Dịch do virus Corona diễn biến ngày càng phức tạp, Bộ Y tế họp khẩn hướng dẫn cách điều trị bệnh

VietTimes -- Sáng 8/2, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị trực tuyến với gần 700 điểm cầu trong cả nước để hướng dẫn điều trị và phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV).
Hội nghị trực tuyến hướng dẫn điều trị và phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona. Ảnh: Minh Thúy
Hội nghị trực tuyến hướng dẫn điều trị và phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona. Ảnh: Minh Thúy

Cách ly triệt để tại cộng đồng để phòng, chống dịch

Tại hội nghị, GS. TS. Nguyễn Thanh Long – Thứ trưởng Bộ Y tế - cho biết, để phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV, Bộ Y tế đã đảm bảo đủ năng lực, sinh phẩm để chẩn đoán, thiết lập mạng lưới 22 labo trên cả nước, đảm bảo đủ sinh phẩm để xét nghiệm cho bệnh nhân. Việc nuôi cấy thành công nCoV đã mở đường cho nghiên cứu vaccine phòng bệnh. So với dịch SARS – CoV (2003), đây là một bước tiến rất nhanh của ngành y tế.

GS. TS. Nguyễn Thanh Long – Thứ trưởng Bộ Y tế. Ảnh: Minh Thúy
GS. TS. Nguyễn Thanh Long – Thứ trưởng Bộ Y tế. Ảnh: Minh Thúy 

Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, Bộ Y tế đã yêu cầu khai báo y tế đối với tất cả người đến/đi Trung Quốc, cách ly triệt để các trường hợp nghi ngờ. Hiện, ở biên giới chỉ có người Việt Nam nhập cảnh. Tất cả người Việt Nam trở về nước đều được cách ly ngay để phòng bệnh.

GS. TS. Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: Chỉ có biện pháp cách ly mạnh mẽ mới có thể ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Bởi đặc tính của nCoV là lây lan nhanh, khó kiểm soát.

Tính đến 10h ngày 8/2, toàn thế giới đã có 724 ca tử vong cùng 34.879 trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV, trong đó:

Lục địa Trung Quốc: 722 người tử vong;

Phillippines: 1 người tử vong.

Hồng Kông (Trung Quốc): 1 người tử vong.

Tại Việt Nam đã ghi nhận 13 người nhiễm nCoV gồm:

2 cha con người Trung Quốc (1 người đã khỏi và xuất viện)

6 công dân Việt Nam đều trở về từ Vũ Hán, Trung Quốc (1 người đã khỏi và xuất viện)

1 công dân Việt Nam là lễ tân có tiếp xúc gần với 2 cha con người Trung Quốc (đã khỏi và xuất viện)

1 công dân Mỹ đến Việt Nam, trước đó có quá cảnh tại Vũ Hán, Trung Quốc.

1 người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với nCoV trước đó

2 trường hợp là mẹ đẻ và em ruột của một bệnh nhân dương tính với nCoV trước đó.

Hiện 3 người đã được điều trị khỏi và xuất viện.

Bộ Y tế đã thực hiện việc cách ly triệt để tại cộng đồng để phòng chống dịch, tạo ra 3 vòng cách ly: người nghi nhiễm cách ly tại bệnh viện, cách ly tập trung những người đi từ Hồ Bắc về và cách ly tại nhà những trường hợp đi từ vùng lãnh thổ khác.

Hiện, 13 bệnh nhân nhiễm nCoV đang được điều trị tích cực, cách ly đặc biệt tại các cơ sở y tế.

Theo TS. Đặng Quang Tấn – Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, đến thời điểm hiện tại, các cơ sở y tế đang giám sát hơn 600 trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, 69 trường hợp chờ kết quả xét nghiệm.

Để chủ động phòng bệnh, Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch ứng phó với 4 cấp độ của dịch bệnh gồm: Trường hợp bệnh xâm nhập, dịch bệnh lây nhiễm thứ phát trong nước, dịch bệnh lây lan trên 20 trường hợp trong nước và dịch bệnh lây lan rộng trong cộng đồng với hơn 1.000 trường hợp mắc.

Thông tin thêm về bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV, TS. Kidong Park – Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam (WHO) – cho hay, 10 ngày trước (30/1), Tổng Giám đốc WHO đã công bố dịch nCoV là sự kiện y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế. Đây là lời kêu gọi đối với toàn cầu trong phòng, chống nCoV. Hiện đã có 25 quốc gia ngoài Trung Quốc phát hiện các trường hợp mắc bệnh. Hầu hết các trường hợp tử vong đều trong độ tuổi trung niên, có tiền sử mắc các bệnh mãn tính.

"Mặc dù chưa có phác đồ điều trị đặc hiệu nCoV, nhưng Việt Nam đã nỗ lực điều trị triệu chứng cho các trường hợp mắc bệnh, đến nay đã có 3 trường hợp được chữa khỏi" - TS. Kidong Park nhấn mạnh.

Các biện pháp phòng ngừa nCoV

Theo GS. TS. Nguyễn Văn Kính – nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - nCoV tồn tại trong cơ thể khoảng 3-4 tuần kể từ khi bắt đầu xâm nhập. Ngoài môi trường, nCoV dễ bị tiêu diệt bởi ánh sáng, tia cực tím và nhiệt độ cao. Tuy nhiên, trong môi trường lạnh, ẩm và bề mặt kim loại nCoV có thể tồn tại từ 1-3 ngày.

GS. TS. Nguyễn Văn Kính – nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Minh Thúy
GS. TS. Nguyễn Văn Kính – nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Minh Thúy

Các ca nghi ngờ nhiễm nCoV phải nhập viện để làm các xét nghiệm khẳng định. Điều trị triệu chứng, nâng cao thể trạng và hồi sinh cấp cứu đóng vai trò quan trọng.

Chia sẻ về nguồn lây nCoV, PGS. TS. Nguyễn Việt Hùng – Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Bạch Mai – cho hay, trong một số tình huống nhất định nCoV có thể lây qua đường không khí. nCoV có thể lây truyền qua giọt chất tiết hô hấp. Khi ho, hắt hơi, nói chuyện, xì mũi có thể phát tán giọt bắn trong phạm vi 2m.  

Để phòng bệnh, người dân có thể sử dụng khẩu trang y tế thông thường, khẩu trang vải ngăn ngừa các giọt bắn có kích thước lớn, còn khẩu trang N95 chủ yếu được các bác sĩ sử dụng trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao.

Tuy nhiên, biện pháp phòng ngừa quan trọng nhất là phát hiện sớm các bệnh nhân có biểu hiện nghi ngờ (sốt, ho, khó thở, có tiếp xúc gần với người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp, có tiền sử đến/ở Trung Quốc trong 14 ngày) ngay tại bệnh viện.

Sau khi phát hiện trường hợp nghi ngờ, bệnh nhân sẽ được cách ly tạm thời tại khoa khám bệnh, sau đó được chuyển tới Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Với đối tượng trên 12 tuổi, thời gian cách ly là 14 ngày; với trẻ dưới 12 tuổi cần cách ly ngay từ khi nhập viện trong 16 ngày.

PGS. TS. Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Ảnh: Minh Thúy
PGS. TS. Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Ảnh: Minh Thúy

PGS. TS. Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương - hiện, bệnh nhân chủ yếu sốt, các triệu chứng khác khá mờ nhạt. Điển hình tại Vĩnh Phúc, các bệnh nhân nhiễm nCoV chỉ ho. Do đó, trường hợp ca bệnh nghi ngờ nhiễm nCoV được xác định có ít nhất 1 trong các triệu chứng như: sốt, ho, khó thở, hoặc viêm phổi. 

Bên cạnh đó, kiểm dịch y tế biên giới đóng vai trò quan trọng để cô lập nguồn lây nCoV, góp phần ngăn chặn bệnh dịch có thể xâm nhập tại cộng đồng. Các bệnh viện chỉ chuyển tuyến khi khiông đáp ứng được nhu cầu điều trị của bệnh nhân.