Đồng thời, cơ quan công an khẳng định, tất cả các đối tượng tham gia vụ việc trên không ai có liên quan đến lãnh đạo xã, huyện và thành phố. Cũng như không có bất cứ sự can thiệp nào đến việc giải quyết của công an huyện và chính quyền địa phương.
Trước đó, 3h đêm 15/5, ông Phạm Văn Quân (SN 1959, ở Cao Nhân, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) phát hiện Đỗ Hữu Mạnh (SN 1971, ở Kênh Giang, Thủy Nguyên dẫn đầu một nhóm người tiến vào khu vườn mà ông Quân khẳng định là sở hữu của gia đình ông.
Nhóm người này đã chặt hạ hơn 2.200 cây chuối các loại, 12 cây nhãn con, 2 cây cau con trên diện tích gần 1,4 ha, trị giá hàng tỷ đồng. Sau khi ông Quân cấp báo, Công an huyện Thủy Nguyên đã đến hiện trường và đưa các đối tượng liên quan về trụ sở làm việc.
Vụ việc sau đó được làm rõ, là một vụ tranh chấp trong nội bộ công ty cổ phần.
Theo đó, ông Quân cho biết đây là khu đất ông khai hoang từ năm 1989. Sau đó, năm 2007, ông Quân góp vốn cùng ông Nguyễn Văn Bính (xã Cao Nhân) và ông Đỗ Văn Chí (SN 1971, trú ở xã Tam Hưng, Thủy Nguyên) thành lập Công ty cổ phần Cao Hưng Thịnh chuyên sửa chữa tàu biển, tàu sông.
Nhưng sau khi thành lập, công ty không hoạt động. Ông Quân tiếp tục trồng chuối và hoa màu trên khu đất nói trên. Theo ông Quân, đến năm 2016, ông mới biết khu đất này đã góp thành cổ phần vào Công ty cổ phần Cao Hưng Thịnh.
Công ty cổ phần Cao Hưng Thịnh sau đó đổi tên thành Công ty cổ phần Chí Linh, do một số cổ đông rút vốn.
Tháng 6/2016, Công ty cổ phần Chí Linh lập dự án xây dựng 2 xưởng sản xuất gạch trên phần đất ông Quân nhận là của mình và hiện đang trồng chuối. Tuy nhiên, khi công ty yêu cầu bàn giao đất, Quân từ chối bàn giao và tiếp tục trồng chuối trên phần đất này.
Do vậy, đến tháng 4/2017, Công ty cổ phần Chí Linh ủy quyền cho Đỗ Hữu Mạnh (SN 1971, ở Kênh Giang, Thủy Nguyên) trong tư cách nhân viên công ty "thuê người đến dọn dẹp mặt bằng để phục vụ khởi công xưởng sản xuất gạch" – tờ Dân trí nêu.
Đến khoảng 2h ngày 15/5, Đỗ Hữu Mạnh cùng một số người được thuê đã tiến vào khu đất gia đình ông Quân đang trồng chuối và dùng dao chặt ngang thân chuối với lý do "dọn dẹp mặt bằng".
Sau khi cơ quan Công an xã và huyện kịp thời có mặt làm rõ, kiểm đếm, kết quả cho thấy nhóm Đỗ Hữu Mạnh đã hoàn thành chặt hơn 2.200 cây chuối các loại, 12 cây nhãn con, 2 cây cau con trên diện tích gần 1,4 ha đất trên phần đất ông Quân nhận là của mình.
Qua làm rõ lý lịch các đối tượng, Công an xã, huyện đã bàn giao 11 người này cho chính quyền địa phương và gia đình quản lý.
Hiện, Công an huyện Thủy Nguyên đang giải quyết vụ việc theo trình tự, thủ tục tiếp nhận tin báo, tố giác về tội phạm, xác minh nguồn gốc đất, các thủ tục liên quan về góp vốn, tranh chấp quyền sử dụng đất.
Cơ quan công an khẳng định, tất cả các đối tượng tham gia vụ việc trên không ai có liên quan đến lãnh đạo xã, huyện và thành phố. Đến nay không có bất cứ sự can thiệp nào đến việc giải quyết của công an huyện và chính quyền địa phương.
Đặc biệt, thiếu tướng Đỗ Hữu Ca – Giám đốc Công an Hải Phòng – khẳng định đối tượng Đỗ Hữu Mạnh cũng như nhóm 11 người tham gia chặt chuối không phải là người nhà của ông. “Sở dĩ họ gắn vào như vậy để phức tạp vụ việc lên mà thôi” - tờ Dân trí dẫn lời ông Ca nói.
Tuy nhiên, thông tin từ cơ quan Công an huyện Thủy Nguyên có vài điểm chưa rõ ràng. Chẳng hạn, dù ông Quân không cung cấp được các tài liệu liên quan đến nguồn gốc thửa đất, nhưng cũng không thấy cơ quan Công an cung cấp thông tin xác minh ban đầu về việc khu đất này từ trước đến nay do ai quản lý, khai thác.
Cũng không thấy chính quyền địa phương cung cấp thông tin ban đầu về số chuối hàng nghìn cây bị chặt hạ là tài sản của ai, do ai trồng, trị giá bao nhiêu tiền… ?.
Lưu ý là, nguồn gốc khu đất còn phải chứng minh thuộc về ai, nhưng nếu số chuối đúng là do gia đình ông Quân trồng và có trị giá hàng tỷ đồng, thì dường như việc "giải phóng mặt bằng" của nhóm Đỗ Hữu Mạnh có nguy cơ sẽ phạm vào tội hủy hoại tài sản.
Quan sát hiện trường cho thấy, các cây chuối đều bị chém ngang thân, chứ không phải chém tận gốc để lấy mặt bằng. Thậm chí, các buồng chuối còn bị chém lìa để không thể tận thu được. Đó là kiểu chém mang tính triệt hạ.
Hôm trước, Công an quận Ngô Quyền cũng của Hải Phòng đã khởi tố vụ án hình sự, ra lệnh bắt hai phụ nữ có hành vi đã có hành vi Hủy hoại tài sản, cụ thể là đổ dầu luyn trộn chất thải vào nơi bán thịt lợn của chị Nguyễn Thị Xuyến tại chợ Lương Văn Can vào sáng 11/5.
Theo đó, ông Nguyễn Xuân Bình, Phó chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng cho biết: "không thể chấp nhận hành vi hủy hoại tài sản vừa gây ra tại chợ Lương Văn Can".
Còn ông Bùi Thanh Sơn, Chủ tịch UBND quận Ngô Quyền thì cho biết, chị Xuyến vừa mới chuyển từ bán tôm, cá sang thịt lợn nhà nuôi tại chợ Lương Văn Can được ít ngày.
Tuy nhiên, phản thịt của của chị Xuyến đã bị hai đối tượng tên Lê Thị Hoa và Hoàng Thị Thanh Dung mang dầu luyn trộn với chất thải hắt vào chỗ thịt lợn đang bán và lên khắp người.
Sau khi vụ án được khởi tố, một doanh nghiệp từ tâm đã đứng ra mua lại toàn bộ số lợn còn tồn đọng tại nhà chị Xuyến.
Đáng mừng là cơ quan chức năng Hải Phòng đã áp dụng các biện pháp nghiệp vụ kịp thời để xác định chính xác số thịt lợn bị hắt chất bẩn tại chợ Lương Văn Can là thuộc sở hữu của chị Xuyến. Và từ đó ra được quyết định khởi tố vụ án hình sự.
Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Bộ luật hình sự 2015
1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, tài sản là di vật, cổ hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa hoặc tài sản trị giá dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
c) Gây thiệt hại tài sản là bảo vật quốc gia;
d) Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
đ) Để che giấu tội phạm khác;
e) Vì lý do công vụ của người bị hại;
g) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm:
a) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.