Quyền sở hữu trí tuệ (IPR) cung cấp thước đo sức mạnh công nghệ của một công ty, thậm chí ở tầm quốc gia. Trong trường hợp mạng không dây Wireless, ưu thế của phương Tây trong việc đăng ký các bằng sáng chế thiết yếu cho mạng 2G / 3G / 4G gần như tuyệt đối. Trung Quốc đã bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua IPR cho 2G và 3G. Với sự xuất hiện của 4G LTE, người Trung Quốc chỉ chiếm một phần nhỏ IPR và giờ đã nhận ra tầm quan trọng của IPR. Tất cả chỉ mới có cách đây 10 năm (xem chi tiêu nghiên cứu của Huawei). Với 5G hiện ra lờ mờ ở phía đường chân trời, những “tay chơi” chủ chốt của Trung Quốc như Huawei, ZTE, China Mobile, v.v đang chạy đua giành lấy một tỷ lệ lớn hơn các bằng sáng chế cốt lõi cho 5G NR.
Tỷ lệ đầu tư cho nghiên cứu (R&D) so với doanh thu của Huawei giai đoạn 2008-2017.
|
3rd Generation Partnership Project (3GPP) là tổ chức hàng đầu về tiêu chuẩn cho công nghiệp di động bên cạnh ITU, tổ chức viễn thông quốc tế. 3GPP là tổ chức duy trì và phát triển các chuẩn GSM và các tiêu chuẩn 2G và 2.5G liên quan, GPRS và EDGE, UMTS và các tiêu chuẩn 3G liên quan, HSPA. LTE, LTE Advanced, LTE Advanced Pro và các tiêu chuẩn 4G liên quan, thế hệ tiếp theo và các tiêu chuẩn 5G liên quan.
3GPP là hiệp hội toàn các nhà khai thác viễn thông. Ban đầu do AT&T và Nortel Networks có công sáng lập vào năm 1998. Sau này British Telecom, France Telecom, Telecom Italia, NTT DoCoMo, BellSouth, Telenor, Lucent, Ericsson, Motorola, Nokia, Huawei, ZTE, China mobile,... tham gia.
Theo Net Policy hiện nay 3GPP có hơn 30 người Trung Quốc nắm giữ các vị trí chủ chốt trong tổ chức tiêu chuẩn, quyền biểu quyết vượt quá 23%, số lượng đóng góp là 30% và số lượng dự án đang lãnh đạo (lead) chiếm 40%. Với sức mạnh như thế Trung Quốc hoàn toàn có khả năng khống chế đại cục.
Tất nhiên, Ericson và Nokia cũng không chịu thúc thủ. Đóng góp về mặt patent cho lĩnh vực này của Mỹ chỉ còn Qualcomm nhưng theo nhiều ý kiến vẫn không thể bằng Huawei về số lượng và nội dung. Qualcomm vẫn chỉ là nhà sản xuất chip trong khi Huawei sản xuất hầu hết các thiết bị viễn thông đa dạng từ thiết bị đầu cuối (Cell phone), thiết bị định tuyến (switch, router) và thiết bị hệ thống core, server,...
Chuyên gia Edison Lee cho rằng chỉ riêng Huwei và ZTE chiếm đến 20% patent 5G. ZTE đạt giải “Best Technology Innovation for 5G” năm 2018 ở Hội nghị di động thế giới (Mobile World Congress).
Theo Counterpoint và Deloitte, măm 2017, Huawei đã chi 13,23 tỷ USD cho R & D, tức là 14,9% doanh thu. Huawei đang nắm giữ 74.307 bằng sáng chế ở các khu vực khác nhau và khoảng 43% trong số này nằm ngoài Trung Quốc. Hơn nữa, mã hóa Polar của Huwei được 3GPP chấp nhận làm phương pháp mã hóa cho kênh điều khiển trong 5G NSA NR. Do các tiêu chuẩn công nghệ vẫn đang được 3GPP phát triển, Trung Quốc dự kiến sẽ có thêm IPR trong 5G.
Lệnh cấm của Mỹ và ARM dừng hợp tác với Huawei có thể khiến tốc độ phát triển 5G của Trung Quốc chậm từ năm rưỡi đến 2 năm theo nhận định của Nhậm Chính Phi, chủ tịch Huawei. Nhà cung cấp chip MediaTek Inc, có trụ sở tại Đài Loan (Trung Quốc), ngày 29/5/2019 đã giới thiệu loại chip mới sử dụng công nghệ di động thế hệ thứ 5 (5G) là 5G SoC dành cho các loại điện thoại thông minh cao cấp, có hiệu năng cao nhằm cạnh tranh với đối thủ “sừng sỏ” từ Mỹ là Qualcomm Inc. Được biết Huawei đã đặt hàng nhà cung cấp Mediatek cho việc sản xuất các chip 5G của mình. Hiện Mediatek có license đầy đủ của ARM.
Các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông Trung Quốc có kế hoạch ra mắt mạng 5G thương mại vào năm 2020. Một thinktank ước tính tổng chi tiêu vốn cho 5G sẽ đạt 1,65 nghìn tỷ nhân dân tệ (250 tỷ USD) vào năm 2025.
Cũng nói thêm, 5G mới chỉ là ở buổi bình minh. Dẫn đầu lúc này không đảm bảo chiến thắng chung cuộc. Chỉ muốn nói rằng Mỹ cũng sẽ có một đối thủ xứng đáng và khó nuốt.