Dành 6/8 ngày kỳ họp thứ nhất, Quốc hội XIV cho công tác nhân sự cấp cao

VietTimes -- Chiều nay 19/7, tại Trung tâm báo chí Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội đã tổ chức họp báo công bố dự kiến chương trình và nội dung kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 14.
Ông Lê Minh Thông, Phó tổng thư ký Quốc hội.
Ông Lê Minh Thông, Phó tổng thư ký Quốc hội.

Giới thiệu về chương trình và nội dung kỳ họp thứ nhất, ông Lê Minh Thông, Phó tổng thư ký Quốc hội cho biết, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tập trung phần lớn thời gian để xem xét, quyết định về tổ chức, nhân sự cấp cao của Nhà nước. Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận các báo cáo về kinh tế - xã hội và quyết định một số vấn đề quan trọng khác.

Cụ thể, về công tác tổ chức, nhân sự cấp cao của nhà nước, ông Thông cho biết, đây là nội dung trọng tâm của kỳ họp đầu nhiệm kỳ nên phần lớn thời gian của kỳ họp lần này dành cho việc xem xét, quyết định về công tác nhân sự.

Cụ thể, theo kế hoạch, tại kỳ họp này, Quốc hội dành khoảng 6 ngày (trong khoảng từ 20/7  đến 28/7/2016) để xem xét, quyết định công tác nhân sự Nhà nước cấp cao. Cụ thể như sau: Bầu Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội; Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội; Tổng thư ký Quốc hội; Tổng kiểm toán Nhà nước.

Bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Phó chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Quyết định cơ cấu tổ chức, số lượng thành viên Chính phủ; Phê chuẩn việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ; Phê chuẩn danh sách các Phó chủ tịch và ủy viên Hội đồng quốc phòng và an ninh.

Theo quy định của Hiến pháp mới năm 2013, tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội, ngay sau khi được bầu, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao sẽ làm lễ tuyên thệ trước Quốc hội.

Đối với việc quyết định những vấn đề quan trọng khác, ông Thông cho biết, Quốc hội sẽ dành khoảng 2 ngày làm việc để xem xét, thảo luận các báo cáo và quyết định một số vấn đề quan trọng của đất nước như: (i) Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2016; các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2016; (ii) Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014; (iii) Xem xét, thông qua các Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2017 và việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề; Nghị quyết về một số vấn đề quan trọng (nếu có); (iv) Báo cáo của Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV.

Bên cạnh đó, tại kỳ họp này Quốc hội sẽ nghe Hội đồng bầu cử quốc gia báo cáo tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 và kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội được bầu.

Theo ông Thông, khác với các khóa Quốc hội trước, Quốc hội khóa 14 sẽ không tiến hành thẩm tra tư cách đại biểu và thông qua nghị quyết về việc xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội tại kỳ họp đầu tiên.

Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân đã trao thẩm quyền xác nhận tư cách của người trúng cử đại biểu Quốc hội cho Hội đồng Bầu cử quốc gia. Hội đồng Bầu cử quốc gia căn cứ vào kết quả tổng kết bầu cử đại biểu Quốc hội, kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan người trúng cử đại biểu Quốc hội để tiến hành xác nhận tư cách của người trúng cử đại biểu Quốc hội, cấp giấy chứng nhận đại biểu Quốc hội khóa mới cho người trúng cử và báo cáo Quốc hội khóa mới về kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội tại kỳ họp đầu tiên.

Hữu Vinh