Ngoài đã nóng…
Sau hàng loạt tai nạn đường sắt trong thời gian gầy đây, các đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ của mình đã đồng loạt ra quân chấn chính, kiểm tra, xử lý các sai phạm. Đích thân Cục trưởng Cục ĐSVN Vũ Quang Khôi đã dần đầu đoàn kiểm tra đột xuất đối với nhân viên đường sắt và phát hiện có nhân viên gác ghi đã bỏ vị trí, sử dụng rượu bia khi lên ban và vi phạm các quy định khác về kỷ luật lao động; thậm chí một số nhân viên gác đường ngang, nhân viên tổ dồn ngủ trong ca trực... Các Phó Cục trưởng Nguyễn Huy Hiền, Khương Thế Duy đã cùng các đội thanh tra đường sắt kiểm tra bất thường các đơn vị đường sắt dọc tuyến.
Lực lượng CSGT Thanh Hóa vào cuộc ghi hình, chấn chỉnh người tham gia giao thông tại đường ngang.
|
Trong khi đó CA Thanh Hóa đã tích cực chủ động triển khai kế hoạch phối hợp với Đội Thanh tra an toàn số 4 (TTAT), Cục Đường sắt Việt Nam, Công ty CP Đường sắt Thanh Hóa, Công ty CP Đường sắt Vinh, ga Thanh Hóa và công an các địa bàn có tuyến đường sắt đi ngang qua để kiểm tra, xử lý vi phạm đối với người điều khiển phương tiện đường bộ vi phạm về quy tắc giao thông tại đường ngang, cầu chung. Từ ngày 8/5-1/6, lực lượng chức năng Thanh Hóa đã tiến hành lập biên bản xử lý vi phạm hành chính đối với 153 trường hợp vi phạm quy tắc giao thông tại đường ngang, cầu chung… (trong đó, có 42 ô tô, 109 xe máy và xe máy điện). Tổng số tiền phạt hơn 150 triệu đồng, tước GPLX đối với 125 trường hợp.
Trong khi đó, bất ngờ sáng ngày 6/6, tàu NH1 (Huế- Nha Trang) do Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn quản lý vừa rời ga Hảo Sơn (huyện Đông Hòa, Phú Yên) thì phát hiện cháy từ vị trí tiếp nối giữa 2 toa. Điều độ đã phát lệnh cắt toa ngồi mềm 31405 tại ga Hảo Sơn để điều tra nguyên nhân. Theo nhận định ban đầu nhiều khả năng nguyên nhân là do chập điện. Tuy không có thiệt hại về người, nhưng xem ra “vận đen” đang đeo bám đường sắt và nếu không có những biện pháp chấn chỉnh kịp thời, tai nạn vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
… Nhưng trong đang nguội
Ngày 5/6/2018, Chi nhánh khai thác đường sắt Nghĩa Bình (cấp trên trực tiếp của Ga Núi Thành) đã tiến hành lập Hội đồng phân tích xử lý kỷ luật lao động vụ tai nạn giao thông đường sắt giữa tàu 2469 và ASY2 ngày 26/5/2018. Đây thuộc dạng tai nạn hạn hữu, lỗi chủ quan của đội ngũ làm công tác chạy tàu ga Núi Thành và bán lái máy.
Đã có 9 quyết định kỷ luật được đưa ra, trong đó nặng nhất là sa thải trưởng dồn Nguyễn Văn Hải, cách chức trưởng ga Núi Thành Dương văn Minh. Kéo dài hạn nâng lương, chuyển công tác khác đối với giám sát an toàn Huỳnh Bá Đạt, trực ban chạy tàu Phạm Minh Tâm. 4 ông Phó giám đốc Chi nhánh phụ trách an toàn Nguyễn Thanh Sang, trưởng phòng Kế hoạch Kinh Doanh- Kỹ thuật An toàn Hà văn Lưu, Phó phòng Nguyễn Tấn Dũng và gác ghi Bùi Ngọc Lâm cũng bị kéo dài hạn nâng lương. Điều khá hài ước…Giám đốc chi nhánh Cao Đăng Hỷ đã ký quyết định…khiển trách chính mình. Được biết, Chi nhánh đầu máy Đà Nẵng cũng đã có quyết định sa thải lái tàu, khiển trách phụ lái tàu, đội trưởng lái tàu, quản đốc phân xưởng vận dụng, trưởng phòng an toàn.
Sau khi giải thể các Phân ban Giám sát an toàn khu vực, Tổng công ty ĐSVN “ủy quyền” cho các Chi nhánh khai thác đường sắt lập Hội đồng phân tích xử lý kỷ luật lao động. Nó đi trái với nguyên tắc độc lập khách quan trong khâu điều tra, phân tích và xử lý các tai nạn giao thông và để xảy ra tình trạng khôi hài “xôi chấm xôi” như vừa nêu. Thực tế, nếu không điều tra, phân tích và xử lý kỷ luật một cách khách quan, đúng người, đúng tội để rút ra các bài học kinh nghiệm thì mầm mống của các tai nạn đường sắt vẫn tồn tại. Với những vụ việc như thế này cần được cán bộ Ban An ninh Quốc phòng- An toàn xuất hiện, điều tra, phân tích để hội đồng kỷ luật Tổng công ty kết luận chứ không để cấp chi nhánh chủ trì như hiện nay.
Vẫn là “chia tội”
Đối với các chi nhánh khai thác đường sắt, nhiệm vụ chính là tổ chức công tác chạy tàu, trong đó an toàn chạy tàu được coi là nhiệm vụ hàng đầu. Tuy nhiên, việc gộp các nhiệm vụ Kế hoạch- Kinh Doanh- Kỹ thuật- An toàn khiến cho lực lượng làm công tác này mỏng. Hiện các chi nhánh khai thác đường sắt chỉ bố trí 1 phó phòng đảm nhận công tác an toàn khiến cho không được đặt đúng trọng tâm. Đây cũng được coi là một trong những nguyên nhân khiến cho những sai phạm của đội ngũ nhân viên làm công tác chạy tàu không được kiểm tra, phát hiện, uốn nắn kịp thời.
Ngày 6/6 lại tiếp tục để chậm điện cháy toa tàu khách tàu NH1 (Huế- Nha Trang)
|
Trước đây, tại các cuộc giao ban tháng, quý cấp Tổng công ty, những cán bộ làm công tác giám sát mặc nhiên nằm trong thành phần tham dự. Ngoài việc báo cáo tình hình sản xuất, kinh doanh tháng, quý, năm thì bao giờ Trưởng ban giám sát an toàn cũng có báo cáo chuyên đề về công tác này. Các cá nhân, tập thể vi phạm sẽ được nêu tên nhắc nhở, thậm chí là cảnh cáo, khiển trách và thông báo toàn hệ thống. An toàn được đặt lên hàng đầu, bất cứ đơn vị nào dù kinh doanh tốt đến đâu nhưng nếu để vi phạm, tai nạn trở ngại đều không được xét thi đua. Các vụ tai nạn được các phân ban khu vực hoặc đội giám sát an toàn tổ chức tập trung các bên liên quan phân tích chi tiết.
Ông Nguyễn Hữu Tuyên, nguyên Trưởng ban Giám sát An toàn Tổng công ty ĐSVN khẳng định: “Là ngành liên hiệp lao động giữa các bộ phận đầu máy-toa xe-cầu đường- ga tầu- thông tin tín hiệu, việc xác định được chính xác nguyên nhân tai nạn để người vi phạm, các bên liên quan “tâm phục, khẩu phục” được coi là một trong những biện pháp giảm thiểu tai nạn, vi phạm. Phân tích không đơn thuần chỉ chia tội, chia chi phí bồi thường thiệt hại mà các đơn vị gây ra nên rất cần người chủ trì có trình độ, am hiểu quy trình, quy phạm đường sắt”.
Sau khi để xảy ra liên tiếp 5 vụ sự cố, tai nạn giao thông đường sắt nghiêm trọng, trong đó 3 vụ sự cố, tai nạn do lỗi chủ quan của ngành Đường sắt gây ra, hậu quả làm 2 người chết và 11 người bị thương, gây thiệt hại lớn về tài sản của nhà nước, gây bức xúc cho dư luận…Bộ trưởng GTVT đã yêu cầu HĐTV Tổng công ty Đường sắt VN tổ chức kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm và xử lý theo thẩm quyền đối với tập thể, cá nhân có liên quan trong Hội đồng thành viên, Ban điều hành, Ban nghiệp vụ và đơn vị trực thuộc Tổng công ty, theo quy định của pháp luật và của Tổng công ty về việc “Xử lý trách nhiệm người quản lý của Tổng công ty, người đứng đầu đơn vị trực thuộc và người đại diện phần vốn góp của Tổng công ty Đường sắt VN trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, an toàn chạy tàu”. Nhưng xem ra, với cách làm và mức kỷ luật…khiển trách mà ông giám đốc Chi nhánh khai thác đường sắt Nghĩa Bình tự dành cho mình, đường sắt đang đùa với…bộ trưởng.