Không ít người cho biết, đây là việc làm tâm linh và không thể khấn sai, nhất là những người mới ra ở riêng và không có ai làm hộ. Vì thế phải tìm được bài khấn mẫu thật chuẩn và đọc nó với tên tuổi gia chủ được thêm vào đúng chỗ trống. Không chỉ cúng Táo Công, nhiều người cũng làm như vậy với việc mời ông bà, tổ tiên về ăn Tết. Xem ra, việc cúng bái thời Internet cũng rất là công nghệ và chỉ cần dùng điện thoại thông minh để vào mạng là có ngay các bài khấn.
Những ngày gần đây, xu hướng tìm kiếm các bài cúng ông Táo tăng mạnh tại Việt Nam. Chỉ cần vào Google và có từ khóa là ra hơn một triệu kết quả trong chưa tới 0,4 giây. Trên trang Xu hướng (Google Trends), các từ khóa liên quan đến "ông Táo" hoặc "cúng ông Táo" luôn nằm trong top đầu, tăng mạnh từ khoảng 1 tuần trước ngày ông Táo lên chầu Ngọc Hoàng.
Theo một chuyên gia nghiên cứu về các công cụ tìm kiếm trên Internet,thực tế này không có gì là quá khó hiểu. Với xã hội hiện nay, đa phần là những gia đình trẻ và không nhiều người nhớ bài cúng ông Táo, trừ khi được người lớn hơn chỉ dạy. Vì thế, việc nhờ vả các “thầy cúng online” không phải bây giờ mới có, mà đã dần hình thành từ khi Internet ra đời và phát triển cách đây cả chục năm. Không chỉ với dịp Tết Âm lịch mà với nhiều dịp lễ khác, những người trẻ vẫn thường lên mạng để tìm kiếm các bài khấn phù hợp.
Tuy nhiên, để hoàn thiện cho một cái Tết thì không phải trên mạng cái gì cũng có và chắc chắn là có những thứ hoàn toàn không có. Điển hình như chuyện xin chữ với các ông đồ. Vì thế, những người trẻ muốn có một cái Tết hoàn chỉnh thì những người trẻ ở Hà Nội vẫn phải kéo nhau ra Văn Miếu để xin chữ (đương nhiên là mất tiền đấy). Và cũng không biết là các ông đồ có quảng cáo dịch vụ của mình trên mạng không hay là họ đã hoàn toàn yên tâm rằng sẽ rất đông khách vì báo chí đã không quên nhắc đến rồi.