Đà Nẵng và Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng nói gì tại buổi làm việc về Sơn Trà?
Hồ Xuân Mai
VietTimes -- Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng vẫn giữ quan điểm cần bảo vệ nguyên trạng của Sơn Trà cho dù UBND TP Đà Nẵng dự kiến sẽ giảm bình độ từ 200m xuống còn 100m và cắt giảm đáng kể số lượng buồng phòng tại đây.
Chiều 28/8, tại buổi làm việc giữa UBND TP. Đà Nẵng với Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng về rà soát các dự án và đều chỉnh quy hoạch du lịch tại bán đảo Sơn Trà trước khi trình Thủ tướng trước ngày 31/8, đại diện UBND TP Đà Nẵng đã thông tin về những điều chỉnh đối với quy hoạch bán đảo Sơn Trà.
Ông Nguyễn Thành Tiến, Phó Chánh văn phòng UBND TP Đà Nẵng cho biết, trước khi có bản Quy hoạch khu du lịch quốc gia Sơn Trà (công bố tháng 2/2017), Đà Nẵng đã cấp phép cho 18 dự án du lịch, nghỉ dưỡng trên bán đảo Sơn Trà thuộc, số dự án này được cấp cho 10 chủ đầu tư.
Cụ thể, sau khi có chỉ đạo của Chính phủ, UBND TP Đà Nẵng đã mời đại diện 10 chủ đầu tư lên làm việc, trong đó đã có 4/10 chủ đầu tư gửi kiến nghị Đà Nẵng xem xét các dự án đã được cấp. Đồng thời giao các sở, ngành liên quan tiến hành rà soát 18 dự án nói trên để báo cáo Thủ tướng trước 30/8.
Về chủ trương của Đà Nẵng, sau khi làm việc với các đơn vị quân đội tại Sơn Trà, các bên đã thống nhất cắt giảm quy mô một số dự án ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng.
UBND TP Đà Nẵng cho biết sẽ giảm bình độ quy hoạch xây dựng dự án từ 200m xuống còn 100m, không triển khai ở một số khu vực trọng yếu và cắt giảm đáng kể số lượng buồng phòng tại đây.
Đối với quy hoạch các dự án nghỉ dưỡng có bình độ dưới 200m, Đà Nẵng thống nhất với các lực lượng quân đội giảm xuống dưới bình độ 100m. Ở bình độ dưới 100m, Đà Nẵng sẽ cho phép xây dựng các cơ sở lưu trú nhưng không được cư trú, không cho phép tồn tại các biệt thự.
Bên cạnh đó, ở khu vực Đông-Đông Bắc bán đảo Sơn Trà, những dự án bình độ dưới 100m nhưng nhạy cảm về an ninh quốc phòng sẽ được đưa ra khỏi quy hoạch và chủ trương của Đà Nẵng là không phát triển du lịch về 2 hướng này.
Riêng ở hướng Tây-Tây Nam (giáp ranh phường Thọ Quang, quận Sơn Trà), Đà Nẵng cho phép phát triển dịch vụ lưu trú tạo kết nối đô thị, nhưng đảm bảo nằm phía dưới độ cao của đường Hoàng Sa nối lên bán đảo Sơn Trà.
Ngoài ra, để đảm bảo về đa dạng sinh học, UBND TP Đà Nẵng thống nhất xây dựng hành lang xanh kết nối tự nhiên giữa các khu vực riêng biệt của Sơn Trà, nhằm bảo tồn voọc chà vá chân nâu quý hiếm.
Sau khi nghe ý kiến điều chỉnh của UBND TP Đà Nẵng, ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho rằng, những hành động của Hiệp hội trong thời gian qua là nhằm kêu cứu cho Sơn Trà. Và Hiệp hội vẫn giữ quan điểm đề ra ban đầu là kiến nghị UBND TP Đà Nẵng giữ nguyên trạng Sơn Trà và không xây mới các dự án nghỉ dưỡng tại đây. “Con số 100m hay 200m không quan trọng mà quan trọng là yếu tố bảo tồn và phát triển bền vững mới là trên hết", ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng nói.
Bên cạnh đó, ông Huỳnh Tấn Vinh cho rằng, khi rà soát các dự án, UBND TP Đà Nẵng đã cân nhắc đến tính pháp lý khi cấp phép từ trước đó hay chưa và xử lý vấn đề pháp lý ra sao.
Ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho rằng, Hiệp hội vẫn giữ quan điểm cần giữ nguyên trạng đối với bán đảo Sơn Trà và xem xét tính pháp lý khi cấp phép các dự án tại đây
Trả lời quan điểm của Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho rằng, Đà Nẵng đã cân nhắc, rà soát kỹ các yếu tố này và sẽ thể hiện rõ trong báo cáo gửi Thủ tướng sau đây 2 ngày. Và quan điểm của Đà Nẵng không thay đổi, theo hướng phát triển bền vững Sơn Trà và xem xét cẩn trọng các yếu tố an ninh quốc phòng và đa dạng sinh học. Riêng vấn đề số lượng buồng phòng sẽ phải cắt giảm đáng kể, tuy nhiên con số chính xác còn phải chờ.
Theo tiến trình, sau cuộc họp với Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, UBDN TP Đà Nẵng sẽ có báo cáo kết quả rà soát và kiến nghị lên Chính phủ liên quan đến vấn đề quy hoạch Du lịch bán đảo Sơn Trà.