Thông tin từ Cục CNTT - Bộ Y tế cho hay, Bộ Y tế đang triển khai Đề án thí điểm hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) tại bệnh viện. Được phê duyệt tại Quyết định 4868 ngày 16/11/2015 của Bộ Y tế, Đề án nhằm thí điểm ứng dụng hệ thống PACS trong quản lý, xử lý hình ảnh, đọc kết quả và trả kết quả chẩn đoán hình ảnh không sử dụng phim để trên cơ sở đó Bộ Y tế đánh giá chi phí hiệu quả để có thể áp dụng trên phạm vi toàn quốc.
Cũng theo Đề án, các bệnh viện thực hiện sẽ ứng dụng hệ thống lưu trữ và xử lý và truyền hình ảnh y tế (PACS) để quản lý, xử lý hình ảnh, đọc kết quả và trả kết quả chẩn đoán hình ảnh như chụp X-Quang, chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp CT-scanner và chụp mạch số hóa nền (DSA) không sử dụng phim.
Trong thông tin chia sẻ mới đây về kết quả triển khai ứng dụng CNTT tại các cơ sở khám, chữa bệnh, ông Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục CNTT Bộ Y tế cho biết, đến nay, đã có 20 bệnh viện gồm Hữu Nghị, Đa khoa quốc tế Hải Phòng, Đa khoa tỉnh Phú Thọ, Đại học Y Dược TP.HCM, Quận Thủ Đức, Nhân dân Gia Định, Đa khoa Thành phố Vinh, Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, Đa khoa Trung ương Quảng Nam, Thống Nhất, Đa khoa Trung ương Cần Thơ, Đại học Y Hà Nội, Hữu Nghị Việt Tiệp Hải Phòng, Nhi Trung Ương, Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê – Phú Thọ… đã triển khai ứng dụng thành công hệ thống PACS không sử dụng phim. Qua đó, giúp tiết kiệm chi phí và hiệu quả trong kết nối, hội chẩn điện tử thời gian thực.
Cũng theo nhận định của ông Trần Quý Tường, ứng dụng CNTT y tế ở các đơn vị, địa phương đã có bước chuyển biến mạnh mẽ, cho đến nay tỷ lệ bao phủ hệ thống thông tin bệnh viện là 100%. Tuy nhiên, mức độ ứng dụng CNTT còn ở mức thấp, chưa đồng đều giữa các bệnh viện và việc kết nối liên thông dữ liệu còn khó khăn.
Cụ thể, 100% bệnh viện đã triển khai phần mềm hỗ trợ quản lý (HIS), trong đó có một số bệnh viện tự phát triển phần mềm HIS, còn lại phần lớn các bệnh viện - chiếm 92,3% dùng phần mềm HIS của các doanh nghiệp CNTT như FPT, Links Toàn Cầu, Đăng Quang, OneNet, Hà Thắng, Isoft...; 34 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế đã triển khai phần mềm quản lý điều hành văn bản điện tử, thư điện tử, chiếm 87,2%; 36 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, đã ứng dụng phần mềm quản lý thông tin xét nghiệm (LIS), chiếm 92,3%; và khoảng khoảng 92,3% các bệnh viện hạng I có Cổng hoặc Trang thông tin điện tử bệnh viện.
Theo Cục CNTT Bộ Y tế, hiện tại Bệnh viện Bạch Mai (bệnh viện hạt nhân - đóng vai trò hỗ trợ các bệnh viện khác triển khai hoạt động y tế từ xa) đã triển khai tư vấn y tế, khám chữa bệnh từ xa với 11 bệnh viện vệ tinh tuyến tỉnh/thành phố gồm các bệnh viện đa khoa: Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Lào Cai, Ninh Bình, Hòa Bình, Phú Thọ, Quảng Ninh và Xanh Pôn – Thành phố Hà Nội.
Bệnh viện Việt Đức (bệnh viện hạt nhân) triển khai tư vấn y tế, khám chữa bệnh từ xa với 7 bệnh viện vệ tinh tuyến tỉnh/thành phố là các bệnh viện đa khoa Hà Giang, Quảng Ninh, Ninh Bình, Thái Bình, Điện Biên, Lào Cai, Bắc Giang. Bộ Y tế đã bổ sung thêm các bệnh viện hạt nhân gồm bệnh viện Nội tiết trung ương, bệnh viện Thống Nhất, bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội… tham gia Đề án Bệnh viện vệ tinh theo Quyết định 774 của Bộ. Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ xây dựng kế hoạch để triển khai dự án y tế từ xa đến các bệnh viện hạt nhân còn lại thuộc Đề án Bệnh viện vệ tinh.
Ngoài ra, lần đầu tiên một số bệnh viện đã thí điểm đưa ứng dụng “điện toán biết nhận thức” hỗ trợ điều trị ung thư (IBM Watson for oncology) tại Bệnh viện K (năm 2017), Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ (năm 2018), Quảng Ninh (năm 2018); ứng dụng hỗ trợ ra quyết định lâm sàng trong các hệ thống thông tin bệnh viện; cảnh báo tương tác thuốc bệnh viện; trong hỗ trợ tư vấn – chatbot; nhận dạng tiếng nói để nhập dữ liệu vào hệ thống thông tin bệnh viện – đang được các doanh nghiệp nghiên cứu thử nghiệm như FPT, Đại học Quốc gia TP.HCM.
“Một số bệnh viện đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giám sát phác đồ điều trị nội trú, ngoại trú, cho phép sử dụng cận lâm sàng và thuốc với mã ICD tương ứng; cảnh báo tương tác thuốc và sử dụng thuốc”, đại diện Cục CNTT Bộ Y tế cho hay.