Đi để biết dân nói gì, dân cần gì

VietTimes-- Trong 10 năm làm đại biểu Quốc hội, (Đoàn Lai Châu, khóa IX và X), Mùa Thị Mỷ đã dành tới 1000 ngày để đến với cử tri. Nếu có ai đó hỏi, sức đâu mà đi nhiều thế, bà bảo: “Mình cứ đi thôi. Đại biểu đi để biết dân nói gì, dân cần gì, và làm thế nào để họ được hưởng đầy đủ chính sách của Đảng, Nhà nước”.  
Bà Mù Thị Mỷ
Bà Mù Thị Mỷ

Trốn nhà đi học…

Mùa Thị Mỷ sinh năm 1948 tại thôn Cả Dể Sang, xã Lao Xả Phình, huyện Tủa Chùa, tỉnh Lai Châu. Khi còn nhỏ, bà là người ham học tới mức trốn nhà đến ký túc xá xã Mường Lay, cách xa nhà đến hơn 100km, để được học. Bà đi bộ đến Mù Căng Chải, thấy cái ô tô chết máy, sợ nó đâm vào mình, bà bỏ đoàn ù té chạy vào rừng. Đến bây giờ, khi có ai đó nhắc lại chuyện này, bà cũng không nhịn được cười. Đi hai ngày mới đến trường, hai chân bà sưng hết, mấy ngày sau mới đi lại được.

“Đang học tập tấn tới thì mẹ bắt Mỷ phải nghỉ học về ngay nhà. Lý do thật đơn giản: Cả bản có ai học chữ đâu mà vẫn lấy chồng sinh con đầy đàn”- bà buồn rầu nhớ lại. Ngày ấy cô bé Mỷ buồn vô hạn, chỉ biết khóc, rồi mang bộ quần áo vẫn mặc ở trường ra giặt, phơi ở mỏm đá, ngồi chờ cho khô mang về cất cẩn thận như một báu vật.

Bà bảo, hồi ấy một năm ở nhà lúc lấy nước, lúc kiếm củi ”làm ngàn việc tốt” vẫn không nguôi nỗi nhớ trường, nhớ bạn, nhớ thày, cô.Đang lúc buồn thế thì tin vui đến, thầy Nguyên đến chiêu sinh năm học mới. Thế là cô bé Mỷ moi vội mấy bộ quần áo cất từ năm trước ra mặc, vơ vội mấy bộ quần áo cũ nhét vào ba lô, chạy ra cửa để kịp đi cùng chúng bạn. Vào lớp 4, cô bé Mỷ không những đuổi kịp mà còn vượt cả những bạn học giỏi nhất lớp. Điểm kiểm tra và thi của Mỷ toàn là điểm 5 (điểm cao nhất thang điểm lúc bấy giờ). Đó là năm 1962.

Bây giờ nhớ lại thời học trò của mình bà bảo, lúc đó cả lớp chỉ có 9 người mà toàn phải ăn ngô trừ bữa. Ký túc xá thì cơ man là rệp, ghẻ lở lây lan cả lớp, ở đâu cũng nghe sột soạt đến mức nhà trường phải cho quần áo học sinh vào chảo luộc. Ngày ấy cô bé Mỷ cũng  mình đầy ”hoa gấm”. Để nhanh khỏi, cầm được bút, cô bé Mỹ nghiến răng chịu đau xát xà phòng vào tay rồi ngâm xuống suối cho cá rỉa…

Không phụ công học tập và ý chí vươn lên, bé Mỷ đạt thành tích học tập cao, lại là học sinh giỏi toàn diện nên vinh dự được là 1 trong 4 học sinh giỏi toàn quốc được sang tham gia Trại hè thiếu nhi quốc tế ở bãi biển Bantic.

Những năm Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc,cả lớp phải vượt rừng tre đi bộ mấy cây số đến hang đá Pa Ham để học. Điều kiện học khó khăn là thế mà cô học sinh Mỷ vẫn đạt giải Ba học sinh giỏi văn toàn miền Bắc. Đang hăm hở chờ đón niềm vui được vào cấp ba, vì ông Trần Bách lúc ấy là Trưởng Ty Giáo dục Lai Châu phấn khởi thông báo: “Em Mỷ ơi cố gắng nhé, có bằng khen họ gửi về đây rồi, em sẽ là học sinh cấp ba đầu tiên của tỉnh đấy”.

Nhưng điều không may lại như cơn lũ rừng vô tình cuốn trôi đi mơ ước của cô bé Mỷ… Mẹ Mỷ lâm bệnh nặng, nhà nghèo, cơm chẳng có ăn, phải ăn quả đào trừ bữa. Biết tin Mỷ bổ về nhà gặp mẹ. Mẹ nói trong nước mắt: “Mẹ sắp chết rồi, cái Ta, cái Vừ lấy chồng cả rồi, mày học nữa ai lấy. Mày có giỏi cũng làm dâu nhà người ta thôi, có mang lại gì cho cái họ này đâu. Con mà đi nữa mẹ sẽ ăn lá ngón chết cho con thấy.”

Cô học trò Mùa Thị Mỷ đành phải ở nhà lấy chồng, chăm sóc mẹ. Chẳng bao lâu sau ngày cưới Mỷ lại phải chịu tang mẹ. Bà còn nhớ như in: “Mẹ khóc đến lúc chết vì không có con trai”.

Sinh con được ba tháng thì huyện  bà sục sôi phong trào “Ba sẵn sang”. Chồng bà lúc đó cũng có mặt trong số 400 thanh niên tiên phong của huyện lên đường. Địu con trên lưng, hàng ngày bà đi khắp các bản sâu, bản xa vận động mọi người làm tốt công tác văn hóa, thực hiện nếp sống mới. Có bận bà địu con, cùng hành lý nặng 20 kg đi ròng rã tới 10 ngày. Có ngày bà trèo đèo, lội suối tới 60-70 cây số, có khi cả ngày chẳng gặp một người nào trên đường. Lần nào đi như thế bà cũng mang theo thứ gì để đọc, lúc quyển sách, khi tờ báo, tờ tạp chí…

Năm 1979, Mùa Thị Mỷ rất vui vì được cử đi học lớp phóng viên ở Trường Công nhân kỹ thuật truyền thanh Hà Nam. Sau đó bà về làm phát thanh viên tiếng Mông, tiếng phổ thông và làm kiểm thính tại Đài phát thanh tỉnh Lai Châu. Năm 1988, bà được điều sang làm Phó Chủ tịch liên đoàn Lao động huyện Tủa Chùa, rồi Trưởng ban Thanh tra công nhân…

Ở bất cứ cương vị nào bà cũng hoàn thành xuất sắc công việc được giao, còn cáng đáng công việc gia đình để chồng đi học. Chồng bà, từ một người không biết chữ, đã trở thành cán bộ giỏi. Trong điều kiện khó khăn như thế, bà vẫn nuôi dạy 5 người con trưởng thành, có trình độ đại học.

10 năm đi bộ 1.000 ngày đến với dân bản10 năm đi bộ 1.000 ngày đến với dân bản

1000 ngày đi bộ đến với dân

Năm  1997  Mùa ThỊ Mỷ tự viết đơn ứng cử đại biểu Quốc hội và đựơc sự tín nhiệm của người dân, bà trúng cử và thành đại biểu  Quốc hội khóa 10. Là đại biểu Quốc hội, được “lên xe xuống ngựa” vậy mà bà vẫn đeo lù cở (gùi) trên lưng, đi bộ bảy ngày xuống các bản xa. Có lần bà lên đường trong lúc đang bị cảm cúm, phải uống rượu mật gấu lấy sức, đến ngày cuối xuống dốc bà phải quay lưng lại mà đi vì chân tê dại…

Tỉnh Lai Châu có 10 huyện, dù khó khăn cach trở bà đều lặn lội đến từng nơi.  Người dân nhiều bản (như Tin Tốc, dân tộc Khơ Mú; bản Sôm, bản Hồi Chanh, dân tộc Mông) khi nhìn thấy bà bảo: “Từ khi giải phóng (1954) đến nay mới thấy đại biểu Quốc hội tới thăm như”.

Huyện Mường Tè là huyện heo hút nhất tỉnh Lai Châu, diện tích lớn gấp ba lần tỉnh Thái Bình, thế mà các bản xa, đồn biên phòng nào cũng in dấu chân bà.

Ngày ấy, mỗi lần được tin đại biểu Mỷ lặn lội tới thăm, nhân dân xã Đoàn Kết (huyện Mường Tè) lại vây quanh: “Đại biểu ơi chúng tôi ăn hết muối rồi. Chặt cây mây 7 ngày cộng với 3 ngày đi bằng ngựa thồ bán hết mới mua được 3 kg muối”. Mùa Thị Mỷ nói: “Bây giờ chuyển tiền cho muối sang làm đường cho bà con thuận tiện đi lại không phải phá rừng, đi xa nữa mà vẫn mua được muối, đồng bào có đồng ý không?”. Mọi người đồng thanh: “Được thế thì tốt cho dân bản quá!”.

Trên hành trình của bà thời ấy có những bản đa số già, trẻ đều nghiện thuốc phiện, có những bản vẫn giữ tục “nối dây” (vợ chết phải lấy chị vợ hoặc em vợ)…người dân tộc ít người vẫn phải ăn củ nâu đắng chát thay cơm…

Một lần báo cáo với Chủ tịch Quốc hội thời bấy giờ là ông Nông Đức Mạnh về tình hình vùng cao, bà tự nhiên hỏi Chủ tịch: “Thế anh đã ăn củ nâu chưa?” Ông Nông Đức Mạnh rưng rưng: “Tôi đã ăn rồi cô ạ. Những gì bà con mình ăn, tôi đã tự mình nếm trải hết rồi…”

Có đi đến tận nơi “ba cùng” với đồng bào các dân tộc ít người nơi tận cùng rừng núi heo hút mới biết họ cần gì, nghĩ gì, nói gì. Mới biết nguyên nhân của du canh du cư “nhạt đất rừng lại đi” của đồng bào dân tộc ít người.

Mỗi năm làm đại biểu Quốc hội Mùa Thị Mỷ đã dành chừng 100 ngày  đi tiếp xúc cử tri, với đồng bào vùng cao, vùng sâu, vùng xa.

Như vậy, trong 10 năm làm đại biểu, là 1.000 ngày đại biểu Mỷ đến với cử tri. Có thể nói, trong số các đại biểu Quốc hội từ trước đến nay, Mùa Thị Mỷ là đại biểu đi bộ nhiều nhất. Nếu có ai đó hỏi, sức đâu mà đi nhiều thế, Mùa Thị Mỷ bảo: “Mình cứ đi thôi. Đại biểu đi để biết dân nói gì, dân cần gì, và làm thế nào để họ được hưởng đầy đủ chính sách của Đảng, Nhà nước”.

Nhiều người  gọi Mùa Thị Mỷ là người  có bước chân huyền thoại vì đôi chân ấy đã in dấu hầu khắp các bản làng của 156 xã thuộc tỉnh Lai Châu cũ.  Gần gũi với dân, được dân tin cậy, Mùa Thị Mỷ mới có được những bài báo “Kỹ năng tiếp xúc cử tri”, “Quốc hội Việt Nam với các dân tộc thiểu số”… được đánh giá cao ở trong và ngoài nước.

“Thịt thối thì lấy muối ướp, muối thối thì lấy gì ướp”

“Điều tôi trăn trở là trên diễn đàn Quốc hội, có những đại biểu người dân tộc thiểu số, nhất là đại biểu nữ, trong các kỳ họp, rất ít phát biểu, mà khi phát biểu thì lại rất sơ sài. Bài phát biểu chưa sâu sắc, vì chưa tìm được tiếng nói của dân, nên khi phát biểu dân chưa phục”- bà nói.

Bà còn  bảo, dân bảo đại biểu này nói như thế này chưa chuẩn. Rồi có những đại biểu nữ người dân tộc thiểu số, 5 năm chưa phát biểu 1 lần.

Các đại biểu phải tôn trọng dân, tôn trọng lá phiếu cử tri đã bầu cho mình. Đến với cử phi phải bằng cái tâm, phải gần gũi với dân, mới hiểu tâm tư, nguyện vọng của dân.

Bà kể, lần bà được cử tri nhắc đến nhiều nhất là tại  kỳ Quốc hội khóa X, lúc bà dẫn câu ngạn ngữ của dân tộc mình khi nói đến sai phạm của vụ án Tăng Minh Phụng – Epco. Vụ án có sự “nhúng chàm” của nhiều quan chức trong bộ máy Nhà nước, ngân hàng. Bà phát biểu: “Người H’Mông có câu “thịt thối thì lấy muối ướp, muối thối thì lấy gì ướp”.

Đồng bào không hiểu biết phạm luật, hoặc cố tình vi phạm thì bị xử lý đã đành. Các đồng chí này là những người làm trong cơ quan nhà nước, là những người có hiểu biết pháp luật, có người trong cơ quan bảo vệ pháp luật mà vi phạm pháp luật thì biết xử như thế nào đây? Lời phát biểu khiến cả hội trường lặng đi…

Chắc hẳn, trong 10 năm làm đại biểu Quốc hội bà đã chuyển rất nhiều kiến nghị của bà con dân tộc ít người đến các cấp có thẩm quyền. Bà cũng là một trong những đại biểu có công lớn trong việc “đấu tranh” để Quốc hội thông qua luật, trong đó  quy định tuần làm việc 5 ngày.

Những khi ai đó nhắc lai chuyện phải vượt bao núi cao, rừng sâu đến với dân trong thời gian làm đại biểu Quốc hội của mình, bà Mỷ nhỏ nhẹ: “làm đại biểu Quốc hội vùng cao thì phải vậy thôi”.