Buổi phỏng vấn của chúng tôi với Cục trưởng Đạt liên tục bị gián đoạn bởi những cuộc điện thoại từ 1 số máy bàn và 2 số di động của cá nhân ông. Theo như ông chia sẻ, 10 ngày qua, ông vừa phải tiếp nhận thông tin, xử lý, vừa hướng dẫn, tư vấn,… vì người dân mặc định coi rằng cứ tham nhũng là ông giải quyết được tất.
“Nóng” như đường dây nóng…
Xin ông cho biết, sau khi công bố 3 số điện thoại đường dây nóng tố cáo tham nhũng dịp trước Tết nguyên đán 2016, kết quả phản ánh của người dân như thế nào? Chủ yếu trong lĩnh vực gì và ông đã xử lý thông tin đó ra sao?
Sau 10 ngày công bố số điện thoại ĐDN, chúng tôi đã tiếp nhận gần 200 cuộc gọi của người dân tố cáo tham nhũng ở khắp nơi. Chủ yếu đến từ các tỉnh thành, người ta tố cáo các sai phạm liên quan đến đút lót chạy chức chạy quyền, buôn lậu, phá rừng, sai phạm trong lĩnh vực giáo dục, y tế … và đặc biệt là nạn “mãi lộ” của ngành giao thông. Có người nói rất căng thẳng với tôi: "Ông ngồi đấy làm gì mà để tệ nạn tham nhũng hoành hành khắp nơi như vậy??”.
Theo chức năng thẩm quyền, đầu tiên tôi hướng dẫn người dân phản ánh đến đúng cấp thẩm quyền giải quyết theo quy định. Khoảng 1/3 thông tin tố cáo có kèm bằng chứng như ghi âm, hình ảnh, video, thì tôi lưu làm chứng cứ, sau đó tùy trường hợp sẽ phối hợp trao đổi với các cơ quan quản lý để xử lý hoặc cần thiết tôi sẽ trực tiếp chỉ đạo thanh tra.
“Rồi thậm chí có người gọi điện không phải để tố cáo mà là hiến kế giải pháp chống tham nhũng. Điều này là rất quý. Tôi hết sức ghi nhận. Tôi nghĩ cần phải làm triệt để, trước hết phải để dân tin mình nói được làm được, chứ không phải để đấy, thì mới chống tham nhũng thành công được”.
Nhưng nhiều người dân phản ánh rằng đã gọi điện tố cáo tham nhũng lên Cục trưởng, Cục trường lại hướng dẫn phản ánh đến cấp thẩm quyền trực tiếp xử lý theo đúng quy trình, nếu như cấp trực tiếp bao che thì hiệu quả của Đường dây nóng là bằng không. Ông nghĩ sao về điều này?
Một số người dân chưa hiểu rõ pháp luật nên họ nghĩ cái gì ông Cục trưởng chống tham nhũng cũng giải quyết được. Thực tế thì tôi là đầu mối tiếp nhận thông tin, sau đó vẫn phải xử lý theo đúng quy trình. Ví dụ nạn “mãi lộ” thì tôi phải trao đổi với Bộ Công an để xử lý, chứ việc này Cục chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ không thể trực tiếp làm.
Rồi có người còn bảo: chồng con tôi sa vào cờ bạc và công an xã bao che cho nạn cờ bạc ở đây, theo ông tôi nên làm gì. Rõ ràng mình không thể can thiệp xuống tận một xã về một vấn đề an ninh trật tự như vậy. Tuy nhiên vì người dân đã tin tưởng thì tôi vẫn phải hướng dẫn họ, không để họ có cảm giác đường dây nóng chỉ để cho có.
Tôi nghĩ nạn tham nhũng có nhiều cấp để xử lý, nếu người dân tố cáo cấp xã không được giải quyết thì tố cáo lên cấp huyện, cấp huyện bao che thì tiếp tục lên cấp tỉnh, rồi cấp trung ương. Chắc chắn không thể bao che mãi được. Đối với những trường hợp đủ căn cứ cơ sở và đúng thẩm quyền, tôi sẽ trực tiếp xử lý.
Được biết, đây là năm thứ 2 Cục chống tham nhũng công bố số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận thông tin tố cáo tham nhũng. Kết quả của lần công bố trước tết 2015 đến nay ra sao, thưa ông?
Năm ngoái Cục chống tham nhũng tiếp nhận khoảng 65 thông tin phản ánh. Trong đó chúng tôi hướng dẫn và xử lý 33 nguồn tin, 32 nguồn còn lại thì lưu chứng cứ để tiếp tục điều tralàm rõ.
Trong 33 vụ thì 19 vụ đã được xử lý. Một số vụ từ năm ngoái đến năm nay chúng tôi vẫn đang tiếp tục làm. Tuy nhiên, chống tham nhũng là một cuộc chiến cam go và lâu dài, không phải như một cuộc bắt trộm hay bắt hàng rong nhìn thấy kết quả ngay.
Đối với những nguồn tin có dấu hiệu tham nhũng rõ ràng, chúng tôi đề nghị người dân cung cấp chứng cứ để mình trực tiếp kiểm tra, cần thiết thanh tra thì phải thanh tra, có những vụ trực tiếp Thủ tướng Chính phủ phê vào đơn tố cáo yêu cầu thanh tra, làm rõ.
Việc công khai, minh bạch kết quả cũng cần phải đúng lúc, đúng thời điểm, nên nhiều khi người dân không nhìn thấy ngay hiệu quả những việc chúng tôi đang làm.
“Không có vùng cấm, đối tượng cấm trong phòng chống tham nhũng”
Bản thân ông có ngại “va chạm” khi chống tham nhũng không?
Tôi không ngại “va chạm”. Tôi khẳng định không có vùng cấm, không có đối tượng cấm trong phòng chống tham nhũng. Mình phải kiên quyết như vậy thì người dân mới tin, mới cung cấp thông tin và ủng hộ mình.
Tại diễn đàn Quốc hội vừa qua, rất nhiều đại biểu đề cập đến tệ nạn tham nhũng, Báo cáo của Chính phủ năm 2015 cũng xác nhận tình trạng tham nhũng gia tăng về cả số vụ, số đối tượng với thủ đoạn hết sức tinh vi. Theo ông nguyên nhân chủ yếu là gì và phải giải quyết ra sao?
Phải thừa nhận chuyện đó là có thật. Theo số liệu của Thanh tra Chính phủ, năm 2015 số vụ tham nhũng tăng 85% và tăng 97,7% số đối tượng. Mặc dù số vụ án tham nhũng được xét xử giảm nhưng tỉ lệ tội phạm tham nhũng có mức độ nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng được tuyên án lại tăng hơn 2014. Điều đó thể hiện: tội phạm tham nhũng ngày càng tinh vi phức tạp.
“Có người nói rất căng thẳng với tôi: "Ông ngồi đấy làm gì mà để tệ nạn tham nhũng hoành hành khắp nơi như vậy?"
Nguyên nhân thì có nhiều, cả khách quan lẫn chủ quan. Nhưng theo tôi, nguyên nhân chủ yếu mà giả pháp tới đây sẽ xây dựng đó là: Phải hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động phòng chống tham nhũng. Bây giờ tham nhũng có 12 hành vi nhưng chỉ 7 hành vi là được hình sự hóa. Ngoài ra, một số tội danh đáng lẽ phải quy về tội tham nhũng thì chưa quy, như tội cố ý làm trái. Theo tôi đã cố ý làm trái (chứ không phải vô ý) thì rõ ràng là để tham nhũng chứ còn gì.
Nguyên nhân và nhóm giải pháp thứ hai, theo tôi cần có cơ chế xây dựng cơ quan chống tham nhũng phải là một cơ quan tương đối độc lập, có quyền khởi tố tham nhũng. Việc này phương Tây làm được, Trung Quốc làm được rồi. Hiện nay Cục chống tham nhũng mới chỉ được quyền kiến nghị xử lý. Ở các địa phương, tổng thanh tra gần như chỉ có quyền “hướng dẫn nghiệp vụ” còn việc chỉ đạo xử lý lại do lãnh đạo địa phương. Như vậy, nếu xuất hiện lợi ích nhóm ở cấp trên thì chịu rồi (!)
Nói tóm lại, phải giải quyết triệt để các chính sách, cơ chế sao cho người ta Không phải tham nhũng (bằng các cải cách tiền lương, đãi ngộ hợp lý khiến người ta không phải tham nhũng vẫn sống được), Không dám tham nhũng (thông qua các biện pháp phát hiện, xử lý thật nghiêm, có tính răn đe, khiến không còn ai dám tham nhũng nữa); Không được tham nhũng (tạo hành lang pháp lý chặt chẽ không có kẽ hở cho tham nhũng, ví dụ bỏ hoạt động thanh toán bằng tiền mặt).
Một vấn đề nữa cũng đang rất “nóng” là vấn đề xử lý tài sản chiếm đoạt do tham nhũng mà có. Được biết năm 2016 Chính phủ sẽ tổng kết 10 năm Luật Phòng chống tham nhũng để tiến hành sửa đổi bổ sung, trong đó chú trọng sửa đổi các quy định nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng. Theo ông để thu hồi tài sản tham nhũng cần có những giải pháp gì cần đưa vào luật hóa?
Kết quả thu hồi tài sản tham nhũng năm 2015 là 55,8%, tuy vẫn còn thấp nhưng đã là bước tiến so với các năm trước (2013 tỉ lệ này là 10%, năm 2014 là 22,3%).
Theo tôi, Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi sắp tới cần luật hóa những giải pháp sau đây để có chế tài đủ mạnh trong thu hồi tài sản tham nhũng:
Thứ nhất: Cần kiểm soát thu nhập, tài sản ngay từ gốc để phòng ngừa hành vi tham nhũng. Vừa qua Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã ký thông tư quy định về phong tỏa tài khoản, tiến tới hạn chế sử dụng tiền mặt trong lưu thông.
Thứ hai: Phải thu hẹp đối tượng kê khai tài sản, thu nhập để dễ quản lý. Nhiều người làm công ăn lương bình thường không có cơ hội tham nhũng nhưng năm nào cũng phải kê khai đi kê khai lại. Nhìn ra các nước thì thấy họ không làm vậy. Ví dụ cả nước Nga rộng mênh mông mà họ chỉ khoanh vùng 500.000 người cần phải kê khai thu nhập, tài sản, đó là những người mà công việc có liên quan đến cơ chế chính sách, thực thi pháp luật ở cấp mà có điều kiện tham nhũng.
Thứ ba: Kê khai tài sản phải có xác minh, ví dụ ông Cục trưởng Cục chống tham nhũng kê khai thì ông Tổng Thanh tra Chính phủ phải xác minh, nghĩa là phải có người giám sát không cho khai không đúng. Hiện nay việc thực hiện kê khai tài sản, thu nhập của chúng ta vẫn nặng tính hình thức thông qua tự kê khai, người nọ kê khai cho người kia, rồi “lẩn” tài sản của mình vào nhóm người thân làm việc trong khối tư nhân là đối tượng chưa quản lý được tài sản thu nhập..
Được biết hiện nay Thanh tra Chính phủ đang xây dựng “Đề án cơ sở dữ liệu về minh bạch, tài sản thu nhập” mà Cục Chống tham nhũng chính là đơn vị chủ trì soạn thảo. Dư luận rất đồng tình với Đề án này vì nó có tác dụng phòng ngừa ngăn chặn tham nhũng ngay từ gốc, thông qua cơ chế giám sát tài sản, thu nhập. Xin ông chia sẻ thêm về Đề án này!
“Đề án cơ sở dữ liệu về minh bạch, tài sản thu nhập” được Chính phủ giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ ngành liên quan nghiên cứu xây dựng. Đây sẽ là cơ sở, tiền đề để nghiên cứu sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng sang năm.
Tôi có thể chia sẻ một số nội dung chính mà Đề án này đang nghiên cứu. Đó là nghiên cứu thu hẹp đối tượng cần kê khai tài sản thu nhập để khoanh vùng quản lý, như trên vừa nói. Thứ hai: Thực hiện xác minh các nội dung kê khai. Thứ ba: Đã kê khai là phải công khai. Hiện nay đề án đang tập trung công khai việc kê khai ở cấp cơ quan công tác, và nghiên cứu thêm cả phương án kê khai ở cấp nơi cư trú rồi tiếp tục nâng lên mức: kê khai đối với toàn dân. Thứ tư: Đề án nghiên cứu và đề xuất các biện pháp xử lý nghiêm các hành vi kê khai không trung thực. Hiện tại chúng ta mới chỉ dựa vào biện pháp tự kê khai, tự chịu trách nhiệm, do đó hiệu quả không cao. Bây giờ phải tiến tới, nếu kê khai sai thì bị xử lý: không cất nhắc đề bạt gì nữa, thậm chí xử lý theo pháp luật.
Tôi cũng nhận quà biếu chứ, nhưng…
Xin hỏi ông câu cuối cùng: ông có nhận quà biếu không? Làm thế nào ông phân biệt được giữa quà biếu tình cảm và quà biếu hối lộ?
"Không có vùng cấm, đối tượng cấm trong phòng chống tham nhũng"
Tôi nhận chứ, bạn bè tôi đi nước ngoài về xách cho tôi chai rượu, hội đồng hương hay họ hàng ở quê cho con gà, chục trứng. Rồi tết nhất người ta quý người ta cho cành đào, cây quất, cái đó là truyền thống văn hóa dân tộc, sao tôi lại không nhận? Thậm chí bạn bè tôi, nếu thích họ còn cho tôi cả tiền.
Vấn đề là nhận cái gì và nhận của ai. Cái đó với nhãn quan làm nghề, tôi rõ lắm. Ví dụ tự dưng có người 5-7 năm không gặp bỗng nhiên lại đến gõ cửa cho quà cáp, thì mình phải thận trọng. Hoặc nói thẳng ra, cũng đã có một vài công ty, tập đoàn lấy cớ tết nhất đến biếu tôi quà cáp giá trị hoặc phong bì, thì tôi xin lỗi tôi không nhận được. Cái nào ra cái đó. Không lý gì tôi lấy của anh rồi ăn tết xong, ra giêng tôi thanh tra anh, thế nên tốt nhất là không nhận những trường hợp đó.
Xin cảm ơn ông!