Cuộc vượt ngục ngoạn mục của một phi công Liên Xô làm thay đổi cục diện Thế chiến 2

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Mikhail Petrovich Devyatayev, phi công lái máy bay tiêm kích của Hồng quân Liên Xô, đã trốn khỏi trại giam phát xít Đức và lập chiến công ngoạn mục.
Ảnh tư liệu.
Ảnh tư liệu.

Mikhail Petrovich Devyatayev là phi công lái máy bay tiêm kích của Hồng quân Liên Xô, sinh năm 1917 tại tỉnh Penza – Liên bang Nga, tốt nghiệp trường đào tạo phi công quân sự Chkalovsk, nhập ngũ từ tháng 6/1941, được tặng huân chương cờ đỏ vì lập nhiều thành tích trong chiến đấu.

Tháng 6/1944, máy bay của Devyatayev bị quân Đức bắn hạ trên bầu trời Lvov – Ukraine, anh bị bắt làm tù binh và bị giam ở New Konigsberg – nay là Kaliningrad của Nga, sau khi tổ chức vượt ngục không thành, Devyatayev bị chuyển về trại tập trung Sachsenhausen của Đức Quốc xã, nằm trên lãnh thổ Bal an, ở trại tập trung này Devyatayev được xếp vào loại tù nhân chính trị đặc biệt nguy hiểm và đeo mã số tử tù.

Nhờ chiếm được cảm tình của người thợ cắt tóc trong trại, Devyatayev đã đánh tráo mã số tử tù của mình thành mã số của một giáo viên Nikitenko người Ukraine đã chết trong trại này trước đó. Tháng 10/1944, Devyatayev – lúc này đã trở thành giáo viên Nikitenko người Ukraine – cùng với một số tù nhân khác được chuyển về đảo Usedom.

Hòn đảo Usedom nằm trên biển Baltic, trên phần đất phía tây của hòn đảo này Đức Quốc xã xây dựng một căn cứ quân sự và trung tâm tên lửa bí mật Peenemude. Trên đảo, Adolf Hitler bố trí sân bay giả bằng những tấm gỗ ép để nghi binh lực lượng không quân của quân đồng minh, sân bay đích thực được Hitler xây dựng trong rừng cách bờ biển 200m, nơi đây được sử dụng để thử nghiệm các mẫu máy bay và tên lửa mới nhất, trung tâm này được các máy bay tiêm kích, hệ thống tên lửa phòng không và các đơn vị đặc nhiệm SS canh phòng 24/24 rất nghiêm ngặt.

Tại đây, cuối 1942, Đức Quốc xã bắt đầu sản xuất tên lửa hành trình V-1 hay còn gọi là “bom bay”, năm 1944 bắt đầu phát triển tên lửa đạn đạo tầm xa V-2 đầu tiên trên thế giới, Adolf Hitler gọi đây là “vũ khí để trả thù”, hy vọng sẽ sử dụng vũ khí này để tấn công thủ đô New York của Mỹ và London của Anh trong giai đoạn cuối của chiến tranh thế giới thứ 2.

Tên lửa hành trình V-1 có hai cách phóng, cách thứ nhất : có thể phóng từ bệ phóng cố định, cách phóng thứ hai: sử dụng máy bay ném bom Heinkel-111. Tên lửa V-1 sử dụng động cơ phản lực xung, đầu đạn nặng 750-1000kg, tầm bắn đạt khoảng 400km.

Tổng cộng đã có 5.200 quả tên lửa V-2 được Đức sản xuất trong suốt cuộc chiến, phần lớn trong số chúng đã được sử dụng để tấn công nước Anh và mặt trận phía Tây. Ảnh: Warhistoryonline
Tổng cộng đã có 5.200 quả tên lửa V-2 được Đức sản xuất trong suốt cuộc chiến, phần lớn trong số chúng đã được sử dụng để tấn công nước Anh và mặt trận phía Tây. Ảnh: Warhistoryonline

Tên lửa đạn đạo V-2 là loại tên lửa một tầng, động cơ chạy bằng nhiên liệu lỏng, đầu đạn nặng 800kg, tầm bắn lên tới 320km, quĩ đạo đường đạn có độ cao 80-90 km.

Sau khi được chuyển tới đảo Usedom, nhận thức được rằng đây chính là vị trí có ý nghĩa chiến lược đặc biệt của Đức Quốc xã, được tiếp cận sân bay và trung tâm tên lửa bí mật của Đức Quốc xã, với tố chất của phi công quân sự, Devyatayev tức là người đeo mã số giáo viên Nikitenko quốc tịch Ukraine đã bàn bạc kế hoạch vượt ngục với nhóm bạn gồm 9 người, trong đó có Krivonogov và Sokolov, ban đầu có ý kiến cho rằng có thể vượt ngục bằng thuyền qua eo biển, Devyatayev đã thuyết phục mọi người phải cướp máy bay và vượt ngục trên máy bay cướp được đó.

Để thực hiện được kế hoạch đã đề ra, Devyatayev cùng đồng đội của mình phải tập trung quan sát thật kỹ nề nếp sinh hoạt cũng như hoạt động hàng ngày của khu vực sân bay, ví dụ như: khi nào máy bay nạp nhiên liệu, khi nào tổ lái nghỉ ăn trưa, máy bay nào có tần xuất cất, hạ cánh nhiều nhất, máy bay nào có thể cướp dễ dàng nhất, đặc biệt là phải quan sát được các thiết bị trong khoang máy bay và nắm được thứ tự thực hiện các thao tác, bởi vì thời gian để thực hiện phi vụ cướp máy bay vượt ngục chỉ được tính bằng giây.

Sau khi đã bàn bạc chi tiết kế hoạch hành động, Devyatayev tiến hành phân công nhiệm vụ: người nào chịu trách nhiệm thủ tiêu lính gác, ai chịu trách nhiệm mở động cơ. Tuy các thành viên trong nhóm đã bàn bạc phân công rất cẩn thận, tỉ mỉ nhưng mức độ nguy hiểm vẫn rất cao, hy vọng thành công chỉ đạt ở mức một phần nghìn, bởi vì rất có thể máy bay sẽ không có nhiên liệu,hoặc đường băng cất cánh đã bị rào lại.

Cơ hội đã mỉm cười với Devyatayev cùng với các đồng đội của anh.

Ngày 8/2/1945, đội của giáo viên Nikitenko (tức là đội của Devyatayev) được phân công nhiệm vụ san lấp hố bom ngay sát sân bay, từ vị trí lao động đến vị trí của chiếc máy bay ném bom Heinkel-111 khoảng 200 bước, đúng 12 giờ trưa, khi các phi công của Đức Quốc xã vừa đi ăn, trong nháy mắt, Krivonogov đã hạ gục tên lính gác, toàn bộ vũ khí, trang phục, mũ, áo của tên lính gác người Đức được Krivonogov khoác lên mình và trở thành “lính gác của Đức Quốc xã” thực thụ, để tránh bị đội bảo vệ từ trên cao nghi ngờ, lúc này Krivonogov dùng súng trường vừa cướp được dẫn toàn “đội tù binh” (tức là các đồng đội của mình) tiếp cận Heinkel-111 - chiếc máy bay đã định trước đó.

Tất cả theo kế hoạch đã phân công, người nào vào vị trí của người đó, Sokolov mở động cơ, Devyatayev vòng ra đuôi máy bay mở chốt lên buồng lái, nhóm khác trở ắc qui tới, sau một phút chiếc máy bay Heinkel-111 đã ra đến đường băng, đồng hồ lấy được của tên lính gác chỉ 12 giờ 15 phút (giờ địa phương). Đối với các phi công Đức, không ai nghi ngờ, vì đây là chiếc máy bay thường xuyên cất và hạ cánh. Trong nhóm các chiến sĩ Hồng quân vượt ngục chỉ có Devyataeyv là phi công, anh điều khiển chiếc Heinkel-111 bay trên biển với độ cao khoảng 2 km, bởi vì nếu bay trên đất liền chắc chắn sẽ bị Đức Quốc xã điều tiêm kích lên để chặn lại.

Trên đường chạy, để tránh bị theo dõi,bám đuổi, Devyatayev luôn điều khiển chiếc Heinkel -111 vào các đám mây, chạy được khoảng 300-400km, cả đoàn bay vào vùng chiến sự, máy bay của Devyatayev cùng đồng đội bị hỏa lực pháo binh của Hồng quân Liên Xô bắn cháy, phải hạ cánh khẩn cấp, định chạy trốn vào rừng vì không tin rằng cả đoàn đã hạ cánh xuống vùng đất của Hông quân Liên Xô, nhưng lúc này tất cả mọi người sức đã cùng lực đã kiệt. Các thành viên trong nhóm vượt ngục từ hòn đảo Usedom được các chiến sĩ Xô viết đưa về đơn vị, sau khi đánh giá tình trạng sức khỏe, tất cả được chuyển về trung đoàn bộ binh 1067, tập đoàn quân 61,phương diện quân Belarus.

Tổng cục trưởng tổng cục phản gián quân đội Smersh của Liên Xô - trung tá Mandralsky và điều tra viên Potokin không thể tin được rằng những tù binh chiến tranh của Liên Xô lại có thể đánh cắp được máy bay hiện đại bậc nhất thời điểm đó của quân đội Đức, điều đặc biệt quan trọng ở đây là trên máy bay đó có hệ thống điều khiển và các thiết bị bí mật để phóng tên lửa cùng các tài liệu mật và những thông tin rất quan trọng về tên lửa đạn đạo V-2 và tên lửa hành trình V-1 đầu tiên trên thế giới của Đức Quốc xã. Sau này V-2 và V-1 đếu trở thành các nguyên bản của các tên lửa thế hệ mới của Nga và Mỹ.

Siêu tên lửa Sarmat của Nga được nạp vào silo. Ảnh: TASS
Siêu tên lửa Sarmat của Nga được nạp vào silo. Ảnh: TASS

Tuy cả nhóm vượt ngục của Devyatayev vẫn bị kết án tù, nhưng trong thời gian bị tạm giữ ở tập đoàn quân 61, phi công dũng cảm Devyatayev cùng với cả nhóm vượt ngục đã kịp thời cung cấp nhiều thông tin giá trị như vị trí của sân bay đích thực trên đảo Usedom, tọa độ chính xác của các bệ phóng V-1 và V-2, tọa độ của xưởng sản xuất ngầm chuyên dùng để chế tạo bom bẩn urani cho tư lệnh tập đoàn quân 61 – tướng Belov. Đối với Adolf Hitler, bom bẩn urani là niềm hy vọng cuối cùng để kéo dài cuộc chiến và tiêu diệt nền văn minh nhân loại.

Vài ngày sau khi tướng Belov nhận được các thông tin mà Devyatayev cung cấp, căn cứ quân sự và trung tâm tên lửa bí mật Peenemunde của Đức Quốc xã, cùng với xưởng sản xuất bom bẩn urani bị không quân Liên Xô ném bom phá hủy hoàn toàn.

Tháng 9/1945, Devyatayev được thả, anh được trung tá Sergey Pavlovich Korolev – tổng công trình sư, thiết kế trưởng về tên lửa của Liên Xô mời về hợt tác làm việc. Nhiệm vụ hàng đầu mà chính phủ Liên Xô giao cho Korolev và tập thể của anh là phải chế tạo tên lửa tương tự V-2 của Đức bằng nguyên vật liệu trong nước.

Năm 1947 Liên Xô tiến hành thử nghiệm tên lửa được khôi phục từ mẫu tên lửa V-2 của Đức, năm 1948 tên lửa đầu tiên của Liên Xô ra đời trên nền tảng V-2 của Đức, năm 1950, tên lửa đạn đạo R-1 được trang bị cho quân đội Liên Xô, theo đánh giá chung, nhóm vượt ngục của thượng úy phi công Nga Mikhail Petrovich Devyatayev cùng các tài liệu mà anh thu được ở căn cứ quân sự Peenemunde của Đức đã đóng góp rất lớn vào thành tích của nghành chế tạo tên lửa của Liên Xô.

Ngày 15/8/1957, tổng công trình sư, chuyên gia thiết kế tên lửa Liên Xô Sergey Korolov đề nghị trao tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô cho Mikhail Petrovich Devyatayev, các thành viên trong nhóm vượt ngục được trao tặng huân chương, được biết nhiều thành viên trong nhóm đã không còn sống để đón nhận phần thưởng này.