Trong bài viết đăng trên IndustryWeek, Stefan Weisenberger - Giám đốc SAP, công ty chuyên cung cấp giải pháp phần mềm - cho rằng dệt - may - một trong những ngành thương mại lâu đời nhất - đang đứng trước cơ hội trở thành một ngành dẫn đầu trong Industry 4.0.
Ngày nay, hành vi của khách hàng cũng như mong muốn của họ về sản phẩm dệt - may đã có nhiều thay đổi. Họ mong chờ những sản phẩm chất lượng cao, đồng thời đánh giá cao việc sản phẩm được cá thể hóa, chuyển hàng nhanh, tư vấn tốt... Những vấn đề này có thể được đáp ứng nếu chuyển đổi quy trình sản xuất sang dạng kỹ thuật số.
Có chiến lược chuyển đổi công nghệ số
Với sự phát triển hệ thống phân tích dự đoán, IoT, trí tuệ nhân tạo và ERP (enterprise resource planning - hệ thống hoạch định tài nguyên doanh nghiệp), mọi thành tố trong công nghiệp dệt - may đều có cơ hội đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đi cùng nó là những quy trình dệt hoàn toàn tự động, từ thiết kế tới nhuộm màu, dệt sợi, sáng tạo ra những loại sợi mới... và cuối cùng là khâu vận chuyển.
Lợi ích của việc ứng dụng kỹ thuật số trong các khâu sản xuất là giảm chi phí xử lý công việc, có khả năng đưa ra dự đoán xu hướng... Tuy nhiên, muốn được hưởng những lợi ích này, cần có một chiến lược cụ thể.
Ông Weisenberger cho rằng: “Doanh nghiệp dệt - may cần đưa ra nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ phận để thấy được mục tiêu cũng như mức độ chuyển đổi sang kỹ thuật số của cả doanh nghiệp, như thay đổi các quy trình thiết kế trang trí, hoàn thiện hệ thống pháp lý, phân tích giá cả/lợi nhuận, thiết lập và duy trì đối tác trong chuỗi cung ứng”.
Chẳng hạn, để đáp ứng nhu cầu khách hàng về loại sợi tốt nhất, Công ty dệt - may Getzner phải giữ cho máy dệt chạy 350 ngày/năm. Do đó, họ cần một phần mềm điều hành sản xuất chuyên nghiệp có tên là SẮP®Manufacturing Integration and Intelligence (phần mềm tích hợp sản xuất và thông tin - SẮP MÍI).
Phần mềm này giúp đồng bộ hóa các hoạt động sản xuất với các quy trình nghiệp vụ văn phòng và chuẩn hóa dữ liệu. Nó hoạt động như một trung tâm dữ liệu giữa các phần mềm hoạch định doanh nghiệp và các ứng dụng điều hành như hệ thống điều khiển sản xuất. Ngoài ra, nó cung cấp các phân tích và công cụ làm việc để xác định vấn đề trong cả chuỗi sản xuất, đồng thời nâng cao hiệu suất hoạt động của chuỗi.
Coi dữ liệu như một loại tài sản
Ngoài việc có chiến lược chuyển đổi sang kỹ thuật số rõ ràng, doanh nghiệp cần thay đổi cả tư duy về tài sản.
Những tiến bộ trong công nghệ kỹ thuật số của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã khiến dữ liệu trở thành một loại tài sản vô cùng giá trị, tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thương trường. Những vấn đề của ngành dệt - may như tìm nguồn cung ứng không hiệu quả, tầm nhìn trong chuỗi cung ứng hạn chế, thiếu khả năng quản lý ổn định và kết nối với nhà thầu phụ, cũng như không kết nối được với hệ thống tài chính... có nguyên nhân từ việc sử dụng dữ liệu không tốt.
Chẳng hạn, các công ty dệt - may cần biết tận dụng dữ liệu có được từ hàng nghìn giao dịch cá nhân, dùng công nghệ kỹ thuật số để xử lý dữ liệu này, để từ đó hoàn thành những đơn đặt hàng nhanh thông qua các giải pháp cắt may hiện đại. Bằng cách này, các công ty có thể tiếp cận tập khách hàng cá nhân đa dạng và vô cùng lớn.
Ông Stefan Weisenberger cho rằng: “Trong vài năm tới, chúng ta sẽ được chứng kiến nhiều hơn nữa việc đầu tư vào các nền tảng quản lý cũng như công cụ quản lý dữ liệu trong ngành công nghiệp dệt - may. Những hệ thống chuẩn sẽ giúp doanh nghiệp phán đoán được nhu cầu của người tiêu dùng với độ chính xác cao, giúp tạo thêm nhiều giá trị gia tăng hoặc cá thể hóa sản phẩm, từ đó một mặt thúc đẩy mối quan hệ giữa doanh nghiệp với khách hàng, mặt khác nâng cao sự trung thành của khách hàng với doanh nghiệp”.
Những sự thay đổi có tính quyết định như trên đòi hỏi người đứng đầu doanh nghiệp dệt - may cũng phải thay đổi lối suy nghĩ của mình, từ bỏ thái độ kiểu “không thay đổi cái gì đang làm” hoặc lẩn tránh sự thay đổi. “Chính họ là những người phải luôn nêu cao tinh thần đổi mới sáng tạo để toàn thể nhân viên trong công ty noi theo” - ông Stefan Weisenberger kết luận.