Chuyển đi xe ôm để tránh phí
Anh Đỗ Văn Dương tài xế lái xe taxi ở thị trấn Bần Yên Nhân (Mỹ Hào, Hưng Yên) cho biết, trước đây mỗi lần xe của anh đi qua trạm thu phí chỉ mất khoảng 10.000 đồng/lượt.
Tuy nhiên mấy tháng gần đây khi mức phí tăng liên tiếp lên 30.000 rồi 45.000 đồng/lượt khiến công việc của anh trở nên khó khăn hơn do phải tính thêm tiền phí đường với khách đi xe.
"Nhiều hành khách có việc gấp phải đi taxi họ chấp nhận “cõng” thêm phí đường, nhưng nhiều người không chịu nổi mức phí cao đã chuyển sang đi xe ôm thay vì đi taxi để tránh phí”, anh Dương cho hay.
Anh Đỗ Quốc Tuân ở Gia Lâm (Hà Nội) cho biết: Do thi thoảng anh mới đi xe ô tô con qua trạm thu phí số 1 đến địa phận giáp thị trấn Bần Yên Nhân, thế nhưng đi quãng đường cách trạm thu phí chỉ hơn 1km quay về anh vẫn phải trả 90.000 đồng tiền phí cho hai lượt đi - về.
Mức phí này bằng với mức phí của xe tiêu chuẩn (xe dưới 12 chỗ) đi hết QL5 dài hơn 100km.
Anh Tuân cũng cho hay, trước đây từ Hà Nội về Hải Phòng, để tránh trạm thu phí, khi đến cầu vượt Như Quỳnh chủ phương tiện có thể rẽ vào hướng ga đường sắt Lạc Đạo vòng qua KCN Phố Nối A theo tỉnh lộ 206 để trở lại QL5 và ngược lại. Tuy nhiên, do hiện nay đường xuống cấp, xe tải khổ lớn lặc lè nối đuôi nhau nên những người đi xe con như đã không dám đi vào vì sợ xảy ra tai nạn giao thông.
Có thể chọn đường vòng để tránh mất phí
Trước thực tế này, trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Văn Huỳnh, Phó giám đốc Ban hành chính nhân sự, Tổng công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) thừa nhận hiện nay có tình trạng người dân ở gần khu vực trạm thu phí đi quãng đường ngắn vẫn phải chấp nhận trả mức phí như người đi đoạn đường dài.
Tuy nhiên, do QL5 thực hiện công nghệ thu phí hở như tất cả các tuyến quốc lộ khác nên xe ô tô cứ qua trạm thu phí là thu tiền theo đầu phương tiện.
“Thu phí hở từ trước đến nay đã quy định như vậy nên hai bên đường QL5 không thể rào chắn thu phí kín như đường cao tốc. Do vậy chủ phương tiện cũng có thể lựa chọn con đường khác bằng việc đi đường vòng, đường tắt để không mất phí”, ông Huỳnh nói.
Để giảm gánh nặng chi phí cho người dân gần trạm thu phí thường xuyên qua lại trạm, ông Huỳnh cho biết chủ phương tiện có thể mua vé tháng, vé quý. Theo đó, nếu mua vé tháng, chủ phương tiện có thể đi nhiều lượt trong mỗi ngày nhưng chỉ thu tiền 1 lượt/ngày. Tương tự vé quý được tính như vé tháng nhưng được giảm 10% tiền phí so với vé tháng.
Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng - Trưởng ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công - tư (Bộ GTVT) cũng cho hay: Do hệ thống quốc lộ ở nước ta hiện nay đều thu phí hở nên không thể tính phí theo km như đường cao tốc đi bao nhiêu km tính tiền bấy nhiêu.
Theo ông Huy, công nghệ thu phí hở chỉ mang tính tương đối chứ không thể công bằng tuyệt đối. Đối với chủ phương tiện sống gần trạm thu phí Nhà nước đã yêu cầu chủ đầu tư phải bán vé tháng, vé quý để giảm gánh nặng cho chủ phương tiện. Tuy nhiên, thực tế cũng có những hộ ở giữa 2 trạm thu phí đoạn dài 20-40km lại không mất đồng phí nào và chủ đầu tư vẫn phải chấp nhận.
Ông Huy cũng cho biết, không riêng gì QL5 mà trên nhiều tuyến quốc lộ có trạm thu phí hiện nay cũng đều áp dụng bằng việc mua vé tháng, vé quý cho chủ phương tiện gần khu vực trạm thu phí.
Theo VNN