Marco Attisani - doanh nhân người Ý, đồng sáng lập dự án hy vọng rằng phát minh của ông sẽ có thể thử nghiệm tại khu vực ngoại ô các đô thị đang phát triển tại châu Phi để hỗ trợ người dân nghèo. Một phần ba người dân châu Phi không có cơ hội tiếp cận với nước sạch, theo tổ chức phi chính phủ WaterAid. Chỉ 25% người dân vùng cận Sahara có thể tiếp cận với điện, chuyên viên ngân hàng thế giới nhận định. Dù với sự phát triển như vũ bão của công nghệ điện tử, tỉ lệ người dân sử dụng internet tại châu Phi còn rất thấp, chỉ khoảng 28,6%.
Mỗi chiếc máy Watly được gắn với các tấm pin mặt trời quang điện có thể sản sinh ra nhiệt và điện năng lượng mặt trời. Nước được bơm vào khoang chứa và được xử lý để có thể uống trực tiếp thông qua một quá trình chưng cất nén hơi nước. Quá trình sử dụng năng lượng nhiệt mặt trời để làm bốc hơi nước và tách chúng ra khỏi các chất độc hại, từ muối biển cho tới chất độc. Một chiếc máy như vậy có thể lọc tới 3 triệu khối nước mỗi năm và có tuổi đời khoảng 15 năm, Attisani ước tính.
Toàn bộ quá trình sẽ được vận hành bởi năng lượng mặt trời, cho phép chiếc máy sản sinh ra lượng điện đủ cho chính nó và các thiết bị khác.
Watly sẽ được kết nối với một hệ thống quản lý trung tâm và các máy Watly khác, tạo nên một mạng lưới wifi với bán kính lên tới 500m. Nó được liên kết thông qua vệ tinh, đường dây truyền tải sóng hoặc hệ thống 4G, theo như thông tin được đăng tải trên website của công ty.
Người dân địa phương có thể kết nối internet sử dụng những màn hình lớn ở hai phía của thiết bị dài gần 40m này.
Chiếc máy Watly đầu tiên đã được hoàn thiện vào năm 2013. Năm ngoái, một chiếc đã được lắp đặt tại làng Abenta, Ghana để đánh giá tính hiệu quả của sản phẩm mới này.
Công ty đầu tư hy vọng có thể bán Watly cho chính phủ và các công ty viễn thông. Đây sẽ là giải pháp tốt cho họ nếu muốn tăng cường độ phủ sóng mà không phải xây thêm các tháp phát sóng hay cơ sở hạ tầng đắt tiền khác. Một chiếc máy Watly 3.0 đang được sản xuất tại Italy và sẽ đưa ra chạy thử vào tháng sáu này, Attisani chia sẻ. Chi phí sản xuất cho một thiết bị như vậy vào khoảng 453,000 USD. Mức giá bán đề xuất vẫn chưa được nhà sản xuất công bố.
Mô hình thiết kế của máy Watly
Hiện tại, công ty đang hoạt động dự án này với khoản quỹ gần 22 triệu USD, bao gồm nguồn vốn từ chương trình hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu và cải tiến châu Âu European Commission’s Horizon 2016. Watly cũng đang tiến hành các phương thức gây quỹ cộng đồng trên trang Indiegogo để sản xuất chiếc máy thứ hai.
Chiếc máy Watly này là một sự lựa chọn thay thế cho các dự án quy mô lớn, Diran Soumnni, một học giả về cải tiến công nghệ tại đại học Witwatesrand, Johanesburg chia sẻ. Tuy nhiên, ông cũng lo ngại về tính khả thi của Watly.
“Dù thiết bị này có ấn tượng ra sao, nếu nó không được vận hành trong thực tế, chúng ta vẫn không thể coi đó là một phát minh thành công”, Soumonni nói. Nhà sáng chế ra Watly đã giải thích ý tưởng của dự án, nhưng việc kiểm tra trên thực tế sẽ cho chúng ta biết nó có thực sự phù hợp với cuộc sống hàng ngày của người dân không.
Một vấn đề lớn là việc thu hút chính phủ quan tâm và mua sản phẩm. Các chính phủ châu Phi từ lâu đã quan tâm hơn tới các dự án quy mô lớn hơn là những giải pháp hiệu quả chi phí. Bên cạnh đó, việc không thể lắp đặt nhiều chiếc máy Watly tại cùng một địa phương sẽ làm nảy sinh vấn đề: Liệu người dân có chịu đi từ nhà họ đến chỗ chứa thiết bị chỉ để sạc điện thoại và uống nước?
Cho đến khi được thử nghiệm thực tế với kết quả rõ ràng, chúng ta vẫn chưa thể biết chắc chắn rằng Watly có trở thành một phát minh thành công không hay lại trở thành một sự cải tiến ngắn hạn và không thực tế.
Theo Genk