Đánh giá củ sạc Bagi M30 “made in Vietnam“: Quick Charge 3.0, giá 300.000 đồng

Không chỉ sản xuất nhiều loại dây cáp sạc cho các thiết bị di động, hãng phụ kiện điện thoại "made in Vietnam" Bagi còn cung cấp ra thị trường một số dòng củ sạc nhanh cho di động, trong đó đáng chú ý có model M30 với khả năng tương thích chuẩn Qualcomm Quick Charge 3.0.
Mặt trước của hộp đựng
Mặt trước của hộp đựng

Lần đầu Qualcomm giới thiệu công nghệ sạc nhanh Quick Charge 3.0 vào tháng 9/2015 và đến nay cũng chưa nhiều thiết bị hỗ trợ chuẩn sạc nhanh này. Chủ yếu là những điện thoại được xếp vào hàng cao cấp của các hãng và chạy trên vi xử lý Snapdragon 820 trở lên.

Những hãng sản xuất phụ kiện nổi tiếng như Anker, Aukey cũng ra mắt một số dòng củ sạc tương thích với chuẩn Quick Charge 3.0 nhưng giá bán khá cao từ 400-500 ngàn đồng (cho loại 1 cổng cắm). Đây là cơ hội để nhà sản xuất Việt Nam Bagi (có nhà máy đặt tại Bắc Giang) cạnh tranh khi mà model M30 cũng tương thích với chuẩn sạc nhanh mới nhất của Qualcomm nhưng chỉ có mức giá 300.000 đồng.

Mở hộp và thiết kế

Củ sạc nhanh Bagi M30 có hộp đựng bằng nhựa trong suốt khá giống với hộp đựng dây sạc nhanh Bagi mà VnReview đã từng đánh giá. Thiết kế vỏ hộp của sản phẩm chưa được bắt mắt lắm. Thông tin sản phẩm được in hoàn toàn bằng tiếng Việt ở mặt trước và mặt sau của hộp.

Mặt sau với của hộp sản phẩm đầy đủ thông tin về tính năng, chế độ bảo hành 12 tháng lỗi đổi mới cũng như các mã vạch, mã QR dẫn đến trang web của nhà sản xuất.

Mặt sau của hộp đựng

Củ sạc Bagi M30 có kích thước 42 x 42 x 26mm, trọng lượng 41,5g. Kiểu dáng của củ có phần nhỉnh hơn về kích thước khi đặt cạnh củ sạc đi kèm của Xiaomi Mi 5s Plus một chút nhưng trọng lượng tương đương.

Thiết kế vỏ nhựa màu đen với bề mặt xung quanh trơn bóng, 2 bề mặt chân cắm và cổng cắm nhám nhẹ. Củ sạc có độ hoàn thiện khá tốt, không hề kém cạnh khi đặt bên của sạc nhanh của Xiaomi. Tuy vậy, do thiết kế vỏ nhựa trơn bóng nên sau khoảng 1 thời gian sử dụng, bề mặt vỏ sẽ không còn được lung linh như ban đầu với nhiều vết xước xát.

Logo Qualcomm Quick Charge 3.0 cùng logo của nhà sản xuất được in trên bề mặt

Củ sạc Bagi M30 đặt bên cạnh củ sạc theo máy Xiaomi Mi 5s Plus

Thiết kế của củ sạc Bagi M30 khá giống củ sạc nhanh Quick Charge 3.0 đi kèm theo các máy Xiaomi Mi 5, Mi 5s, Mi 5s Plus với cùng màu sắc, chất liệu nhựa các mặt và chân cắm dẹt. Chỉ khác biệt ở kích thước lớn hơn và kiểu dáng vuông vức hơn củ sạc theo máy của Xiaomi.

Cận cảnh cổng cắm USB trên củ sạc

Cổng cắm USB trên củ sạc nhanh Bagi M30 có phần nhựa màu cam khiến người dùng liên tưởng ngay tới khả năng sạc nhanh chuẩn Qualcomm. Đây cũng là cách thiết kế được một số nhà sản xuất phụ kiện có tiếng như Aukey, Anker dùng trên các củ sạc hỗ trợ chuẩn Quick Charge 2.0 và 3.0.

Cạnh chân cắm được in các thông số chi tiết:

- Nguồn vào: AC100-240V 50/60Hz 0.5A

- Nguồn ra: 3.6V-6.5V = 3A | 6.5V-9V = 2A | 9V-12V = 1.5A

Bagi M30 sử dụng 2 chân tiếp xúc với điện lưới dạng dẹt phổ biến tại Việt Nam, chân cắm và cổng cắm USB đều rất chắc chắn khi được kết nối.

Mổ và tìm hiểu bên trong cục sạc

Bảng mạch của củ sạc Bagi M30 được thiết kế khá cẩn thận ở cả 2 mặt. Các chi tiết tụ điện, cổng USB, bộ chuyển đổi dòng được gắn chân thiếc chắc chắn. Chúng tôi "vặn vẹo" thử các linh kiện trên bảng mạch ở lực tương đối mạnh đều không bị xô lệch, xiên méo các chân tiếp xúc. Có thể yên tâm nếu đánh rơi cục sạc mà vỏ nhựa bảo vệ không bị vỡ thì cũng không ảnh hưởng gì đến các chi tiết bên trong.

Ở mặt sau của bảng mạch, các chân thiếc được gắn xuyên bảng mạch có phần thừa ra khá lớn. Mỗi chân cắm cũng được hàn thiếc hơi thừa. Mặc dù có giúp các chân kết nối tiếp xúc chắn chắn hơn trên mạch và không ảnh hưởng gì về mặt kỹ thuật, tuy nhiên xét về tính thẩm mỹ thì mặt sau của mạch chưa được xử lý có độ tỉ mỉ cao.

Soi kĩ ở dưới gầm các linh kiện nhỏ gắn trên mạch, mặc dù đã được đính thiếc cố định ở 2 bên nhưng tất cả vẫn còn được đính thêm 1 lớp keo mỏng màu hồng để giữ các linh kiện chắc chắn hơn.

Thử nghiệm đo dòng sạc

Củ sạc Bagi M30 được kết nối với dây cáp sạc thông qua thiết bị chuyên dụng của VnReview để do dòng điện từ cổng USB.

Thử nghiệm với Xiaomi Mi Note và Mi 5s Plus, củ sạc Bagi M30 cho ra dòng 9.2V/1.5A tương đương khi đo với củ Quick Charge 2.0 và 3.0 đi kèm theo máy.

Đánh giá củ sạc Bagi M30 “made in Vietnam“: Quick Charge 3.0, giá 300.000 đồng ảnh 8

Đo dòng sạc củ Bagi M30 trên Xiaomi Mi 5s Plus

Thử nghiệm với Samsung Galaxy S8 và A7 2017, M30 cũng cho ra dòng 9.2V/1.5A tương đương khi đo với củ Fast Charge 2.0 đi kèm theo máy. Công nghệ sạc nhanh của Samsung thực chất vẫn dựa trên cách mà Qualcomm phát triển trên Quick Charge 2.0 và 3.0, vì vậy người dùng có thể sử dụng củ sạc nhanh theo chuẩn Qualcomm để sạc cho máy Samsung có Fast Charge mà không phải lăn tăn về độ tương thích.

Đánh giá củ sạc Bagi M30 “made in Vietnam“: Quick Charge 3.0, giá 300.000 đồng ảnh 9

Đo dòng sạc củ Bagi M30 với Samsung Galaxy S8

Với những thiết bị không hỗ trợ sạc nhanh, củ sạc Bagi M30 tự động điều chỉnh dòng ra phù hợp để đảm bảo quá trình sạc được an toàn và ổn định. Thử đo dòng sạc với củ M30 cho iPhone 6s và iPhone 7 Plus đều duy trì ở dòng ~5.0V/~1A, các máy như Xiaomi Redmi Note 4, Huawei P9 cũng cho ra dòng ~5.1V/~1.7-~2.0A như củ sạc theo máy.

Thử nghiệm thời gian sạc

Chúng tôi thử nghiệm đo thời sạc đầy pin từ 0% bằng củ sạc Bagi M30 với 3 chiếc điện thoại:

- Xiaomi Mi 5s Plus – pin 3800mAh, tương thích Qualcomm Quick Charge 3.0

- Samsung Galaxy A7 (2017) – pin 3500mAh, tương thích Samsung Fast Charge 2.0

- iPhone 7 Plus – pin 2900mAh, sạc thường 5V/1A

Do chỉ so sánh hiệu suất sạc nên trong lần thử nghiệm này, chúng tôi sử dụng chính dây sạc đi kèm theo máy và chỉ so sánh thời gian sạc bằng củ sạc nhanh Bagi với củ sạc đi kèm theo máy.

Bảng so sánh thời gian sạc

Bên cạnh thử nghiệm đo dòng sạc bằng thiết bị chuyên dụng, thử nghiệm đo thời gian sạc đầy pin từ 0% với Xiaomi Mi 5s Plus và Samsung Galaxy A7 2017 cũng cho kết quả gần như không khác biệt giữa củ sạc Bagi M30 với củ sạc đi kèm máy.

iPhone 7 Plus, do không tương thích chuẩn sạc nhanh Qualcomm Quick Charge 3.0, nên tự động được điều chỉnh với dòng phù hợp. Tuy vậy thời gian sạc đầy pin cuối cùng cũng có sự chênh tới 8 phút với kết quả nghiêng về Bagi M30. Chúng tôi cũng thử nghiệm trong thời gian ngắn, dùng củ M30 sạc cho một số smartphone Android khác không hỗ trợ sạc nhanh và đều cho kết quả gần như tương đương với củ đi kèm máy.

Tổng kết

Củ sạc nhanh Bagi M30 là một lựa chọn khá thích hợp dành cho những người muốn trang bị thêm cho thiết bị của mình (có hỗ trợ chuẩn sạc nhanh Qualcomm Quick Charge hoặc Samsung Fast Charge) bên cạnh củ đi kèm máy hoặc thay thế trong trường hợp bị hỏng hay thất lạc. Với những thiết bị không hỗ trợ bất kì chuẩn sạc nhanh nào, có lẽ không cần thiết để sắm kèm phụ kiện này.

Đáng tiếc củ sạc Bagi M30 lại chỉ có 1 cổng kết nối để tiết kiệm chi phí sản xuất. Trên thị trường, những củ sạc chuẩn Quick Charge 3.0 có 2 cổng kết nối thường có giá khá đắt, có thể lên đến 600 ngàn cho củ có cả 2 cổng đều chuẩn sạc nhanh Qualcomm hoặc 500 ngàn cho củ có 1 trong 2 cổng chuẩn sạc nhanh Qualcomm. Bagi cũng có một model củ sạc M23 với 2 cổng dòng 5V/3A sẽ được chúng tôi đánh giá trong thời gian tới.

Mức giá 299.000 đồng của Bagi M30 cũng khá dễ chịu khi so sánh với những củ sạc nhanh cùng công nghệ tới từ Aukey, Anker. Sản phẩm được phân phối tại Lazada hoặc trang chủ của nhà sản xuất bagi.com.vn.

Theo Tạp chí Diễn đàn đầu tư

http://vnreview.vn/danh-gia-chi-tiet-phu-kien/-/view_content/content/2129879/danh-gia-cu-sac-bagi-m30-made-in-vietnam-quick-charge-3-0-gia-300-000-dong