Về kế hoạch đầu tư đường cao tốc đến 2020, Cổng TTĐT Bộ GTVT cho biết, đến nay Bộ GTVT đã đưa vào khai thác 567km đường cao tốc; đang triển khai thi công 457km và đã xác định nguồn vốn đầu tư cho 3 dự án đường cao tốc (Vành đai 3 đoạn Mai Dịch- Nam Thăng Long, Dầu Giây-Phan Thiết, Vành đai 3 TPHCM đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch) với chiều dài là 120km.
Đối với các dự án đầu tư theo quy hoạch trước năm 2020, chưa xác định nguồn vốn, hiện nay các đoạn tuyến: Ninh Bình - Thanh Hóa, Thanh Hóa - Hà Tĩnh, Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cam Lộ - La Sơn, Bắc Giang - Lạng Sơn, Nội Bài - Bắc Ninh đã có nhà đầu tư quan tâm thực hiện đầu tư theo hình thức BOT và BT với tổng chiều dài 508km.
Như vậy, đến hết năm 2015 sẽ hoàn thành 700km đường cao tốc, đang thi công 457km, chuẩn bị khởi công triển khai 120km và đã có nhà đầu tư quan tâm 508km, tổng cộng là 1.785km đường cao tốc.
Đối với các dự án chưa có nhà đầu tư quan tâm, trong kế hoạch xây dựng được Vụ Kế hoạch Đầu tư dự kiến theo kịch bản tăng trưởng thấp, dự kiến đến năm 2020 thực hiện đầu tư các tuyến: Quảng Ngãi - Quy Nhơn (150km), Biên Hòa - Phú Mỹ - Cái Mép (47km), Nha Trang - Phan Thiết (200km), Dầu Giây - Tân Phú (74km), Hạ Long - Mông Dương (52km) thì sẽ đưa vào khai thác tổng cộng là 2.308km đường cao tốc.
Nếu theo kịch bản tăng trưởng cao, dự kiến đến năm 2020 thực hiện đầu tư 05 tuyến theo kịch bản thấp và đầu tư thêm 05 tuyến: Mông Dương - Móng Cái (148km), Phú Mỹ - Vũng Tàu (39km), Tân Phú - Liên Khương (125km), Vành đai 3 Hà Nội (13km) và Vành đai 3 - TPHCM (24km) thì sẽ hoàn thành 2689km đường cao tốc.
Tổng nhu cầu nguồn vốn (không tính các dự án hoàn thành năm 2015) để thực hiện đầu tư đường cao tốc theo phương án tăng trưởng cao là 394.583 tỷ đồng, trong đó vốn do Nhà đầu tư huy động là 213.321 tỷ đồng, phần còn lại do Nhà nước tham gia đầu tư.
Với nguồn vốn đầu tư lớn, Vụ Kế hoạch Đầu tư, Bộ GTVT kiến nghị xây dựng Đề án đầu tư hệ thống đường cao tốc Việt Nam đến năm 2020, tương tự như Quốc lộ 1. Trong đó nghiên cứu các phương án để giảm suất đầu tư và phân kỳ đầu tư hợp lý; phần vốn góp của Nhà nước trong các dự án, nhà đầu tư các dự án đầu tư theo hình thức BOT, các nguồn vốn tín dụng…
Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh, việc xã hội hóa đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nói chung trong đó có hệ thống đường cao tốc là yêu cầu bắt buộc, vì không thể trông chờ vào vốn ngân sách, trái phiếu Chính phủ để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
Để làm được điều này, Bộ trưởng yêu cầu phải thực hiện xã hội hóa tối đa từ các nguồn lực, hình thức đầu tư khác nhau, cả trong và ngoài nước và là căn cứ để thực hiện Đề án đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 phải hoàn thành 2.500km đường cao tốc mà theo kịch bản cao sẽ là 2.689km.
Bộ trưởng Đinh La Thăng đề nghị hoàn thiện lại và triển khai Nghị định về quản lý khai thác đường cao tốc, Quy định về đầu tư phát triển hệ thống đường cao tốc; thống nhất về mặt quy chế quản lý theo hướng tiếp cận quản lý tiên tiến nhất của quốc tế về đường cao tốc; xây dựng được thể chế chính sách về kêu gọi xã hội hóa đầu tư đường cao tốc. Đầu tư đường cao tốc với nguyên tắc không làm ảnh hưởng hoặc ảnh hưởng rất ít đến nợ công; phải thực hiện đầu tư thiết kế có hiệu quả; ứng dung khoa học công nghệ mới nhất về vật liệu, công nghệ thi công, máy móc.
Về vốn, ưu tiên đầu tư trong nước để phát huy nội lực, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển; khẩn trương chuyển nhượng các tuyến đường cao tốc đang khai thác hiện có kể cả các tuyến đường đang được Nhà đầu tư đầu tư. Bộ trưởng đồng ý trong Đề án cho chỉ định Nhà đầu tư được quyền chỉ định đơn vị thi công, ban hành chặt chẽ đơn giá dự toán trên cơ sở.
Theo Chinhphu