“Cử tri muốn Quốc hội có tuyên bố riêng về Biển Đông“

Các ĐBQH cho rằng, dù Quốc hội, Chính phủ khẳng định lập trường về vấn đề Biển Đông, nhưng cử tri vẫn mong muốn có một tuyên bố riêng về vấn đề này.
Trung Quốc bồi lấp, xây đảo nhân tạo trái phép và triển khai quân đội tại Biển Đông khiến tình hình khu vực căng thẳng
Trung Quốc bồi lấp, xây đảo nhân tạo trái phép và triển khai quân đội tại Biển Đông khiến tình hình khu vực căng thẳng

“Khó ăn khó nói khi cử tri hỏi về Biển Đông” là điều mà ĐBQH Trần Đình Long (Đăk Nông) trăn trở khi góp ý ở tổ về 6 báo cáo công tác nhiệm kỳ của Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao và Kiểm toán Nhà nước.

Vị ĐB đến từ Đăk Nông chia sẻ, trước những hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông đã tới lúc chúng ta phải xem xét và đánh giá lại.

“Tại sao Quốc hội không có nghị quyết chính thức về vấn đề Trường Sa, Hoàng Sa, trong khi Mỹ, các nước EU đều chính thức có ý kiến. Là một Đảng viên, một ĐBQH, tôi cũng thấy tâm tư lắm, không biết nói với cử tri thế nào khi cử tri hỏi về Trường Sa, Hoàng Sa” - ĐB Long tâm tư.

Còn theo ĐB Lê Minh Thông (Thanh Hoá) - Phó Tổng thư ký Quốc hội, dù Quốc hội, Chính phủ đã khẳng định lập trường về Biển Đông và có những động thái nhất định, nhưng cử tri đều muốn có tuyên bố về vấn đề Biển Đông. 

“Cử tri muốn Quốc hội có tuyên bố riêng về Biển Đông“ ảnh 1
Phó Tổng thư ký Quốc hội Lê Minh Thông - ĐBQH tỉnh Thanh Hoá

“Có cảnh giác đến mấy thì chúng ta cũng không thể nghĩ Trung Quốc lại kéo giàn khoan đến, khiến chúng ta đứng trước nguy cơ chiến tranh. Trong tình huống này Quốc hội đã phản ứng rất bình tĩnh. Nhưng nhiều cử tri đặt câu hỏi vì sao chúng ta không có tiếng nói mạnh mẽ hơn và thể hiện khát vọng của chúng ta về bảo vệ chủ quyền. Cử tri muốn có tuyên bố riêng, nghị quyết riêng về Biển Đông” – ĐB Lê Minh Thông nói.

Thừa nhận những việc đã làm được trong nhiệm kỳ 5 năm qua của Quốc hội, nhưng vấn đề bảo vệ chủ quyền không được "tô đậm" trong báo cáo cũng là điều khiến ĐBQH Võ Thị Dung (TP.Hồ Chí Minh) trăn trở.

Theo ĐB Võ Thị Dung, tại kỳ họp lần này kiến nghị của cử tri cả nước mà Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam tập hợp tiếp tục phản ảnh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân mong muốn Đảng, Quốc hội, Chính phủ phải quyết tâm hơn nữa, làm rõ cho toàn dân biết chủ trương đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước trong giai đoạn đang có nhiều thách thức phức tạp. “Nhưng trong báo cáo công tác nhiệm kỳ của Quốc hội lại không nêu rõ” – bà Dung tâm tư.

“Quốc hội nhiệm kỳ vừa rồi làm được nhiều việc nhưng đáng tiếc là vấn đề liên quan tới chủ quyền quốc gia, nếu có thêm quyết sách của Quốc hội cùng Đảng, Chính phủ công bố với toàn dân, đặc biệt là trong thời điểm thách thức của Trung Quốc với chúng ta, thì nhân dân và cứ tri sẽ hài lòng hơn” – ĐB Võ Thị Dung băn khoăn.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) thì bày tỏ, 10 năm qua chính là thời gian chúng ta xây dựng môi trường hoà bình trên Biển Đông và giờ đây chính là lúc phải chuẩn bị điều kiện để bảo vệ chủ quyền ở mức cao hơn.

“Thế nhưng, chúng ta đã xao nhãng, chưa chuẩn bị đúng mức. Khi tình hình căng thẳng mới vội vàng chuẩn bị. Chúng ta đã bỏ lỡ thời cơ, mà thời cơ thì không trở lại” – ĐB Nghĩa tiếc nuối.

Ông Nghĩa cũng cho rằng, các báo cáo công tác nhiệm kỳ ngoài nêu đầy đủ các con số, thì phải đánh giá tương xứng nỗ lực của người lao động, nông dân, công nhân, chiến sĩ... đã làm tất cả, chịu đựng tất cả trong nhiều thời điểm thách thức của đất nước.

“Báo cáo nhiệm kỳ phải có sự cám ơn các tầng lớp nhân dân đã ủng hộ Quốc hội, Chính phủ trong nhiều thời điểm, tình huống khác nhau để gìn giữ chủ quyền quốc gia”- ông Nghĩa khảng khái.

Theo Infonet