Đeo khẩu trang nào để chống lại chủng virus Corona mới?

VietTimes -- Hôm nay (27/1), Trung Quốc đã xác nhận 81 trường hợp tử vong cùng gần 3.000 ca mắc viêm đường hô hấp cấp do chủng virus Corona mới (nCoV). Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhiều người tỏ ra vô cùng hoang mang, lo lắng trong việc tìm kiếm loại khẩu trang có thể chống lại sự tấn công của chủng virus mới.

Nhân viên y tế trong trang phục bảo hộ tại Bệnh viện Chữ thập đỏ Vũ Hán ở Vũ Hán. Ảnh: AGENCE FRANCE-PRESSE
Nhân viên y tế trong trang phục bảo hộ tại Bệnh viện Chữ thập đỏ Vũ Hán ở Vũ Hán. Ảnh: AGENCE FRANCE-PRESSE

Chủng nCoV đang tiếp tục lan rộng mang theo nỗi lo lắng của người dân tại Trung Quốc cùng nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Theo các chuyên gia y tế, đeo khẩu trang được xem là một biện pháp hiệu quả để phòng ngừa dịch bệnh nguy hiểm này.

Virus Corona to hay nhỏ?

Hình ảnh virus corona chủng mới dưới ống kính hiển vi (Ảnh: Đông Phương)

Hình ảnh virus corona chủng mới dưới ống kính hiển vi (Ảnh: Đông Phương)

Một nghiên cứu tại Viện Khoa Học Trung Quốc năm 2004 đăng trên tạp chí Antiviral Therapy cho thấy,  kích cỡ của virus Corona trong dịch SARS (2003) là 150nm-200nm (1 phần tỉ mét). So với virus cúm Influenza A (kích cỡ 80nm-120nm), virus Corona có kích cỡ lớn hơn. Vì vậy, những nghiên cứu khẩu trang trên virus cúm Influenza A có thể áp dụng vào virus Corona.

Đeo khẩu trang nào để chống lại sự tấn công của nCoV?

Hiện, 2 loại khẩu trang thông dụng đang được bày bán tại các cửa hàng, hiệu thuốc để phòng ngừa lây lan dịch bệnh là khẩu trang y tế (surgical mask) và khẩu trang N95.

Người dân đeo khẩu trang băng qua đường ở Hồng Kông. Ảnh: AFP
Người dân đeo khẩu trang băng qua đường ở Hồng Kông. Ảnh: AFP

Nghiên cứu tổng hợp từ Los Alamos National Laboratory, New Mexico, Hoa Kỳ (2011) về hiệu quả của khẩu trang trong ngăn ngừa cúm Influenza A cho thấy, khẩu trang N95 (khi đeo đúng) giảm được 20% khả năng lây bệnh và nhiễm bệnh virus cúm Influenza A, 10% bệnh nhân đeo mặt nạ loại này (N95) có thể giảm nguy cơ lây lan tới 20%.

Đáng chú ý, đeo khẩu trang y tế cũng giảm được sự lây lan của virus nhưng không hiệu quả bằng khẩu trang N95.

Trung Quốc đã ghi nhận gần 3.000 trường hợp mắc viêm phổi cấp do nCoV tại 30 tỉnh/thành phố. Trung Quốc đã triển khai phong tỏa 18 thành phố.

Ngoài Trung Quốc, 12 quốc gia đã ghi nhận 50 trường hợp trường hợp bệnh xâm nhập gồm: Thái Lan (7 trường hợp), Australia (04), Singapore (4), Malaysia (4), Pháp (3), Hàn Quốc (3), Nhật Bản (03), Hoa Kỳ (3), Việt Nam (2), Nepal (1), Canada (1), Pakistan (1) và 3 vùng lãnh thổ thuộc Trung Quốc bao gồm Hồng Kông (06), Ma Cao (5), Đài Loan (3).

Việt Nam đã ghi nhận 63 trường hợp có triệu chứng sốt và có tiền sử đi về từ vùng dịch, trong đó 25 trường hợp loại trừ do nhiễm các tác nhân khác và đang tiếp tục cách ly, theo dõi, điều trị 38 trường hợp.

Khẩu trang N95 là khẩu trang đeo khít mặt dành cho nhân viên y tế, các bác sĩ làm việc và tiếp xúc trong môi trường có khả năng lây nhiễm cao. Con số 95 trong N95 - khi dùng đúng cách, loại khẩu trang này có khả năng ngăn ngừa đến 95% các loại hạt có kích cỡ 0.3 micro (300 nm).

Do kích cỡ của virus Influenza A (120nm) và Corona virus (200nm) đều nhỏ hơn kích cỡ lọc của khẩu trang N95 nên hiệu quả lọc của loại khẩu trang này vẫn còn hạn chế.

Hiện, có 2 loại khẩu trang N95 – loại dành cho người dân và loại dành cho nhân viên y tế. Tại Hoa Kỳ, khẩu trang N95 được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (The Food and Drug Administration - FDA) quản lý.

Các nhà khoa học đã có nhiều nghiên cứu tìm hiểu hiệu quả của khẩu trang y tế và khẩu trang N95 trong việc ngăn ngừa các hạt kích cỡ nano (cỡ virus).

Nghiên cứu do BS. Balazy năm 2005 về khẩu trang N95 cho thấy, ở tốc độ thổi 30L/phút, khẩu trang N95 có 0.5 % - 2.5 % hạt nano vượt qua. Khi tăng tốc độ thổi lên 85L /phút, N95 có đến 0.5%-5% hạt nano xuyên qua. Với khẩu trang y tế, tỉ lệ xuyên qua là 2%-15% (có loại 20-80%) ở tốc độ thổi 30L/phút, tỉ lệ xuyên qua tăng lên 5-21% (có loại 30-85%) khi tăng tốc độ thổi lên 80L/phút.

Thông tin về khẩu trang N95 trên trang web của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (The Food and Drug Administration - FDA). Ảnh: Minh Thúy
Thông tin về khẩu trang N95 trên trang web của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (The Food and Drug Administration - FDA). Ảnh: Minh Thúy

Có thể thấy, khẩu trang N95 có khả năng ngăn ngừa hạt nano tốt hơn so với khẩu trang y tế. Tuy nhiên, cả 2 loại khẩu trang này đều không thể bảo vệ hoàn toàn trước sự xâm nhập của các hạt nhỏ nanoparticle (như kích cỡ virus).

Theo các nhà khoa học, điều quan trọng nhất của việc đeo khẩu trang là giảm nguy cơ lây nhiễm các bệnh qua đường hô hấp, đồng thời, kiểm soát và kiềm chế cơn ho ngay từ đầu. Đặc biệt, khi kết hợp việc rửa tay sạch sẽ cùng đeo khẩu trang hàng ngày có hiệu quả tối đa chống lại sự lây lan của virus.

(Theo Dr. Wynn Tran)