Đề nghị chỉ kỷ luật kéo dài nâng lương 4 sếp đường sắt, nhưng sa thải 2 công nhân

VietTimes -- Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể, trong phạm vị cán bộ do mình quản lý, Tổng công ty ĐSVN đã xử lý nghiêm các cá nhân vi phạm. Khá nhiều sếp đường sắt bị hình thức kỷ luật không nâng lương, khiển trách…còn công nhân trực tiếp thì bị sa thải.
1.	Mức kỷ luật khiển trách chủ tịch HĐQT và cảnh cáo giám đốc Công ty cổ phần Đường sắt Thanh Hóa vụ tai nạn đường ngang như thế không phản ánh đúng mức độ nghiêm trọng của vấn đề.
1. Mức kỷ luật khiển trách chủ tịch HĐQT và cảnh cáo giám đốc Công ty cổ phần Đường sắt Thanh Hóa vụ tai nạn đường ngang như thế không phản ánh đúng mức độ nghiêm trọng của vấn đề.

Trong các ngày 24 và 26 tháng 5 năm 2018 đã xảy ra 3 vụ tai nạn giao thông đường sắt liên tiếp do lỗi chủ quan của người lao động thuộc các đơn vị trong Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Trong đó, có 2 vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng (vụ ngày 24/5/2018 tại chắn đường ngang có gác km 234+050 khu gian Trường Lâm - Khoa Trường, vụ ngày 26/5/2018 tại Ga Núi Thành) và 01 vụ trật bánh toa xe tại Ga Yên Xuân ngày 26/5/2018.

Căn cứ Quy định xử lý trách nhiệm người quản lý Tổng công ty, người đứng đầu đơn vị trực thuộc và người đại diện phần vốn góp của Tổng công ty trong công tác đảm bảo an toàn chạy tàu ban hành kèm theo Quyết định số 1779/QĐ-ĐS ngày 21/12/2017 của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Ban Tổ chức Cán bộ - Lao động báo cáo Hội đồng xử lý kỷ luật và đề xuất hình thức xử lý kỷ luật các tập thể, cá nhân của Tổng công ty liên quan đến các vụ tai nạn giao thông đường sắt nói trên. 

Kỷ luật hàng loạt cán bộ

Đối với Công ty cổ phần Đường sắt Thanh Hóa, đơn vị quản lý chắn đường ngang có gác Km 234+053 để xảy ra tai nạn chết người, kỷ luật cảnh cáo Giám đốc Hoàng Gia Khánh, khiển trách Chủ tịch HĐQT Công ty Lê Minh Tuấn, khiển trách Phó giám đốc Nguyễn văn Minh, cách chức Cung trưởng cung chắn Hoàng Mai, đội trưởng đội quản lý đường sắt số 5, khiển trách trưởng, phó phòng kỹ thuật an toàn; phê bình nghiêm khắc trưởng phòng tổ chức hành chính công ty.

Vụ tai nạn đâm tàu tàu ga Núi Thành, Chi nhánh KTĐS Nghĩa Bình phải chịu trách nhiệm 55% chi phí thiệt hại vụ tai nạn, Chi nhánh XNĐM Đà Nẵng chịu trách nhiệm 45%.

Ngoài ra, kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương đối với ông Cao Minh Hỷ - Giám đốc Chi nhánh KTĐS Nghĩa Bình, ông Nguyễn Thanh Sang – Phó Giám đốc Chi nhánh KTĐS Nghĩa Bình; ông Phạm Minh Tâm – Trực ban chạy tàu, ông Huỳnh Bá Hạt – Giám sát an toàn, ông Hà Văn Lưu – Trưởng phòng KHKD-KTAT, ông Nguyễn Tấn Dũng – Phó phòng KHKD-KTAT; ông Bùi Ngọc Lâm - gác ghi.

Nặng nhất là sa thải đối với ông Nguyễn Văn Hải – Trưởng dồn và Cách chức đối với ông Dương Văn Minh – Trưởng ga Núi Thành.

Kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương đối với ông Trương Văn An - Giám đốc Chi nhánh XNĐM Đà Nẵng, kỷ luật Kéo dài thời hạn nâng lương đối với ông Lê Xuân Linh – Phó Giám đốc Chi nhánh XNĐM Đà Nẵng.

Khiển trách phụ lái, quản đốc phân xưởng vận dụng, trưởng phòng an toàn, sa thải lái máy Dương Trần Chí Hiếu.

Vụ tàu hàng 2386 vào đường số 3 ga Yên Xuân có nguyên nhân do quá trình thực hiện sửa chữa hàn đắp gờ bánh xe số 2 (trục số 1) của toa xe 431746 không đảm bảo chất lượng dẫn đến trong quá trình vận dụng bị nứt, vỡ, bong và uốn cong vào phía bên trong... gây trật bánh toa xe.

Với vụ việc này, hình thức kỷ luật đề xuất là phê bình Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc công ty CP vận tải ĐS Hà Nội, khiển trách đối với ông Nguyễn Văn Tính - Giám đốc Chi nhánh Toa xe Vinh, phê bình nghiêm khắc Phó giám đốc Trần Quốc Toản và Đỗ Văn Quang, kéo dài nâng lương với 2 công nhân trực tiếp liên quan.

Sau những vụ tai nạn liên tiếp, Tổng công ty phê bình nghiêm khắc đối với tập thể Ban An ninh - An toàn GTĐS, kỷ luật Khiển trách đối với ông Phạm Nguyễn Chiến – Trưởng Ban An ninh - An toàn GTĐS.

Các ông Phạm Văn Trường – Trưởng Ban Đầu máy, toa xe và ông Lê Ngọc Phúc – Chuyên viên Ban Kế hoạch Kinh doanh Tổng công ty phải nghiêm khắc rút kinh nghiệm vì tham mưu và tổ chức triển khai chậm dự án lắp đặt camera giám sát trên đầu máy không đúng tiến độ theo yêu cầu và chỉ đạo của Tổng giám đốc.

Ông Cao Minh Hỷ - Giám đốc Chi nhánh Nghĩa Bình có bản kiểm điểm cá nhân tự nhận hình thức kỷ luật khiển trách nhưng hội đồng thấy chỉ cần kéo dài thời gian nâng lương.
Ông Cao Minh Hỷ - Giám đốc Chi nhánh Nghĩa Bình có bản kiểm điểm cá nhân tự nhận hình thức kỷ luật khiển trách nhưng hội đồng thấy chỉ cần kéo dài thời gian nâng lương. 

Những câu hỏi

Với vụ tai nạn đâm tàu tại ga Núi Thành, dù ông Cao Minh Hỷ - Giám đốc Chi nhánh Nghĩa Bình có bản kiểm điểm cá nhân tự nhận hình thức kỷ luật khiển trách (đang được coi là quá nhẹ), nhưng hội đồng kỷ luật Tổng công ty thấy chỉ cần... kỷ luật kéo dài thời gian nâng lương.

Quá lạ, một mức kỷ luật được đánh giá là…chưa từng có tiền lệ, không thể là mức răn đe chung cho những người làm công tác quản lý.

Ông Phạm Minh Tâm – Trực ban chạy tàu là người chỉ huy cao nhất của ban chạy tàu chỉ bị...kéo dài thời gian nâng lương - trong khi trưởng dồn Nguyễn Văn Hải bị sa thải - là không tương xứng.

Vụ tai nạn tại đường ngang Thanh Hóa làm chết 2 lái tàu, 3 nhân viên trên tàu, 1 lái xe ô tô tải và 5 hành khách bị thương; 01 đầu máy và 06 toa xe bị đổ, 01 toa xe bị trật bánh.. có mức kỷ luật khiển trách chủ tịch HĐQT và cảnh cáo giám đốc Công ty CP Đường sắt Thanh Hóa là không phản ánh đúng mức độ nghiêm trọng của vấn đề.

Chắc chắn, trước những đề xuất của Hội đồng kỷ luật như này, Tổng giám đốc Tổng công ty ĐSVN Vũ Tá Tùng trước khi nghỉ hưu sẽ phải đắn đo, suy nghĩ rất nhiều.

Bởi hơn ai hết, với tư cách là người chịu trách nhiệm điều hành, ông biết kỷ luật nghiêm minh mới làm công tác an toàn tốt lên. Và trên nữa Bộ GTVT sẽ quan tâm đến các hình thức kỷ luật đội ngũ cán bộ quản lý đường sắt có nghiêm minh không?