“Đại gia” lần lượt mua công ty con của Vinatex

Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận mua lại Công ty TCCP Dệt may Việt Nam (TFC, thuộc Tập đoàn Dệt May). Trước đó, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã đồng ý chủ trương bán một công ty con thuộc Tập đoàn Dệt May (Vinatex).
 Một trong những điểm bán hàng thuộc VINATEXMART.
Một trong những điểm bán hàng thuộc VINATEXMART.

Ngày 13/02/2015, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có công văn số 1003/NHNN-TTGSNH chấp thuận nguyên tắc Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) mua lại Công ty tài chính cổ phần Dệt may Việt Nam (TFC).

Cụ thể, Thống đốc NHNN chấp thuận nguyên tắc việc MSB mua lại TFC theo Đề án mua lại đã được Hội đồng quản trị MSB thông qua tại Nghị quyết số 20.06/2015/NQ-HĐQT ngày 16/01/2015 và Hội đồng quản trị TFC thông qua tại Nghị quyết số 01/2015/NQ-HĐQT ngày 16/01/2015.

Công văn cũng nêu rõ, MSB có trách nhiệm hoàn tất hồ sơ theo quy định tại Khoản 2 Điều 19 Thông tư số 04/2010/TT-NHNN ngày 11/02/2010 của NHNN quy định việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại tổ chức tín dụng, trình Thống đốc NHNN xem xét chấp thuận việc mua lại TFC.

Mới đây, ngày 6/2, TFC đã tổ chức đại hội cổ đông bất thường để thông qua việc chuyển nhượng cổ phần của cổ đông sáng lập là Công ty Phát triển Nhà Thủ Đức (TDH) cho cổ đông sáng lập là Maritime Bank. Tại đại hội cổ đông TFC (ngày 29/4) đã thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần của Tập đoàn Dệt May tại công ty này cho Maritime Bank.

Trước đó, trong tháng 1/2015, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã đồng ý chủ trương bán Công ty Công ty TNHH một thành viên Thương mại Thời trang Dệt May Việt Nam (VINATEXMART).

Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước tại Tập đoàn Dệt May Việt Nam thực hiện theo thẩm quyền, quy định của Điều lệ công ty cổ phần và Luật Doanh nghiệp.

Theo Đề án tái cơ cấu tập đoàn Dệt may Việt Nam giai đoạn 2013-2015, Công ty TNHH một thành viên Thương mại Thời trang Dệt May Việt Nam là 1 trong 4 doanh nghiệp do Công ty mẹ - Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Được biết, trong quá trình phát triển, Công ty TNHH một thành viên Thương mại Thời trang Dệt May Việt Nam đã nhiều lần thay đổi tên.

Ngày 10/10/2001, Hội đồng quản trị Tập Đoàn Dệt May Việt Nam đã chính thức thành lập Trung tâm KD hàng thời trang Việt Nam. Tiếp đó, ngày 25/6/2002 Bộ Công Thương đã ký quyết định số 1478/QĐ/TCCB đổi tên Trung tâm Kinh doanh hàng thời trang Việt Nam thành Công ty Kinh doanh hàng Thời trang Việt Nam.

 Ngày 04/07/2011 chuyển đổi mô hình hoạt động và đổi tên là : Công ty TNHH Một Thành Viên Thương Mại Thời Trang Dệt May Việt Nam, với tên thương hiệu là:VINATEXMART, VINATEX FASHION.

Qua quá trình hoạt động và phát triển của VINATEXMART, có thể thấy, từ những cửa hàng thời trang với diện tích nhỏ, VINATEXMART đã hình thành những siêu thị trung tâm thời trang với diện tích và qui mô lớn hơn.

Theo giới thiệu của VINATEXMART, đến đầu năm 2013, đơn vị này đã phát triển 62 điểm bán hàng có mặt trên 26 tỉnh thành trong nước. Hiện nay, đơn vị đang kinh doanh 60.000 mặt hàng do trên 1.000 nhà cung ứng gồm 5 ngành hàng chính: Dệt may, thực phẩm công nghệ, thực phẩm tươi sống, hóa mỹ phẩm và hàng gia dụng quà lưu niệm đồ chơi trẻ em.

Định hướng phát triển đến năm 2015, vinatexmart mở rộng mạng lưới bán lẻ và bán sỉ với 200 cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại và có mặt hầu hết các tỉnh thành trong cả nước.

Cũng theo giới thiệu của VINATEXMART, với chiến lược kinh doanh, công ty này sẽ phát triển các cửa hàng, siêu thị và Trung tâm thương mại, trở thành đầu mối tiêu thụ sản phẩm dệt may Việt Nam lớn nhất. Hướng tới là  doanh nghiệp chiếm thị phần hàng dệt may lớn nhất Việt  Nam và nằm trong Top 2 của Hệ thống bán lẻ Việt Nam.

Theo: VnMedia