Cụ thể, UBND TP Đà Nẵng giao Sở TN-MT TP xây dựng sổ tay Hướng dẫn quản lý chất thải dành cho cơ sở lưu trú, nhà hàng và ban hành ngay trong tháng 6/2019; xây dựng phần mềm để quản lý môi trường nhằm cập nhật cơ sở dữ liệu đã điều tra, kiểm tra việc đấu nối, xả thải của các nhà hàng theo kế hoạch; tiếp tục thực hiện điều tra về thoát nước, sử dụng nước dưới đất, đấu nối nước thải và bảo vệ môi trường.
Đặc biệt, UBND TP Đà Nẵng yêu cầu Sở Xây dựng chủ trì phối hợp Sở TT-TT nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu về thoát nước và xử lý nước thải, phần mềm chuyên ngành hỗ trợ điều tiết xả thải đảm bảo hệ thống vận hành ổn định; ban hành hướng dẫn cụ thể đấu nối nước thải vào hệ thống thoát nước đô thị trên địa bàn thành phố.
Riêng đối với Sở Xây dựng, UBND TP yêu cầu có trách nhiệm giao đơn vị thoát nước rà soát tình trạng đấu nối của các cơ sở đang hoạt động để có hướng dẫn thực hiện; thời gian triển khai giai đoạn 1 bắt đầu từ tháng 7/2019 đến hết 30/12/2019 đối với cơ sở quy mô lớn thuộc đối tượng phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, trước mắt trên khu vực từ đoạn Phạm Văn Đồng đến Khách sạn Furama.
Đến năm 2020 sẽ triển khai cho các cơ sở quy mô nhỏ trên lưu vực này. Các lưu vực thoát nước còn lại phía ven biển từ Sơn Trà đến Ngũ Hành Sơn, Sở Xây dựng xây dựng kế hoạch hàng năm trình UBND thành phố phê duyệt triển khai thực hiện.
Đối với 320 cơ sở đã phát phiếu điều tra, UBND TP yêu cầu UBND quận Ngũ Hành Sơn tiếp tục thu thập, cập nhật xử lý kết quả, thực hiện các giải pháp quản lý và báo cáo kết quả về UBND thành phố trước 30/10/2019. Đối với các cơ sở chưa điều tra, kiểm tra thuộc lưu vực thoát nước Ngũ Hành Sơn từ đoạn Phạm Văn Đồng đến Khách sạn Furama, theo thẩm quyền quản lý, UBND TP yêu cầu UBND các quận: Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà có kế hoạch tổ chức điều tra, kiểm tra về thoát nước, sử dụng nước dưới đất và bảo vệ môi trường đến hết ngày 30/12/2019, gửi kết quả về Sở TN-MT để tổng hợp báo cáo UBND thành phố.
UBND thành phố yêu cầu các Sở TN-MT, Sở Xây dựng, UBND các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn tiến hành xem xét xử lý các trường hợp vi phạm theo chỉ đạo tại Công văn số 3300/UBND-STNMT ngày 22/5/2019 của UBND thành phố. Đồng thời, yêu cầu các Ban quản lý, đơn vị điều hành dự án đẩy nhanh tiến độ các dự án đã có chủ trương đầu tư, hoàn thành theo đúng tiến độ đã cam kết, gửi kế hoạch tiến độ về Sở Tài nguyên và Môi trường hàng quý trước ngày 30 tháng cuối quý để tổng hợp báo cáo UBND thành phố.
Được biết, đây là động thái cứng rắn tiếp theo của chính quyền Đà Nẵng trong việc siết chặt quản lý trật tự xây dựng, vệ sinh môi trường tại khu vực biển du lịch phía Đông thành phố, từng bước kiểm soát tình trạng ô nhiễm môi trường do xả thải từ các cơ sở kinh doanh nhà hàng, dịch vụ ăn uống tại khu vực này.
Một trường hợp nhà hàng xây dựng sai phép trong danh sách xử lý của Sở Xây dựng TP Đà Nẵng
|
Trước đó, Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cũng đã rà soát công trình nhà hàng, quán tạm trên địa bàn TP. Theo đó, từ ngày 10/9/2014 đến nay, Sở Xây dựng đã cấp 743 giấy phép xây dựng tạm (có thời hạn) trên các tuyến đường có yêu cầu cao về kiến trúc cảnh quan. Trong đó, 515 giấy phép về nhà ở và 228 công trình khác.
Tại quận Sơn Trà có 173 giấy phép, với 118 giấy phép nhà ở, 55 giấy phép công trình khác. Đối với 55 giấy phép công trình khác, chủ yếu là nhà hàng, quán tạm kinh doanh trên các tuyến đường Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng, Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp.
Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện có 17/55 công trình không phép, 6 công trình hết hạn và chuyển đổi công năng từ nhà ở, biệt thự sang nhà hàng là 17 công trình.
Về sai phạm, đa số các nhà hàng, quán tạm đều xây dựng lấn chiếm phần diện tích khoảng lùi 4m để kéo bạt, nhằm mục đích phục vụ buôn bán.
Đặc biệt trong số các nhà hàng xây dựng không phép hoặc sai phạm trong đảm bảo cảnh quan có các nhà hàng hải sản nổi tiếng như: Quán Bảy Hai, quán Cây Bàng, quán Bá Cường, Thanh Mập, Thơ Ý, Bé Mặn, Bà Thôi 3, Bé Biển, quán Tokyo…
Trước những sai phạm này, Sở Xây dựng đề nghị UBND TP chỉ đạo UBND các quận, huyện chủ trì, yêu cầu chủ đầu tư tự tháo dỡ các hạng mục công trình sai phạm trong quý 2/2019. Các trường hợp tư không tự tháo dỡ thì sẽ bị cưỡng chế và chủ đầu tư, chủ cho thuê quyền sử dụng đất phải chịu mọi chi phí cho việc phá dỡ công trình.