Đây là nội dung chính của bản ghi nhớ hợp tác vừa được ký kết sáng nay (25/7), trong khuôn khổ Tọa đàm hỗ trợ Sinh viên khởi nghiệp, với sự chứng kiến của đại diện Bộ Giáo dục, Bộ KHCN, Đoàn khối các doanh nghiệp TƯ, ĐHQG HN,…
Cụ thể, theo nội dung thỏa thuận, Hội Truyền thông số Việt Nam và Trung tâm Chuyển giao tri thức và Hỗ trợ Khởi nghiệp sẽ cùng hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về hoạt động truyền thông số cho các doanh nghiệp, đẩy mạnh hoạt động truyền thông số trong các lĩnh vực liên quan của Trung tâm và Hội.
Ông Nguyễn Xuân Cường và ông Vương Quốc Thắng ký bản thỏa thuận hợp tác giữa hai đơn vị.
|
Ngoài ra, hai bên hợp tác, hỗ trợ sinh viên trong việc quá trình thu thập tư liệu học tập, kiến tập, thực tập, phối hợp tổ chức các chương trình đào tạo, hội thảo, tọa đàm, cuộc thi… liên quan đến hoạt động khởi nghiệp, khoa học công nghệ. Đồng thời, tăng cường và thúc đẩy các quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần cho các dự án khởi nghiệp, khoa học công nghệ.
Tại Tọa đàm "Hỗ trợ Sinh viên khởi nghiệp", các diễn giả, khách mời tập trung thảo luận về các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên các trường đại học. Ông Vương Quốc Thắng, GĐ Trung tâm Chuyển giao tri thức và Hỗ trợ khởi nghiệp (thuộc ĐHQG HN) trao đổi về dự kiến một số chương trình hoạt động năm 2018.
Ông Vương Quốc Thắng, GĐ Trung tâm Chuyển giao tri thức và Hỗ trợ khởi nghiệp (thuộc ĐHQG HN).
|
Trong đó, có đề xuất sáng kiến thành lập Câu lạc bộ Hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp kiến quốc, tổ chức Ngày hội sinh viên khởi nghiệp TP. Hà Nội, xây dựng Sàn gọi vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp, Chương trình ươm tạo những dự án khởi nghiệp sinh viên và kết nối các dự án khởi nghiệp với các quỹ/nhà đầu tư, xây dựng Quỹ Hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp…
“Khởi nghiệp thì khó khăn trăm bề, về vốn thì càng khó khăn. Trong khi đó, các quỹ tham gia vào đầu tư cũng như các nhà đầu tư nhỏ lẻ lại gặp khó khăn trong việc tìm kiếm và đánh giá về các doanh nghiệp khởi nghiệp. Do đó, nên nghiên cứu tạo sàn huy động vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp, trước mắt thử nghiệm tại một trường đại học”, ông Vương Quốc Thắng đề xuất.
Sự kiện thu hút nhiều khách mời tâm huyết với sự nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của sinh viên.
|
Thống nhất với ý kiến này, tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Truyền thông số Việt Nam cho rằng trong không gian khởi nghiệp như tại các trường học, bên cạnh sinh viên luôn có giáo viên, các cựu sinh viên,… Nếu xâu chuỗi được những yếu tố này, có thể tạo ra hoạt động tương hỗ rất tốt trong nhà trường.
Ông Nguyễn Xuân Cường cũng cho rằng, muốn đạt đến thành công, cần tập trung vào các đối tượng thụ hưởng. “Ngay như các bạn sinh viên, nếu tham gia vào các hoạt động khởi nghiệp thì các bạn có được ghi nhận không, hay là khi các bạn tham gia các hoạt động này thì lại bị tính là các bạn bỏ học? (…) Với giáo viên, ngoại trừ thời gian lên lớp, giáo viên tham gia kèm cặp thêm cho sinh viên thì có được tính vào kết quả của giáo viên hay không?”, ông Nguyễn Xuân Cường đặt vấn đề.
Đại diện Hội Truyền thông số Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Cường cho rằng, ưu tiên hàng đầu hiện nay là Ngành Công nghiệp 4.0, nền kinh tế số và trong đó có các hoạt động khởi nghiệp.
|
Ngoài ra, Phó chủ tịch Thường trực của Hội Truyền thông số Việt Nam lưu ý cần xác định được “điểm rơi” trong hoạt động của sinh viên, mà trong đó có khởi nghiệp. Ông Nguyễn Xuân Cường trao đổi, phải làm sao để sinh viên ra trường có hành trang đủ để gia nhập thị trường lao động, các sinh viên có trong tay một cái đề án có tính khả thi cao, được người hướng dẫn tương tác, trao đổi thường xuyên, và chính sinh viên ấy cũng đã sẵn sàng để khởi nghiệp. Theo đó, nếu xác định sai điểm rơi thì tỷ lệ thành công sẽ rất rất thấp.
TS. Phạm Dũng Nam – Giám đốc văn phòng Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia 844 (Bộ KHCN) nhận định, hiện có khoảng 60 không gian làm việc chung, không gian sáng tạo cho giới khởi nghiệp nói chung và các sinh viên tham gia khởi nghiệp nói riêng. Đặc biệt, gần đây, có nhiều không gian sáng tạo cho phép cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp có thể sử dụng trang thiết bị như máy in 3D, máy CNC để làm sản phẩm mẫu.
Ông Phạm Dũng Nam cho rằng các trường đại học đóng vai trò nòng cốt trong trong hệ sinh thái khởi nghiệp hiện nay.
|
TS Nam cho rằng các trường nên học hỏi mô hình này: “Ngay trong trong trường đại học, việc tạo ra các không gian sáng tạo, không gian làm việc chung là yếu tố cần thực hiện đầy tiên trong chuỗi những việc cần làm để thu hút học sinh, sinh viên tham gia”.
Ông Nam cũng đề xuất, thời gian tới cần nghiên cứu cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thông qua việc khuyến khích khu vực công lập đặt và mua hàng của các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; đồng thời, nghiên cứu xây dựng chính sách thuận lợi về thị thực cho cá nhân người nước ngoài tới Việt Nam để xây dựng doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đầu tư và tìm kiếm cơ hội đầu tư.