Thông tin được ông Proschan chia sẻ tại buổi tọa đàm có chủ đề “Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT)”, tổ chức tại Hà Nội ngày 3/1.
Không có DSVHPVT của nhân loại, thế giới
Ông Frank Proschan đã có nghiên cứu về DSVHPVT từ công cụ tìm kiếm Google, trong đó cho thấy, tính tới tháng 10.2019, rất nhiều kết quả tìm kiếm cho thấy tên gọi di sản văn hóa phi vật thể bị dùng sai, ví dụ “danh sách DSVHPVT của nhân loại”, “danh sách DSVHPVT nhân loại”… Trong khi đó, cách sử dụng đúng là “danh sách các DSVHPVT đại diện của nhân loại” hoặc “danh sách DSVHPVT đại diện của nhân loại”.
“Có thể thấy, với người đọc tiếng Việt, khả năng gặp phải một cách dùng sai tên gọi của danh sách đại diện là 60% so với tên gọi đúng” – Ông Proschan nói. Điều này khiến cho công chúng hiểu sai về DSVHPVT và chủ sở hữu của di sản.
Ông Frank Proschan chia sẻ về DSVHPVT.
|
Bên cạnh đó, khi tìm kiếm cụm từ “X là DSVHPVT đại diện của nhân loại”, Google trả về hàng nghìn kết quả chỉ trong vài giây. Ông Proshcan cho rằng tình trạng này rất đáng lo ngại, bởi đây là cách gọi sai, đã khiến cho mọi người thừa nhận rằng DSVHPVT là của toàn nhân loại, thay vì hiểu đúng rằng loại di sản này chỉ thuộc về một cộng đồng cụ thể.
Ngoài ra, các kết quả tìm kiếm đều không hề nhắc tới tính đại diện, bỏ qua khái niệm rất quan trọng trong việc hiểu về DSVHPVT.
Ông Proschan cũng chia sẻ: “Nhầm lẫn này được thể hiện ngay trong Luật Di sản Văn hóa sửa đổi 2009, vì thiết lập một danh mục quốc gia về DSVHPVT, và gọi tên là Danh mục DSVHPVT quốc gia – gây nhầm lẫn với các danh sách quốc tế do Công ước 2003 thiết lập. Nhiều người nhắc đến danh mục DSVHPVT cấp quốc gia – một khái niệm có lẽ được mượn từ hệ thống phân loại đối với di sản vật thể, làm sai lệch bản chất của DSVHPVT.
Hiểu về DSVHPVT như thế nào cho đúng?
Theo ông Proschan, Công ước về Bảo vệ DSVHPVT năm 2003 đã đánh dấu sự thừa nhận của cộng đồng quốc tế về việc: DSVHPVT thuộc về các cộng đồng, nhóm người và trong một số trường hợp là các cá nhân – những người tạo ra, thực hành và tham gia vào di sản đó.
“Điểm then chốt là nhóm người và cá nhân liên quan tới di sản mới có thể công nhân di sản đó” – Ông Proschan nhấn mạnh.
Công ước cũng nhắc nhở rất nhiều lần về quá trình công nhận một DSVHPVT. Quá trình này chỉ diễn ra trong các cộng đồng, chứ không thể do người bên ngoài, cho dù là chuyên gia hay quan chức nhà nước, thực hiện mà không có cộng đồng tham gia.
Các chuyên gia chia sẻ về DSVHPVT.
|
Ông Proschan nói: “Chỉ các cộng đồng liên quan mới có thể bảo vệ di sản của chính họ hiệu quả nhất. Ở đây, Công ước công nhận cộng đồng là chủ thể chính và bắt buộc trong bất kỳ nỗ lực bảo vệ DSVHPVT nào. Tức là, một cộng đồng có thể lựa chọn bảo vệ hoặc không bảo vệ DSVHPVT của mình. Công ước cũng đã thể hiện di sản phi vật thể không bao giờ là tài sản của quốc gia, dân tộc hay toàn thể nhân loại, mà chỉ là tài sản của các cộng đồng, nhóm người, cá nhân liên quan".
Ghi nhận những chia sẻ của nhà nghiên cứu Frank Proschan, PGS.TS. Bùi Hoài Sơn - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam - cho biết có rất nhiều lý do khiến cho cộng đồng hiểu chưa đúng về DSVHPVT. Sự nhẫm lẫn này không chỉ xuất hiện tại Việt Nam mà còn có ở nhiều nước khác trên thế giới.
“Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam là đơn vị nghiên cứu, tư vấn cho lãnh đạo Bộ VH-TT&DL, vì vậy chúng tôi phải giải quyết sự hiểu lầm này, tiến tới thống nhất về mặt thuật ngữ, tinh thần. Trên cơ sở chúng ta hiểu đúng về DSVHPVT thì mới có cách xử lý và giải pháp đúng, cũng là tạo điều kiện rất tốt cho bảo vệ di sản văn hóa trong nước” – PGS.TS. Bùi Hoài Sơn cho biết.