Trí tuệ nhân tạo không phải là các ứng dụng
Trong tương lai, nếu thế giới càng lúc càng tiến sâu vào xã hội 4.0 một cách đúng nghĩa, thì tương lai của tri thức sẽ thế nào?
Trả lời câu hỏi này, TS Nguyễn Hữu Liêm (giáo sư triết tại San Jose City College) lý giải cho thấy những “phác thảo” nhiều màu, với cả hai mặt của vấn đề.
“Không chỉ là những ứng dụng nhỏ mang lại tiện ích trong đời sống gia đình và cộng đồng như hiện nay, cuộc cách mạng 4.0 sẽ dẫn con người đến ngày càng nhiều các ứng dụng tự động hóa trong xã hội. Chẳng hạn như hiện nay mọi người lo ngại con người lái xe nhưng vẫn uống rượu bia gây nguy hiểm, mất an toàn cho những người khác chứ không chỉ bản thân người lái xe thì trong xã hội 4.0 xe tự lái mà không cần tài xế” – TS Nguyễn Hữu Liêm trao đổi.
Hiện nay người ta cảnh báo về thực phẩm bẩn, quy trình chế biến không an toàn… Xã hội 4.0 phát triển có thể thay thế thức ăn nuôi sống cơ thể bằng các dòng chất dinh dưỡng đúng và đủ liều lượng để con người nạp đủ năng lượng sinh hoạt trong mọi môi trường, không mất thời gian ăn uống, cũng chẳng có nguy cơ nhiễm bệnh.
“Khi mọi thứ quá tiện nghi, bạn muốn gì có nấy. Sau một ngày làm việc mệt mỏi, trở về nhà, bạn ngồi vào chiếc ghế thư giãn, đeo head-phone hoặc gắn một số đường ống vào cổ tay và nhấn một số nút, hệ thống sẽ cho bạn thưởng thức những tác phẩm âm nhạc bất hủ, đồng thời các chip hỗ trợ đặc biệt sẽ truyền vào não bạn một cảm giác vui vẻ, thoải mái, yêu đời…”
Thực ra, ở nhiều nước trên thế giới hiện nay, con người cũng đã dần sẵn sàng hơn với việc lựa chọn bạn tình là một búp bê tình dục (thực chất là những cỗ máy) thay vì phải mệt mỏi với những cuộc hôn nhân.
TS Nguyễn Hữu Liêm trở về Việt Nam nhiều lần trong công việc giảng dạy tại một số trường Đại học
|
Sai lầm của người và sai lầm của máy
“Nhìn qua thì tưởng là rất tiện nghi, khi mà guồng máy xã hội được điều khiển bởi trí tuệ nhân tạo, đúng là con người sẽ có ít cơ hội phạm sai lầm hơn, nên có thể đời sống sẽ tốt đẹp hơn trên phương diện kỹ thuật. Nhưng thực ra kỹ thuật tiến hóa nhanh quá mà con người không theo kịp thì sẽ mất hết tự do, sẽ trở thành “nô lệ” của kỹ thuật, bị kiểm soát, bị điều khiển bởi những “ông trời” máy móc điều hành cả cuộc sống loài người; bị phụ thuộc; bị giới hạn trong những điều mà máy móc lựa chọn, trí tuệ nhân tạo ấn định chứ chưa chắc đã phải là bản thân con người mong muốn” – TS Nguyễn Hữu Liêm nói.
“Một ví dụ nhỏ thôi, ngay từ bây giờ nếu bạn muốn tìm bất cứ thứ gì, bạn lên google gõ mấy cụm từ liên quan, một thiểu số ưu tú về kỹ thuật đã kiểm soát sự lựa chọn của bạn; máy sẽ trả về cho bạn một số kết quả; bạn đọc thông tin, rồi sẽ quyết định lựa chọn trong số các phương án mà máy móc chọn sẵn cho bạn. Bạn chỉ được chọn những gì máy chọn chứ đâu phải những thứ bạn thật sự muốn? Tiến sâu vào xã hội 4.0 thì máy móc với hiệu năng mạnh mẽ của nó, sẽ trở thành chân lý luôn, loại trừ những mong muốn cá thể của con người, dần khiến con người trở thành “máy móc hóa”. Chẳng hạn khi con người muốn có bất cứ năng khiếu gì, khỏi cần đi học cực khổ như thời nay, bạn có thể download từ máy, nạp nó vào trở thành “chương trình” của mình. Những bức tranh được vẽ bởi trí tuệ nhân tạo, những bản nhạc, những bộ phim… được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo sẽ nhanh hơn, đa dạng hơn con người tạo ra rất nhiều lần” – TS Nguyễn Hữu Liêm đưa giả thuyết.
Ông phân tích thêm: “Những hậu quả của sai sót nếu xảy ra trong xã hội được điều hành bởi trí tuệ nhân tạo cũng không thể coi thường. Khi chiếc xe tự lái trong một hệ thống mà mọi thứ đều yêu cầu chính xác đến tuyệt đối bị hư, có thể gây những hậu quả trầm trọng hơn là xe người lái? Một hệ thống được điều khiển bởi trí tuệ nhân tạo mà tê liệt thì có thể tưởng tượng hậu quả sẽ là khủng khiếp và sẽ có hàng triệu người phải hứng chịu chứ không phải chỉ liên quan đến một vài người”.
Càng tiến sâu vào xa lộ công nghệ thông tin, con người càng cảm thấy cô đơn hơn, mệt mỏi hơn, bị làm phiền nhiều hơn bởi sự xuất hiện quá đông đúc con người và quá nhiều tiếng ồn ào, nhiễu loạn của xe cộ, máy móc.
TS Nguyễn Hữu Liêm đưa nhiều cảnh báo về những sai lầm trong xã hội được điều khiển bởi trí tuệ nhân tạo
|
Vậy làm thế nào để có thể giữ được cho mình một cái tâm an bình, giống như người đang lái xe trên con đường cao tốc, nhưng vẫn an yên, bình ổn, sống đúng với bản thân và sống trong hiện tại?
Liệu có thể thoát khỏi những dày vò quá khứ vẫn luôn “hành hạ” từng cá thể, không tha bất cứ ai?
Biện pháp gì để có thể tiếp thu và truyền thụ tri thức thực cho bản thân và tới cộng đồng trong xã hội 4.0? Thay vì làm chiếc bình rỗng “bị” trút vào đó đủ thứ “rác rến” bất tri và bất lương và lại góp phần đẩy mạnh hơn nữa dòng chảy đó trong cộng đồng?
Cuộc cách mạng 4.0 thực chất là gì? Các doanh nghiệp Việt Nam hiểu gì về big data, chuyển đổi số?
Liệu trí tuệ nhân tạo đã được đem về ứng dụng ở Việt Nam phổ biến chưa hay vẫn đang là biên giới khó vượt qua do nền tảng xã hội chưa đáp ứng được?
Tương lai thực sự của tri thức sẽ thế nào trong xã hội 4.0?
Tất cả những băn khoăn, thắc mắc đó cùng các câu hỏi khác sẽ được TS Nguyễn Hữu Liêm giải đáp tới công chúng tại cuộc thuyết trình về chủ đề: “Trí tuệ nhân tạo và tương lai của tri thức” sẽ diễn ra từ 9h00 đến 11h30 ngày 19/7, tại Nhà đấu giá nghệ thuật Chọn – số 63 Hàm Long, Hà Nội.
Xin trân trọng kính mời độc giả tới tham dự giao lưu với TS Nguyễn Hữu Liêm!