Dẹp “giặc” quá tải

Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an cùng các địa phương đã huy động tối đa lực lượng nhằm truy quét, xử lý dứt điểm tình trạng xe chở quá tải
Lực lượng liên ngành của TP Hà Nội xử lý xe quá khổ, quá tải
Lực lượng liên ngành của TP Hà Nội xử lý xe quá khổ, quá tải

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa ban hành kế hoạch tổ chức đợt cao điểm kiểm soát tải trọng, xử lý nghiêm xe quá tải trong 2 tháng cuối năm, từ ngày 21-11-2015 đến 20-1-2016. Đây được xem như cuộc tấn công tổng lực vào đối tượng lâu nay được ví như “giặc” phá hoại các công trình hạ tầng giao thông.

5 thứ trưởng vào cuộc

Trước đó, tại cuộc họp về công tác kiểm soát tải trọng phương tiện cơ giới đường bộ 10 tháng của năm diễn ra hôm 30-10, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ, cho biết từ ngày 1-1 đến 20-10, các trạm kiểm tra tải trọng xe trên cả nước đã kiểm tra 387.017 xe, trong đó có 37.251 xe vi phạm, chiếm tỉ lệ 9,6%; hạ tải 66.500 tấn hàng (đối với 12.661 xe), tước 12.247 giấy phép lái xe, xử phạt nộp Kho bạc nhà nước 200 tỉ đồng.

Cũng tại cuộc họp này, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khẳng định nếu coi xe quá tải là “giặc” thì phải quyết tâm “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, tất cả mọi người, mọi tổ chức đều phải thực sự vào cuộc. “Cuộc chiến này còn gian nan nhưng phải quyết tâm làm đến cùng, không thể để dân nghi ngờ” - Bộ trưởng Thăng yêu cầu.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Huyện cho biết hiện nay, lượng xe quá tải đã giảm khoảng 85%. Với 15% số lượng xe quá tải hiện chưa xử lý được là các đối tượng rất ngoan cố, lén lút hoạt động vào ban đêm. Việc chưa xử lý dứt điểm được tình trạng xe quá tải là do còn một số địa phương chưa thực sự quyết liệt vào cuộc, không triển khai đồng bộ các biện pháp kiểm soát tải trọng xe. Công tác phối hợp giữa lực lượng chức năng với chính quyền địa phương trong kiểm soát xe quá tải hiệu quả chưa cao. Ngoài ra, có một nguyên nhân là do chế tài xử lý đối với các doanh nghiệp (DN) vi phạm chưa đủ sức răn đe.

Cũng theo ông Huyện, trong kế hoạch này, lần đầu tiên 5 thứ trưởng Bộ GTVT gồm các ông: Nguyễn Hồng Trường, Nguyễn Ngọc Đông, Lê Đình Thọ, Nguyễn Văn Công và Nguyễn Nhật sẽ cùng vào cuộc kiểm tra, xử lý tại các công trình, dự án, việc xếp hàng hóa quá tải trọng tại các ga, DN, cảng biển, bến nội địa và cảng hàng không.

Thanh tra đột xuất lực lượng chức năng

Ngoài việc kiểm tra, truy quét xe quá tải, trong đợt cao điểm này, liên bộ Công an - GTVT cũng sẽ kiểm tra, giám sát chặt đối với lực lượng thực thi công vụ.

Lãnh đạo Thanh tra Bộ GTVT cho biết đơn vị này đã xây dựng kế hoạch phối hợp với Thanh tra Bộ Công an để kiểm tra đột xuất lực lượng thực thi công vụ tại các trạm kiểm soát tải trọng xe lưu động. Mọi trường hợp thực thi công vụ có hành vi dung túng, bao che, tiếp tay cho những tổ chức, cá nhân vi phạm về tải trọng sẽ bị xử lý nghiêm. Thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh, Phó Cục trưởng Cục CSGT - Bộ Công an, cũng khẳng định sẽ tăng cường kiểm tra giám sát đối với lực lượng chức năng thực thi công vụ. “Chúng tôi xử lý nghiêm và truy đến cùng nếu vi phạm quy trình công tác hoặc thực hiện không đúng” - ông Dánh tuyên bố.

“Bây giờ chúng ta phải làm cả rễ, gốc, thân và ngọn. Chưa xử lý được cán bộ thì chưa thể giải quyết triệt để vấn đề này” - Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh.

Giảm nhưng manh động hơn

Ông Hoàng Tiến Nam, Chánh Thanh tra Sở GTVT TP Hải Phòng, khẳng định do quyết liệt kiểm soát tải trọng phương tiện nên bước đầu, tình trạng phương tiện quá tải trên địa bàn giảm đáng kể. Các DN, chủ phương tiện và tài xế đã nâng cao nhận thức nhưng vẫn còn nhiều hình thức vi phạm như gia cố phần có thể tháo lắp trong xe, cơi nới một cách nhanh chóng để qua mặt lực lượng chức năng. “Dù không còn hoạt động ngang nhiên như trước đây nhưng DN, chủ phương tiện chở quá tải lại tỏ ra manh động. Nếu bị lực lượng chức năng phát hiện, các đối tượng sẵn sàng chửi bới, đe dọa tính mạng hoặc tuyên bố tìm đến tận nhà riêng trả thù” - ông Nam cho biết.

Trung tá Vũ Trường Linh - Đội trưởng Đội Tham mưu Phòng CSGT TP Hải Phòng - khẳng định một trong những biện pháp cứng rắn của lực lượng CSGT để kiểm soát tải trọng xe là theo dõi chặt chẽ tại các đầu bến bãi, cảng biển, DN và khi thấy dấu hiệu vi phạm thì kiểm tra hóa đơn chứng từ, hợp đồng vận chuyển... Qua đó, từ ngày 1-9 đến nay đã xử lý trên 500 trường hợp vi phạm.

Đại diện Phòng CSGT Đường bộ - Đường Sắt (PC67) Công an TP HCM cho biết sau sự việc Bộ Công an phá đường dây logo “xe vua”, lực lượng CSGT không ngừng tăng cường, chấn chỉnh tình trạng xe quá khổ, quá tải. Tính từ đầu năm đến nay, số lượng xe vi phạm là trên 10.000 trường hợp. Trong những tháng cuối năm, lượng hàng hóa tiêu thụ tăng cao dẫn đến các xe tải, xe container buộc phải chở quá tải trọng nên CSGT sẽ tiếp tục tuần tra, kiểm soát để xử lý. T.Đức - L.Phong

Theo NLĐ