Dịch vụ công trực tuyến được cung cấp cả trên mạng xã hội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Không chỉ có trên cổng dịch vụ công, các dịch vụ hành chính công trực tuyến còn có thể được cung cấp trên mạng xã hội và ứng dụng di động của cơ quan nhà nước.
Cổng dịch vụ công, Hệ thống một cửa điện tử từng bước tích hợp dịch vụ lên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Cổng dịch vụ công, Hệ thống một cửa điện tử từng bước tích hợp dịch vụ lên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Nghị định 42 quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8.

Nghị định nêu cụ thể về kênh cung cấp dịch vụ công trực tuyến: Cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh là thành phần của Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh, cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết của bộ, ngành, địa phương cho tổ chức, cá nhân.

Tính đến ngày 25/5, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện đưa lên mức 4 – mức cao nhất được thực hiện hoàn toàn qua mạng, đã đạt 97,3%. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức 3,4 có phát sinh hồ sơ trực tuyến đạt gần 24%.

Ngoài ra, căn cứ vào điều kiện cụ thể, các cơ quan nhà nước chủ động triển khai các kênh cung cấp dịch vụ công trực tuyến khác. Trong đó có mạng xã hội do cơ quan nhà nước cho phép cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo quy định của pháp luật; Ứng dụng trên thiết bị di động của cơ quan nhà nước cho phép cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Các kênh này được triển khai tập trung, thống nhất, dùng chung trong phạm vi bộ, ngành, địa phương để cung cấp dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước, tránh trùng lặp.

Cơ quan nhà nước có trách nhiệm công bố các kênh cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên môi trường mạng.

Đáng chú ý, tại Nghị định mới, Chính phủ cũng cụ thể các điều kiện bảo đảm phát triển, duy trì hoạt động cung cấp, sử dụng thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước như: Nhân lực, kinh phí, hạ tầng kỹ thuật.

Nghị định ra đời với mục tiêu bảo đảm các điều kiện cho việc cung cấp thông tin của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng đầy đủ, kịp thời, công khai, minh bạch, thuận tiện, an toàn qua nhiều kênh cung cấp khác nhau; có sự tương tác tích cực hai chiều với người dân và doanh nghiệp. Từ đó, người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước theo nhu cầu một cách thuận tiện, đa kênh, đơn giản, an toàn và nhanh chóng.

Cùng với đó, việc xây dựng và ban hành Nghị định mới cũng nhằm bảo đảm tính khả thi khi thực hiện các mục tiêu phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số nói chung và mục tiêu Cung cấp dịch vụ chất lượng phục vụ xã hội nói riêng trong Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Hiện 100% bộ, ngành, địa phương đã có trang thông tin, cổng thông tin điện tử.

Cổng thông tin điện tử của các bộ, ngành, địa phương đều đã cung cấp các văn bản quy phạm pháp luật; đồng thời, có chức năng tiếp nhận, phản hồi thông tin từ người dân và đăng tải đầy đủ các câu hỏi, trả lời trong mục Trao đổi - Hỏi đáp, người dân tham gia đánh giá và xếp hạng với một số nội dung thông tin mà cơ quan cung cấp.

Về cung cấp dịch vụ công trực tuyến, 100% bộ, ngành, địa phương đã có Cổng dịch vụ công, Hệ thống một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh để tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến và từng bước tích hợp dịch vụ lên Cổng dịch vụ công quốc gia.