho 18 đề tài, dự án nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm với kinh phí trên 68 tỷ đồng (11 đề tài, dự án đã nghiệm thu giai đoạn và 7 đề tài, dự án đang triển khai). Đã tạo ra được chip vi xử lý 8 bit RISC thương mại SG-8V1, là sản phẩm chip vi xử lý đầu tiên của Việt Nam được thương mại và hàng loạt sản phẩm ứng dụng chip SG8V1 như: Điện kế điện tử 1 pha SEM1-MD; Modem thu thập dữ liệu DCM; Điện kế điện tử 3 pha SEM3-MC; Thiết bị đọc dữ liệu điện kế HHU… (SGGP 10/11/2017)
Cách nghĩ cũ khó quản taxi công nghệ
Sáng 8/11, Sở GTVT Hà Nội đã tổ chức cuộc họp, đối thoại về những vấn đề phát sinh xoay quanh loại hình xe thí điểm ứng dụng hợp đồng điện tử (HĐĐT) trên địa bàn TP. Về phía các DN taxi truyền thống tiếp tục có những kiến nghị cho rằng, Uber, Grab đang cạnh tranh không lành mạnh và gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường taxi nói chung. Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Đỗ Quốc Bình nêu quan điểm: “Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo việc thí điểm phải đảm bảo lợi ích người tiêu dùng; cạnh tranh lành mạnh; và không để thất thu thuế. Tuy nhiên, hiện cả ba yêu cầu này đều có vấn đề” - Ông Bình phân tích, khi Uber, Grab liên tục trợ giá cho chuyến đi là cạnh tranh không lành mạnh. Khoản thuế các đơn vị này nộp cũng chỉ thể hiện là nộp thay thuế thu nhập cho lái xe; và đội ngũ lái xe của Uber, Grab không được đào tạo chuyên nghiệp, không đáp ứng các tiêu chuẩn của quy định hiện hành.
Nhìn chung, Bộ GTVT và Sở GTVT Hà Nội đều cho rằng, sự ra đời của loại hình taxi công nghệ đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng, tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề bất cập trong công tác quản lý, vẫn có sự khác biệt về cách định danh cho xe thí điểm ứng dụng HĐĐT. Đại diện Bộ GTVT khẳng định, đây là loại hình xe hợp đồng; tuy nhiên tất cả các đơn vị còn lại đều cho rằng đây chính là loại hình taxi kiểu mới, cần được quản lý như taxi truyền thống để đảm bảo trật tự, ATGT cũng như cạnh tranh lành mạnh giữa các DN với nhau. (Kinh tế & Đô thị 9/11/2017)
Apple Việt Nam kiến nghị bỏ một số thủ tục hành chính
Mới đây, Apple Việt Nam đã gửi kiến nghị bỏ quy định yêu cầu cấp phép đối với từng lô hàng nhập khẩu. Kiến nghị liên quan giấy chứng nhận hợp quy, miễn giấy phép nhập khẩu thiết bị Apple Watch.
Việt Nam hiện đang được xem là một trong những thị trường tăng trưởng nhanh nhất của Apple, khi các sản phẩm của của thương hiệu này liên tục "gây sốt" tại thị trường Việt Nam.
Luôn nằm trong top các sản phẩm có giá cao nhất thị trường, nên thủ tục hành chính tại Việt Nam được xem là vấn đề quan tâm hàng đầu của Apple Việt Nam trong chiến lược khai thác dư địa thị trường bán lẻ hơn 100 tỉ USD của Việt Nam.
Được biết, công ty TNHH Apple Việt Nam chính thức được thành lập ngày 28/10/2015. Đại diện pháp luật của Apple Việt Nam là ông Gene Daniel Levoff - Phó chủ tịch của Apple Operations International (AOI). Theo giấy phép, công ty được phép xuất khẩu, nhập khẩu, phân phối bán buôn các hàng hóa, hoạt động dịch vụ công nghệ thông tin và dịch vụ liên quan Apple... (Diễn đàn Doanh nghiệp 8/11/2017)
SHTP Labs hợp tác sản xuất linh kiện cảm biến
Ngày 9-11, Trung tâm Nghiên cứu triển khai Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP Labs) đã ký kết hợp tác với Công ty Chienowa Vietnam và Công ty HeloLife trong việc nghiên cứu, sản xuất và thương mại hóa các linh kiện cảm biến áp suất ứng dụng trong ngành công nghiệp ô tô.
Cụ thể với việc ký kết hợp tác với Công ty HeloLife do Việt kiều Mỹ đầu tư, SHTP Labs sẽ cùng nghiên cứu sản xuất và thương mại hóa sản phẩm cảm biến áp suất cho các ứng dụng trong xe hơi. Trước mắt, hai bên sẽ cùng sản xuất thử nghiệm 1.000 sản phẩm cảm biến áp suất và kiểm tra độ tin cậy của số linh kiện này. Nếu kết quả thành công thì hai bên sẽ tiến tới sản xuất thương mại với số lượng lớn để cung cấp cho các hãng ô tô của Mỹ.
Trong khi đó, với việc hợp tác với Công ty Chienowa Vietnam (do Nhật Bản đầu tư), SHTP Labs sẽ được nhà đầu tư này chuyển giao công nghệ sản xuất linh kiện cảm biến áp suất và đồng thời hai bên cũng sẽ tính đến việc chế tạo sản phẩm tại Việt Nam để thương mại hóa trong tương lai gần. Theo kế hoạch, hai bên sẽ cung cấp linh kiện cảm biến áp suất cho các hãng ô tô Nhật Bản. (TBKTSG Online 9/11/2017)
MobiFone hợp tác với VPBank ra mắt dịch vụ tài chính di động
Sáng 9-11, Tổng công ty Viễn thông MobiFone và Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã chính thức ra mắt dịch vụ tài chính di động, nâng cao chất lượng và tiện ích dành cho khách hàng của MobiFone.
Qua sự kiện hợp tác này, khách hàng MobiFone sẽ được hưởng nhiều quyền lợi ưu đãi dịch vụ tài chính di động hấp dẫn được miễn giảm giấy tờ chứng minh thu nhập.
Cụ thể, khách hàng là thuê bao di động MobiFone sẽ được ngân hàng cấp một hạn mức chi tiêu trước và tiêu dùng lên tới 60 triệu, cùng nhiều ưu đãi hấp dẫn trên toàn quốc.
Đặc biệt, tại các cửa hàng bán lẻ của MobiFone, khi mua thiết bị điện thoại di động, khách hàng sẽ được sử dụng dịch vụ tài chính ưu đãi với lãi suất trả góp 0% hoặc trợ giá thiết bị miễn đặt cọc tiền mặt qua thẻ đồng thương hiệu MobiFone- VPBank.
Ngoài ra, khách hàng còn nhận ưu đãi khi thanh toán dịch vụ MobiFone bằng thẻ đồng thương hiệu này qua VPBank Online.
Các thuê bao của MobiFone có thể đăng kí dịch vụ tài chính di động từ tháng 11-2017. Chi tiết xem tại web chính thức của MobiFone www.mobifone.vn. (CAND 9/11/2017)
Hà Nội: 04 năm xử lý 4.000 hồ sơ xin cấp “sổ đỏ” trực tuyến
Từ năm 2013 Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đối với 06 TTHC, đến nay đã tiếp nhận và xử lý hơn 4.000 hồ sơ trực tuyến đối với các TTHC cấp GCN quyền sử dụng đất của các tổ chức.
Năm 2017, theo kế hoạch của UBND Thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đăng ký để triển khai 41 TTHC (đảm bảo trên 40% TTHC của Sở được thực hiện dịch vụ công) để Sở Thông tin và Truyền thông giao cho đơn vị tư vấn của Thành phố xây dựng phần mềm cho Sở Tài nguyên và Môi trường vận hành.
Về tình hình chung triển khai dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn thành phố Hà Nội, trước đó ngày 6/7, Ban chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin thành phố Hà Nội đã tổ chức sơ kết đánh giá kết quả ứng dụng CNTT trên địa bàn TP 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017.
Tính đến hết tháng 6/2017, hệ thống dịch vụ công trực tuyến hiện đã có 4.681 cán bộ được cấp tài khoản tham gia, có gần 5 triệu lượt truy cập, tỷ lệ hồ sơ giao dịch qua mạng đạt trên 90%.
Hà Nội cũng là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng hồ sơ giao dịch qua mạng trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017. (Viettimes 10/11/2017)
Đa phần các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ bắt đầu đi vào cách mạng công nghiệp 3.0
Theo nhận định của ông Will Nguyễn, Giám đốc Dịch vụ công nghệ của Công ty Kiểm toán KPMG Việt Nam, ở thời điểm hiện tại, đa phần các DN Việt Nam mới bắt đầu đi vào cách mạng công nghiệp 3.0 với việc tự động hóa các quy trình nhằm phục vụ việc quản trị tốt hơn.
Chỉ một bộ phận rất nhỏ DN hướng tới 4.0 bằng việc có chiến lược thông tin đến năm 2025. Nhưng đây đều là những công ty lớn, doanh thu 500-700 triệu đô Mỹ mỗi năm. Trong khi đó, nếu nhìn riêng vào mảng thương mại điện tử, các DN Việt Nam thậm chí chỉ đang ở mức 2.5, chưa thực sự ở cuộc cách mạng 3.0. Giới chuyên gia nhận định, mức độ áp dụng công nghệ của các DN Việt Nam, nhất là DN vừa và nhỏ rất kém. Bởi lẽ, những chủ DN thuộc khu vực DN này rất ngại thay đổi. (Đại Đoàn Kết 9/11/2017)
Thu thuế với Google và Facebook chỉ là cách thức thu
Ông Võ Đỗ Thắng, Ủy viên Ban Chấp hành Chi hội An toàn thông tin phía Nam (VNISA phía Nam), đánh giá việc thu thuế với Google, Faecbook… là phù hợp, vấn đề chỉ là cách thức thu như thế nào mà thôi. Theo ông Thắng, khách hàng mua quảng cáo, dịch vụ của Google, Facebook đa phần đều trả bằng thẻ tín dụng Visa, Master; mà các thẻ này hầu hết cấp phát qua đại lý ngân hàng Việt Nam. Do đó, chỉ cần lấy số liệu từ giao dịch thẻ Visa, Master từ ngân hàng chuyển vào tài khoản Facebook, Google là có thể biết được doanh số phát sinh để tính thuế. "Có thể chưa đầy đủ nhưng bước đầu đây cũng là cơ sở bằng chứng doanh thu để yêu cầu Google, Facebook nộp thuế" - ông Thắng gợi ý.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, cũng nhất trí về mặt kinh doanh thì tất cả DN có hoạt động sinh lợi đều phải đóng thuế. Vấn đề hiện nay là nhà nước cần có thỏa thuận tư pháp với các quốc gia như Mỹ (quốc gia sở tại của Google, Facebook) về việc nộp thuế. Có thể tiến hành đàm phán để có sự tương trợ song phương về mặt tư pháp để làm nền tảng pháp lý cho việc yêu cầu các DN này nộp thuế. "Việc này sẽ có lợi cho chúng ta cũng như quốc gia sở tại của Google, Facebook. Cần thu thuế các DN nước ngoài để tránh tạo ra sự bất bình đẳng với các DN khác. Vấn đề là hiện nay chúng ta phải có luật, giải pháp, phương pháp cụ thể… thì mới có thể thực hiện thu thuế được" - luật sư Hậu nói. (Người Lao Động 10/11/2017)
Xe bus không người lái vừa thử nghiệm tại Las Vegas đã gặp tai nạn
Sau dự án thử nghiệm xe bus ở Singapore, vừa qua Las Vegas cũng đã tiên phong là thành phố đầu tiên ở Mỹ tiến hành cho chạy thử xe bus tự lái. Tuy nhiên, thật không may là một vụ va chạm đã xảy ra khi xe bus tự động này vừa mới chạy thử nghiệm được một tiếng đồng hồ.
Theo một báo cáo của đài phát thanh địa phương KSNV News 3, Las Vegas đã chính thức thử nghiệm chiếc xe bus tự lái tại trung tâm thành phố. Chiếc xe này được thiết kế và sản xuất bởi một startup Pháp có tên Navya, do công ty vận tải tư nhân Keolis của Pháp sở hữu và điều hành, hoạt động trong vòng 0,6 dặm quanh khu thương mại Las Vegas, cung cấp các chuyến đi miễn phí cho người dân. Tuy nhiên, chỉ trong vòng một giờ chạy thử nghiệm, tai nạn bất ngờ xảy ra khi chiếc xe tự lái này đã va chạm với phần đầu của một xe tải chở hàng do tài xế điều khiển đang rẽ từ kho ra mặt đường.
Theo phát ngôn viên của AAA người đang làm việc với Las Vegas và Keolis đã xác nhận trên Twitter rằng tai nạn nằm ở lỗi của người tài xế. Rất mắn khi chỉ có tấm chống va đập của xe bus tự động bị vỡ và không có thiệt hại về người. (VietTimes 10/11/2017)
Thương mại điện tử Việt Nam có tiềm năng lớn
Chia sẻ về xu hướng ứng dụng TMĐT của các DN bán lẻ, ông Vũ Vinh Phú – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thụ Hà Nội cho biết, TMĐT trong ngành bán lẻ của nước ta đang có rất nhiều tiềm năng phát triển, bởi mới chỉ đang chiếm tỷ lệ nhỏ, khoảng 3 tỷ USD trên tổng số 110 tỷ USD dung lượng thị trường bán lẻ Việt Nam. TMĐT cũng không đòi hỏi quá nhiều vốn đầu tư nếu so với việc xây dựng và duy trì hoạt động của một cửa hàng, siêu thị hay trung tâm thương mại. Với những tính năng được tích hợp trên nền tảng mạng xã hội như facebook hoặc thông qua các website, DN dễ dàng quảng bá sản phẩm. Do đó, thời gian qua, nhiều tập đoàn, DN bán lẻ đang phát triển rất mạnh mảng này như Vingroup, Lotte, Aeon, Lazada, Tiki... “Điểm chung của các DN này hàng hóa rất đa dạng, phong phú, có chất lượng và uy tín. Đồng thời có dịch vụ chăm sóc khách hàng chu đáo, đáng tin cậy nên được người tiêu dùng quan tâm, ưa chuộng” – ông Vũ Vinh Phú cho hay.
Có tiềm năng và những bước phát triển đầu tiên ấn tượng bởi sự “vào cuộc” của hàng loạt “ông lớn” nhưng TMĐT trong ngành bán lẻ cũng đang đối mặt với không ít thách thức. Ông Vũ Vinh Phú chỉ rõ, ngoài các DN thực sự lớn như Vingroup, Aeon, Lotte, Thế giới di động, Lazada… thì nhiều DN hay cơ sở bán lẻ nhỏ chưa có được nguồn hàng phong phú, chất lượng. Vì vậy, sự chênh lệch hay thậm chí khác biệt giữa hàng hóa được quảng bá trên website và hàng hóa khách hàng nhận được là điều không hiếm. Hiện nay, 80% người tiêu dùng mua hàng qua mạng yêu cầu xem hàng trước, chuyển tiền sau, cho thấy độ tin cậy của hình thức kinh doanh này chưa cao.
Ngoài ra, hiện nay, nhiều giao dịch được thực hiện trên nền tảng TMĐT của các DN bán lẻ không được xuất hóa đơn, dẫn đến nguy cơ thất thu thuế.
Những tồn tại của TMĐT đã khiến không ít DN TMĐT tại Việt Nam bị thất bại và dần bị thâu tóm bởi các DN khác đến từ nước ngoài. Thực tế cho thấy, đã có không ít tên tuổi lớn rời bỏ thị trường như Beyeu.vn, Deca.vn, Fab.vn, Cucre.vn, Lingo.vn vì không thể chịu nổi mức thua lỗ hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng để giành thị phần.
Do đó, để TMĐT ngành bán lẻ phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, ông Vũ Vinh Phú cho hay, điểm đầu tiên là DN phải có được hệ thống hậu cần mạnh với lượng hàng hóa dồi dào, có chất lượng. Thứ hai, kinh doanh bắt buộc phải đặt chữ tín lên hàng đầu vì với hình thức mua bán trực tuyến, uy tín là điều quan trọng nhất giúp giữ chân khách hàng. Thứ ba, phải có được các điều khoản luật pháp bảo vệ tốt cho người tiêu dùng; bảo đảm siết chặt quản lý để tránh việc thất thu thuế.
Ông Vũ Vinh Phú nhấn mạnh: “Việc Tập đoàn Alibaba mua lại Lazada Việt Nam vào năm 2016 cho thấy các tập đoàn, DN lớn của nước ngoài đã và đang đặc biệt quan tâm đến hình thức kinh doanh này. Sự kiện tỷ phú Jack Ma đến Hà Nội vừa qua cho thấy không loại trừ khả năng, ông chủ của tập đoàn Alibaba vẫn muốn tiếp tục mở rộng thị phần tại Việt Nam. Nếu không theo kịp guồng xoáy của các tập đoàn, DN nước ngoài, DN bán lẻ Việt Nam sẽ có nguy cơ tiếp tục đánh mất thị phần theo cách các DN bán lẻ truyền thống đã phạm phải”. (Nhân Dân 10/11/2017)
Việc ĐH FPT chấp nhận thanh toán học phí bằng bicoin là trái với quy định pháp luật
Đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tái khẳng định: Giao dịch mua bán, sử dụng bitcoin tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, hệ lụy khó lường đối với người dân và không được pháp luật bảo vệ. Bởi vậy, NHNN tiếp tục khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không nên đầu tư, nắm giữ, thực hiện các giao dịch liên quan đến bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác.
"Thứ nhất, nếu chấp nhận nó là tiền tệ, là phương tiện thanh toán hợp pháp thì chủ quyền quốc gia về phát hành tiền tệ bị xâm phạm, ảnh hưởng đến hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ (tiền ảo nằm ngoài phạm vi quản lý, điều tiết của ngân hàng Trung ương).Thứ hai, nếu như tiền ảo được chấp nhận sẽ tạo điều kiện để trốn thuế, chuyển tiền bất hợp pháp, thanh toán, tài trợ cho các giao dịch bất hợp pháp vì các giao dịch thanh toán bằng tiền ảo là ẩn danh, không có dấu vết", đại diện NHNN nói.
Đồng tình quan điểm này, LS. Trương Thanh Đức cho rằng, hoàn toàn hợp lý vì quy định pháp luật không cho phép. “Trên đất nước Việt Nam, mọi hình thức thanh toán phải dùng tiền Việt Nam, không được sử dụng đồng tiền khác trừ trường hợp được phép. Do vậy, việc ĐH FPT vừa qua chấp nhận thanh toán học phí bằng Bitcoin là trái với những quy định của pháp luật”, ông Đức nói.
Theo LS. Trương Thanh Đức, có 4 loại tài sản là: Vật, tiền tệ, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Phân tích đặc tính của loại tiền ảo này, bitcoin không phải là vật, tiền tệ hay giấy tờ có giá mà chỉ có thể là quyền tài sản, tức là tài sản ảo, vô hình. Dưới dạng là một loại tài sản thì đồng tiền này chỉ được phép mua bán, tặng cho, trao đổi… đối với các loại tài sản khác theo quy định tại Điều 455 về “Hợp đồng trao đổi tài sản” của Bộ luật Dân sự năm 2015.
Vì vậy, khi pháp luật chưa thừa nhận bitcoin là một đồng tiền hay phương tiện thanh toán nói chung, hay như để thanh toán học phí nói riêng thì việc các cá nhân hay pháp nhân sử dụng vào việc thanh toán hàng hóa, dịch vụ bất hợp pháp và có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 96. (Tin Tức 10/11/2017)