Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đưa ra tại phiên họp lần thứ 15 của Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, diễn ra sáng nay, 5/7.
Theo Bộ Y tế, tính đến ngày 4/7, tổng số ca mắc trên thế giới vượt 554 triệu ca, trên 6,3 triệu ca tử vong. Đặc biệt, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, khó lường và đã bùng phát trở lại tại một số quốc gia với sự xuất hiện của biến thể BA.5 của chủng Omicron, nhất là tại khu vực châu Âu.
Bộ Y tế thông tin, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật châu Âu (ECDC) đã phát đi khuyến cáo các quốc gia cần duy trì các biện pháp ứng phó, như tiêm vaccine tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh, tăng cường hệ thống giám sát trọng điểm.
Không chỉ vậy, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, các vaccine được cấp phép lưu hành hiện nay vẫn có giá trị bảo vệ cao, làm giảm nguy cơ chuyển nặng đối với tất cả các biến thể SARS-CoV-2 (bao gồm cả biến thể phụ BA.5). Do đó, các quốc gia cần duy trì các biện pháp ứng phó, như tiêm vaccine tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh, bảo vệ bệnh trở nặng.
Bộ Y tế cho hay, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ tiêm vaccine cao nhất thế giới với tỷ lệ bao phủ mũi 2 trên tổng dân số đạt xấp xỉ 80%, vượt 30% so với mục tiêu của WHO; tỷ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên cao gấp đôi tỷ lệ trung bình trên thế giới; tỷ lệ tiêm liều cơ bản cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi cao hơn một số quốc gia châu Âu như Ý, Đức, Mỹ, Đan Mạch, Ba Lan...
Mặc dù vậy, đại diện Bộ Y tế vẫn đánh giá tốc độ tiêm chủng vaccine COVID-19 trong nước còn chậm, nhất là tiêm mũi 3, mũi 4 cho người trên 18 tuổi và tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Đặc biệt, vẫn có tình trạng tồn đọng nhiều vaccine COVID-19 tại Trung ương và các địa phương, dẫn tới nguy cơ hết hạn phải hủy bỏ nếu không đẩy mạnh tiếp nhận vaccine và triển khai tiêm chủng trong thời gian tới.
Cũng theo Bộ Y tế, trên thế giới, biến thể phụ BA.5 của Omicron đã ghi nhận tại nhiều quốc gia và đã xuất hiện tại Việt Nam. Biến thể phụ này có khả năng lây lan nhanh hơn 12% so với biến thể phụ BA.2 (biến thể phụ phổ biến tại Việt Nam hiện nay). Do đó, trong thời gian tới các ca nhiễm biến thể phụ BA.5 có thể ghi nhận nhiều hơn trong cộng đồng ở nước ta, số ca mắc có thể gia tăng trong thời gian tới do sự xuất hiện của biến thể phụ BA.5.
Trước tình hình này, Bộ Y tế cho rằng, tốc độ gia tăng số mắc hàng ngày của COVID-19 phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, như bản chất của biến thể về khả năng lây nhiễm (SARS-CoV-2 thường xuyên biến đổi, không ổn định); khả năng bảo vệ miễn dịch (mắc phải hoặc do tiêm vaccine) giảm theo thời gian và độ bao phủ vaccine; khối cảm nhiễm; khả năng đáp ứng và các biện pháp phòng, chống của Việt Nam.
Chính vì vậy, hệ thống giám sát, đáp ứng phòng, chống dịch từ Trung ương đến địa phương cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, tiêm vaccine tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh và tiếp tục truyền thông để người dân luôn có ý thức phòng, chống dịch.
Số liệu thống kê của Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 9.014.374 ca mắc COVID-19 (83,9%), 8.317.083 người đã khỏi bệnh (92,3%), 10.693 ca tử vong (0,1%). Lũy kế đến nay, Việt Nam ghi nhận 10.748.639 ca mắc, có 9.708.984 người khỏi bệnh (90,3%), 43.087 ca tử vong (0,4%).
Đà Nẵng triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho lứa tuổi từ 12 đến dưới 17 tuổi trên địa bàn |
Tính từ ngày 15/3 đến nay, Việt Nam ghi nhận 4.368.193 ca mắc, 1.610 ca tử vong (tỷ lệ chết/mắc là 0,04%, đã giảm mạnh so với 3,5 tháng trước đó với tỷ lệ chết/mắc là 0,25%). Riêng trong tháng 6/2022, số mắc COVID-19 đã chững lại ở khoảng 600-700 ca mắc trong ngày; số trường hợp nặng, tử vong tiếp tục giảm. Trong 30 ngày qua, tỷ lệ chết/mắc là 0,02%, trong đó số mắc giảm 4,5 lần và số tử vong giảm 10 lần so với tháng trước đó, có 24 ngày cả nước không ghi nhận ca tử vong.
Tính đến hết ngày 3/7, Việt Nam đã tiêm được hơn 233 triệu liều vaccine phòng COVID-19 (tỷ lệ tiêm vaccine đạt 97,3%). Nhóm đối tượng từ 18 tuổi trở lên có tỷ lệ tiêm các mũi 1, 2, 3, 4 tương ứng xấp xỉ 100%, 100%, 67,6% và 31,1%; trẻ em từ 12-17 tuổi tiêm các mũi 1, 2, 3 đạt tỷ lệ xấp xỉ 100%, 98,7% và 10,6%; trẻ từ 5 đến 11 tuổi tiêm các mũi 1, 2 đạt tỷ lệ xấp xỉ 52,6% và 20,3%.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu