Các thông tin công bố của các tổ chức quốc tế uy tín mới đây sẽ giúp chúng ta có cái nhìn cụ thể hơn về vấn đề giá cước dịch vụ 3G mà công luận trong nước đang quan tâm.
Mặt bằng giá cước 3G trên thế giới
Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) vừa công bố số liệu thống kê về giá cước dịch vụ Truy nhập Internet di động 2014 (chúng ta thường quen gọi là dịch vụ dữ liệu 3G) dựa trên toàn bộ số liệu của năm 2013. Đây là nguồn số liệu khách quan nhất để so sánh giá cước giữa các quốc gia. Số liệu của ITU lấy mức giá tương đương gói cước 500MB để so sánh, đây là mức tiêu dùng hợp lý thường được chọn khi sử dụng dịch vụ data 3G ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Ở Việt Nam, theo một khảo sát đầu năm 2015 thì mức chi phí của đa số người dùng 3G là từ 50.000 - 100.000 đ (tức là tương đương gói 70.000 đ/600MB) và có tới 93% người dùng sử dụng 3G trên điện thoại chọn gói cước này. Do đó, có thể đánh giá đa số người Việt Nam có thói quen sử dụng dịch vụ 3G tương tự như thế giới.
Theo số liệu của ITU, mức giá trung bình đối với gói 500MB của thế giới là 16,9 USD/tháng đối với dịch vụ trả trước và 17,6 USD/tháng đối với dịch vụ trả sau. Ở các nước đang phát triển, mức giá tương ứng là 16,3 – 17,5 USD/tháng, còn ở các nước phát triển là 17,8 - 18,3 USD/tháng.
Như vậy, dù có sự chênh lệch khá lớn về thu nhập bình quân đầu người giữa các nước phát triển và đang phát triển, hầu hết các nhà mạng trên thế giới có mức cước 3G không chênh lệch nhiều (chỉ trên dưới 1 USD/tháng), cũng như không phân biệt gói 3G trả trước và trả sau nên mức giá 3G trả trước và trả sau gần bằng nhau.
Giá 3G tương đương do cùng nền tảng công nghệ
Nguyên nhân cơ bản của sự tương đồng này là do giá thành dịch vụ. Chiếm phần lớn giá thành của dịch vụ viễn thông nói chung và dịch vụ 3G nói riêng đều là chi phí khấu hao cơ sở hạ tầng, thiết bị, chi phí cho nhân công, bán hàng,... chiếm rất thấp. Giá thiết bị đầu tư cho xây dựng mạng dịch vụ 3G cũng gần như nhau vì cùng một nền tảng công nghệ nên giá thành dịch vụ gần bằng nhau ở các quốc gia. Vì thế giá cước các quốc gia gần như giống nhau.
Các nước đang phát triển có mức giá gần bằng các nước phát triển cho thấy giá cước ở các nước này tương đối cao nếu so với mức sống. Nguyên nhân là vì các nhà mạng ở các nước đều đang đầu tư cơ sở hạ tầng nên chi phí khấu hao trong giá thành dịch vụ khá cao. Cũng do mới triển khai dịch vụ nên thị trường còn chưa đủ lớn để thu được lợi nhuận từ quy mô, các nhà mạng phải đặt giá cước cao để đảm bảo lợi nhuận.
Nếu xét theo tỷ lệ giá cước trên thu nhập bình quân đầu người (GNI p.c) thì giá cước 3G của các nước đang phát triển thực sự rất chênh lệch so với các nước phát triển. Giá cước trung bình cho 500MB data của:
- Thế giới chiếm khoảng 5,8% - 6,4% GNI bình quân đầu người,
- Các nước đang phát triển chiếm 8% - 8,9% GNI bình quân đầu người,
- Các nước phát triển chỉ chiếm 1% - 1.1% GNI bình quân đầu người.
- Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương có mức giá là 5% - 7,5% GNI bình quân đầu người.
Cước 3G Việt Nam ở nhóm thấp nhất thế giới
So sánh trên cùng một thước đo luôn luôn là điều kiện cần thiết để có kết quả xác thực. So sánh giá cước của cùng loại gói cước đại đa số người dùng Việt Nam và thế giới sử dụng là gói 600MB (số liệu của ITU là gói 500MB) với mức giá 70.000 đ tương đương 3,2 USD.
So sánh số tuyệt đối, giá cước của Việt Nam quy đổi theo ngang bằng sức mua (PPP) thì tương đương 7,8 USD. Như vậy giá cước của Việt Nam chỉ bằng khoảng:
- 44,3% đến 46,1% trung bình thế giới và chỉ bằng 44,6% đến 47,8% các nước đang phát triển.
Ngay cả khi so sánh theo tỷ lệ so với thu nhập bình quân đầu người: Với bình quân GNI đầu người năm 2013 của Việt Nam là 145 USD/tháng (số liệu từ Ngân hàng thế giới năm 2013) thì mức giá cước của Việt Nam chỉ chiếm 2,2% GNI bình quân đầu người và chỉ bằng:
- Khoảng 1/3 mức trung bình thế giới
- Bằng ¼ mức trung bình các nước đang phát triển.
- Chỉ bằng 29% - 44% so với khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Với những số liệu trên, có thể khẳng định mức cước 3G tại Việt Nam đang ở mức rất rẻ so với mặt bằng chung của thế giới, kể cả khi tính đến sự chênh lệch về bình quân thu nhập đầu người giữa các nước đang phát triển và các nước đã phát triển.
Theo VNN