Đâu là mô hình kinh doanh mới cho báo chí thời hậu đại dịch?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Cùng với cuộc suy thoái kinh tế trong đại dịch COVD-19, doanh thu của các nhà xuất bản tin tức đã sụt giảm đáng kể nhưng nó cũng mở ra những con đường mới cho báo chí.
Ảnh: What’s New In Publishing
Ảnh: What’s New In Publishing

2020 là một năm đầy biến động, đặt ra một vấn đề rất thực tế về các mô hình kinh doanh của báo chí. Mặc dù mức độ truy cập và tương tác với các nội dung báo chí đã tăng kỷ lục khi mọi người tìm đến các nguồn tin tức đáng tin cậy về đại dịch nhưng doanh thu quảng cáo lại giảm mạnh. Mô hình kinh doanh tin tức dựa vào quảng cáo vốn đã bộc lộ nhiều hạn chế nay lại càng trở nên khủng hoảng hơn dưới tác động của đại dịch COVID-19.

Trong một cuộc thảo luận lớn về Kinh doanh Tin tức tại Đại hội Truyền thông Thế giới FIPP 2020, ông Rasmus Kleis Nielsen - Giám đốc Viện nghiên cứu Báo chí của Reuters tại Đại học Oxford - đã đề cập tới sự khó khăn mà các nhà xuất bản tin tức đang phải đối mặt trong đại dịch và những điều họ đã làm để có thể vượt qua cơn khủng hoảng.

Một mối quan hệ tan vỡ


Đối với nhiều nhà xuất bản, đại dịch đã khiến doanh thu quảng cáo giảm mạnh và đến nay, nó vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi rõ ràng.

“Mọi thứ vốn đã khó khăn và cuộc khủng kinh tế do tác động của đại dịch đang khiến nó trở nên trầm trọng hơn nữa” - ông Nielsen nói.

Ảnh: MoneyControl
Ảnh: MoneyControl

Ông Nielsen chỉ ra rằng mặc dù trong một thời gian dài, quảng cáo đã trở thành một phần quan trọng trong cơ cấu doanh thu của các nhà xuất bản tin tức nhưng đó không phải là vì các nhà quảng cáo quan tâm đến tin tức.


“Đó không phải là lý do khiến họ chi tiền cho chúng tôi. Họ chi tiền vì họ muốn quảng bá cho sản phẩm và thương hiệu của chính họ. Và nếu các nhà quảng cáo cảm thấy các nhà xuất bản tin tức không thể cung cấp một cách hiệu quả và đáng tin cậy để đạt được mục tiêu mà họ muốn, họ sẽ chuyển tiền đi nơi khác ” - ông nêu quan điểm

“Các nhà quảng cáo không bao giờ quan tâm đến báo chí hay tin tức. Đối tượng quan tâm của họ là khán giả. Do đó, không quá ngạc nhiên khi việc chặn một số từ khóa 'hot' đã khiến các nhà xuất bản tin tức uy tín mất đi hàng nghìn USD doanh thu từ quảng cáo, trong bối cảnh các nhà quảng cáo cố gắng tránh các chủ đề gây tranh cãi” - ông Nielsen nói thêm.

Đâu là mô hình kinh doanh mới cho báo chí thời hậu đại dịch? ảnh 2

Ông Rasmus Kleis Nielsen - Giám đốc Viện nghiên cứu Báo chí của Reuters tại Đại học Oxford (ảnh: Reuters Institute).

Tuy nhiên, ông Nielsen cũng nhấn mạnh rằng các nhà xuất bản nên tự hào về cách mọi người tìm đến các nguồn tin tức đáng tin cậy nhiều hơn trong bối cảnh đại dịch. Đây là một minh chứng mạnh mẽ cho thấy vai trò quan trọng của báo chí trong xã hội ngày nay, ngay cả những người hoài nghi cũng tìm đến các tổ chức báo chí như một nơi để họ có thể nắm bắt chính xác được tình hình trong nước và thế giới.

Lưu lượng truy cập là thứ bạn có thể chuyển đổi thành doanh thu từ các hình thức kiếm tiền khác nhau cho dù đó là quảng cáo, doanh thu từ người đọc hoặc các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, trong giai đoạn khủng hoảng, lưu lượng truy cập sẽ không thể tạo ra được nhiều quá nhiều giá trị.

Dù sao đi nữa vấn đề quan trọng cuối cùng vẫn là kết quả doanh thu của các cơ quan báo chí cho thấy những yếu điểm của mô hình kinh doanh tin tức dựa vào quảng cáo. Theo ông Nielsen, trong tương lai, quảng cáo sẽ chỉ chiếm một phần nhỏ trong cơ cấu doanh thu của các tổ chức tin tức. Đây là một thực tế mà các nhà xuất bản tin tức đã biết từ trước nhưng nó chỉ được đẩy lên mạnh mẽ hơn sau đại dịch.

Tận dụng những tác động từ đại dịch COVID-19


Một trong những điểm sáng hiếm hoi trong bối cảnh đại dịch đối với các nhà xuất bản tin tức là việc tăng lượng người đăng ký trả tiền cho việc đọc tin tức. Các con số cho thấy ngày càng có nhiều độc giả sẵn sàng trả tiền cho các nhà xuất bản tin tức nổi tiếng như The Atlantic, Quartz, Conde Nast và Bauer trong thời gian giãn cách xã hội.

Ngay cả những nhà xuất bản có “paywall” (thu phí độc giả xem nội dung) khá cao cũng đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ. Hãng thông tấn Bloomberg và tờ Wall Street Journal là hai nhà xuất bản đã có số lượng người đăng ký tăng kỷ lục vào đầu năm 2020. Hai nhà xuất bản này cùng với đa số các tờ báo và tạp chí thu phí của độc giả đều lựa chọn miễn phí đối với các tin tức liên quan đến COVID-19.

Đã có những phản ứng trái chiều về động thái trên. Một mặt, thông tin quan trọng về sức khỏe cộng đồng được truy cập miễn phí là điều cần thiết. Mặt khác, lại có quan điểm cho rằng một thứ gì đó là thiết yếu không có nghĩa là nó phải được miễn phí.

Theo ông Nielsen, mặc dù quyết định miễn phí truy cập thông tin về COVID-19 của các nhà xuất bản tin tức hàng đầu là rất đáng ca ngợi nhưng ông tin rằng đây không phải là một chiến lược bền vững.

“Trong những tình huống như thế này, tôi hiểu mong muốn thông tin được chia sẻ rộng rãi hơn. Nhưng về cơ bản, chúng ta phải nhận ra rằng nếu chúng ta muốn báo chí trở nên quan trọng - không chỉ bây giờ mà trong tương lai sắp tới - chúng ta phải tìm ra những mô hình bền vững hơn để hỗ trợ tài chính cho công việc mà chúng ta làm” - ông Nielsen nêu quan điểm.

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng diễn ra, ông Nielsen cho rằng các nhà xuất bản nên xem xét các kế hoạch dài hạn đối với việc miễn phí tin tức. Ông lấy ví dụ tờ báo Thụy Điển Svenska DagBladet (SvD) và elDiario của Tây Ban Nha như những nhà xuất bản có chiến lược số hóa mạnh mẽ. Hai tờ báo này đã lấy đại dịch để khẳng định cho tầm quan trọng của báo chí và kêu gọi mọi người hỗ trợ tài chính cho các cơ quan báo chí.

“Các nhà xuất bản cần thận trọng cân nhắc về việc sẽ duy trì chính sách miễn phí tin tức trong bao lâu và miễn phí ở đâu” - ông Nielsen nói thêm.

Tương lai của báo chí thu phí sẽ đi về đâu?

Ảnh: Media Wired
Ảnh: Media Wired

Mặc dù đại dịch đã giúp số lượng người đăng ký trả tiền cho việc đọc tin tức tăng lên, nhưng những độc giả này sẽ tiếp tục trả phí trong bao lâu và cho bao nhiêu tổ chức tin tức vẫn còn là điều cần phải xem xét. Báo cáo Tin tức Kỹ thuật số của Reuters năm 2020 cho thấy có một sự gia tăng nhỏ của những độc giả sẵn sàng trả tiền cho các đăng ký tin tức ở Mỹ và Na Uy.


Dự đoán về các quyết định trả phí tin tức của độc giả trong tương lai là điều khá khó khăn đặc biệt trong bối cảnh đại dịch ảnh hưởng đến thu nhập của người dân. Tuy nhiên, ông Nielsen vẫn tự tin cho rằng xu hướng trả phí tin tức là có tiềm năng.

Thách thức của mô hình tin tức trả phí trong 20 năm qua là tin tức đã được cung cấp một cách miễn phí và hầu hết mọi người đã quen với việc đọc tin miễn phí. Trong khi đó, mô hình mới này mặc dù đã được thực hiện nhỏ lẻ trong nhiều năm qua nhưng cách thức thực hiện vẫn còn khá “vụng về” và bộc lộ nhiều yếu điểm, chẳng hạn như quá trình thanh toán tiêu tốn nhiều thời gian.

“Khi ngày càng có nhiều người quen với việc trả tiền cho những trải nghiệm chất lượng cao và có giá trị, nó sẽ tạo cơ hội cho tin tức trả phí. Chúng tôi đã tìm thấy sự tương đồng giữa việc trả phí cho Netflix (dịch vụ xem video trực tuyến của Mỹ) với việc trả phí cho tin tức” - ông nói.

Mặc dù vậy, đối với hình thức này, các nhà xuất bản tin tức lớn như New York Times và The Washington Post sẽ có nhiều lợi thế hơn so với các ấn phẩm nhỏ. Ở một khía cạnh khác, những độc giả ở các quốc gia có thu nhập cao sẽ có khả năng chi trả cho việc trả phí tin tức này hơn là tại các quốc gia có bình quân thu nhập thấp.

Các mô hình tin tức thời hậu đại dịch

Ảnh: The Conversation
Ảnh: The Conversation

Khi nói đến tương lai của báo chí, ông Nielsen đã tự mô tả mình là một người "thận trọng, lạc quan nhưng dựa trên các bằng chứng”. Mặc dù bức tranh tổng thể vẫn còn rất khắc nghiệt và nhiều nhà xuất bản đang phải đối mặt với những khó khăn khó có thể vượt qua được nhưng ông tin rằng con đường phía trước sẽ trở nên tốt đẹp hơn.


“Trong khi vẫn đang xem xét đại dịch sẽ ảnh hưởng đến mọi thứ như thế nào, tôi nhận thấy chúng tôi đã đạt được một vài thành tựu” - ông Nielsen nói. Ông nêu lên một vài mô hình kinh doanh báo chí khác nhau đang chứng tỏ tiềm năng nếu được triển khai tốt. Các mô hình tin tức có đăng ký trả phí, chuyển sang hình thức tổ chức phi lợi nhuận, dựa vào sự tài trợ của chính phủ,... vẫn đang hoạt động mạnh mẽ tại Pháp, Tây Ban Nha, Nam Phi, Malaysia, Pháp và Hoa Kỳ.

“Ngày càng có nhiều tổ chức tin tức ấn tượng, hướng tới tương lai - những người đang làm báo chí số cho các độc giả online trong kỷ nguyên kỹ thuật số và kiếm tiền từ nó. Đây không phải là con đường kiếm tiền như những năm 1990 nhưng nó hướng tới một cách bền vững và khiến tôi tin tưởng hơn vào tương lai. Các tổ chức tin tức địa phương sẽ phải đối mặt với khó khăn. Nhưng chúng tôi vẫn đang chứng kiến ngày càng có nhiều những tấm gương thành công và tôi thực sự ngưỡng mộ những người đó” - ông Nielsen nói thêm.

Theo What’s New In Publishing