Chiều ngày 23/5, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với báo Đại biểu nhân dân tổ chức Hội thảo Xử lý nợ xấu – từ góc độ chính sách và pháp luật.
Xét về nguyên nhân của các khoản nợ xấu, có thể thấy, nợ xấu của hệ thống ngân hàng gia tăng không có nghĩa là do ngân hàng hoạt động kém hiệu quả, mà xuất phát từ những khách hàng vay không trả được nợ. Đặc biệt ở Việt Nam, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu từ năm 2008 đến nay, nền kinh tế nước ta đã chịu tác động tiêu cực và kinh tế vĩ mô có nhiều yếu tố không thuận lợi. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn và đây là nguyên nhân chính dẫn đến nợ xấu...Có thể nói nợ xấu là vấn đề của cả nền kinh tế và để giải quyết nợ xấu.
Tính đến đầu năm 2017, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 616,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu (nợ xấu được xử lý năm 2012: 74,68 nghìn tỷ đồng; năm 2013: 87,98 nghìn tỷ đồng; năm 2014: 143,55 nghìn tỷ đồng; năm 2015: 186,89 nghìn tỷ đồng; năm 2016: 118,49 nghìn tỷ đồng và tháng 01/2017 là 5,14 nghìn tỷ đồng), trong đó nợ xấu do các TCTD tự xử lý là 349,7 nghìn tỷ đồng (chiếm 56,7% tổng số nợ xấu được xử lý), còn lại là bán nợ cho các tổ chức, cá nhân khác (chiếm 43,3%).
Theo đó, nợ xấu đã được kiềm chế, đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 02/2017 về mức 2,56% tổng dư nợ tín dụng. Kết quả xử lý nợ xấu của TCTD qua VAMC, lũy kế từ năm 2013 đến 31/3/2017, tổng số tiền thu hồi nợ qua VAMC đạt 53.236 tỷ đồng.
Trong tổng số nợ xấu được xử lý, thì hình thức bán, phát mại tài sản đảm bảo để thu hồi nợ ở mức khá thấp 17,1 nghìn tỷ đồng (chiếm 2,8% tổng nợ xấu được xử lý).
Tuy nhiên cơ chế, chính sách, pháp luật về xử lý nợ xấu chưa hoàn thiện, quy định của pháp luật đối với việc xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ còn nhiều bất cập, chưa bảo vệ quyền chủ nợ hợp pháp, chính đáng của các TCTD, làm hạn chế hiệu quả của việc xử lý nợ xấu.
Việc xử lý hiệu quả TSBĐ đòi hỏi phải có hệ thống pháp luật được xây dựng một cách đồng bộ, minh bạch, phù hợp, tôn trọng quyền chủ nợ hợp pháp, chính đáng của bên cho vay, tạo lập được khuôn khổ pháp lý cho các bên liên quan, đặc biệt là chủ nợ thực thi được quyền hợp pháp của mình theo thỏa thuận, thiết lập được cơ chế, cách thức cho phép các bên lựa chọn được cách xử lý nhanh chóng, thuận tiện, tối đa hóa được giá trị thu nợ từ tài sản đảm bảo. Đồng thời, hệ thống pháp luật này phải được các cơ quan, tổ chức liên quan, các bên tham gia giao dịch thực hiện nghiêm minh.
Phát biểu tại Hội thảo các đại biểu cho rằng, việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý xử lý nợ xấu bằng việc ban hành một văn bản chuyên ngành để xử lý nợ xấu dưới hình thức Nghị quyết của Quốc hội là rất cần thiết, phù hợp, nhằm thể chế hóa chủ trương chính sách của Đảng và cần thực hiện ngay để kịp thời thực hiện các nhiệm vụ theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, cũng như đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn. Các chính sách quy định tại Nghị quyết được đánh giá là thiết thực, cần thiết, phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo đảm tính khả thi, bảo đảm quyền chủ nợ hợp pháp, chính sách của TCTD, VAMC, quyền lợi của người gửi tiền, cũng như các bên có liên quan; khắc phục các vướng mắc, bất cập của hệ thống pháp luật về xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm trong thời quan qua.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã đánh giá cao những nội dung quy định tại dự thảo Nghị quyết, trong đó nhấn mạnh đến vai trò của các cơ quan nhà nước, từ các cơ quan Chính phủ cho đến các cơ quan tư pháp (Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân tối cao) trong quá trình giám sát, triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết này có ý nghĩa quan trọng để bảo đảm khả năng thực thi của Nghị quyết trong thực tế.