VietTimes -- Chiều ngày 3/8, Sở GTVT TP Đà Nẵng cho biết, tuy xe chạy dịch vụ GrabCar không có dấu hiệu nhận biết, nhưng thông qua việc nhập vai, lực lượng Thanh tra giao thông đã đã kiểm tra và xử lý 48 trường hợp xe Grabcar vi phạm các quy định về kinh doanh vận tải khách.
Các phương tiện hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi vi phạm các quy định về kinh doanh vận tải khách. Cụ thể gồm: hoạt động vận tải nhưng không có hợp đồng, không niêm yết thông tin trên xe, lái xe không có chứng chỉ tập huấn nghiệp vụ theo quy định…
Tuy nhiên, do xe chạy dịch vụ GrabCar không có dấu hiệu nhận biết, gây khó khăn cho các lực lượng trong việc xác định đối tượng để kiểm tra, xử lý vi phạm. Đặc biệt, việc gọi xe được thực hiện qua ứng dụng trên điện thoại nên khi lực lượng chức năng sử dụng ứng dụng đặt xe để kiểm tra thì sau 1-2 lượt bị nghi ngờ đã bị Grabcar từ chối dịch vụ gây khó khăn trong công tác kiểm tra, xử lý.
Bên cạnh đó, qua kiểm tra, lực lượng Thanh tra giao thông phát hiện Công ty TNHH GrabTaxi tiếp tục huy động phương tiện tham gia sử dụng ứng dụng GrabCar tại Đà Nẵng (bao gồm cả xe chưa được cấp phù hiệu xe hợp đồng theo quy định), nên Sở GTVT TP Đà Nẵng đã có ý kiến yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng trên địa bàn không tham gia sử dụng ứng dụng GrabCar.
Đồng thời ngành GTVT Đà Nẵng đã có đề nghị Công ty TNHH GrabTaxi không triển khai ứng dụng GrabCar, các hoạt động quảng cáo, quảng bá có liên quan đến ứng dụng gọi xe của Grab tại Đà Nẵng trong thời gian Chính phủ chưa ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến loại hình này.
Trước đó, UBND TP Đà Nẵng đã có ý kiến về việc chưa cho thực hiện thí điểm các ứng dụng khoa học hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (GrabCar, Uber,..) tại Đà Nẵng do nhiều lý do và cần có kết quả tổng kết 2 năm thực hiện thí điểm của Bộ GTVT, các văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể về quản lý hoạt động đối với dịch vụ này.