Đà Nẵng ‘nghĩ đến việc lập một đội xe công’

Sở Tài chính Đà Nẵng cho hay, đang phối hợp với Sở Nội vụ và Văn phòng UBND nghiên cứu các phương án để quản lý xe công vụ, trong đó có phương án lập một đội xe công. 
Một xe công vụ Đà Nẵng chạy trên đường Bạch Đằng - Ảnh: Lê Đình Dũng
Một xe công vụ Đà Nẵng chạy trên đường Bạch Đằng - Ảnh: Lê Đình Dũng

Ý tưởng này có từ thời ông Nguyễn Bá Thanh, khi ông nói đến việc đưa các sở ngành vào làm việc tập trung tại tòa thị chính hiện tại.

Ngày 27.10, ông Lê Bá Dũng, Phó giám đốc Sở Tài chính Đà Nẵng cho hay, đến thời điểm hiện tại, sở này vẫn chưa có một thống kê nào để biết được toàn địa bàn có bao nhiêu xe công vụ đang được sử dụng, cũng như chi phí hằng năm cho số lượng xe này.

Mới đây, báo chí đưa tin công bố cả nước có hơn 40.000 xe công, tiêu tốn khoảng 13.000 tỉ đồng kinh phí mỗi năm. Con số này, ông Dũng nói cũng "giật mình".

Theo ông Dũng, tại Đà Nẵng vẫn đang quản lý xe công theo như cách trước đây là giao cho từng sở ngành.

Ông Dũng cho biết: “Đúng là trước đây bác Nguyễn Bá Thanh (cố Bí thư Thành ủy Đà Nẵng) có chủ trương và ý định khi đưa các sở ngành vào tòa nhà hành chính là sẽ tập trung xe công về thành một đội xe. Tuy nhiên, khi 26 sở ngành vào làm việc tại tòa nhà tập trung thì do còn nhiều việc phải sắp xếp nên vẫn chưa làm được”.

“Đến cuối năm 2014, thành phố cũng đã nghĩ đến việc lập một đội xe công. Sở Nội vụ, Sở Tài chính đã nghiên cứu nếu lập đội này thì phải để tên gì; nó là một đơn vị sự nghiệp công lập hay là một doanh nghiệp công ích; hay là một đội xe đơn thuần thôi. Nhưng mà nếu để một đội xe đơn thuần như vậy khéo lại phức tạp”.

“Nên từ đó UBND TP mới nói thôi vì chưa biết mô hình này như thế nào, đồng thời giao Sở Tài chính, Nội vụ và Văn phòng UBND TP nghiên cứu tiếp”, ông Dũng cho biết.

“Cái khó là sử dụng con người và cơ chế tài chính mà chưa có phương án nào hiệu quả”.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành quyết định Quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe ô tô trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Sau đó, Bộ Tài chính ra thông tư 159 hướng dẫn thực hiện quyết định 32 (QĐ 32).

Ông Dũng cho biết, từ những công văn này, UBND TP đã chỉ đạo Sở Tài chính tiếp tục nghiên cứu QĐ 32 cùng với những ý tưởng có trước của Đà Nẵng để xem xét việc quản lý xe công tập trung hay giao cho từng đơn vị.

Cũng theo QĐ 32, Sở Tài chính sẽ nghiên cứu thực hiện theo chế độ khoán cho từng chức danh cụ thể. Thứ ba là tiếp tục rà soát lại toàn bộ số xe công vụ trên toàn thành phố.

“Hiện chúng tôi đang tiến hành lấy ý kiến của tất cả các sở ngành và 7 quận huyện để phục vụ cho việc này. Nhanh thì phải tháng 12.2015 mới có kết quả”, ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, nếu giao xe cho từng đơn vị điều hành thì sẽ chủ động, nhanh hơn và kịp thời hơn. Còn nếu tập trung xe cho một đơn vị sự nghiệp công lập phân phối, điều tiết xe thì dễ dẫn đến không kịp thời. Và nếu đã là đơn vị sự nghiệp công lập thì rõ ràng phải có một phương án tài chính cho họ. Và khi đó thì không thể ngồi đó bố trí xe không, ngồi chờ sở này hay sở kia đăng ký xe lãnh đạo.

Về mặt tổng thể cân đối thì ông Dũng cho rằng để xe cho từng đơn vị quản lý nó cũng không khác gì mấy khi tập trung về một đội.

Cũng theo ông này, từ khi tập trung các sở ngành về tòa thị chính thay cho việc phân tán ra từng cơ quan, hiện tại vẫn giữ nguyên số lượng xe của từng đơn vị. Tất nhiên số lượng xe sẽ dần được giảm nhưng không ngay lúc này được mà phải ba đến bốn năm sau thanh lý dần mới hết được.

Theo Một thế giới