Cú hích nào cho công nghệ số Việt Nam?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Nam có thị trường trẻ và đủ lớn để có thể nhanh chóng thương mại hóa các ý tưởng số mới, nhiều doanh nghiệp công nghệ số năng động, chỉ cần thêm một cú hích từ Chính phủ…
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Diễn đàn lớn nhất năm của các doanh nghiệp công nghệ số.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Diễn đàn lớn nhất năm của các doanh nghiệp công nghệ số.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số - đã đưa ra đề nghị với người đứng đầu Chính phủ tại Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số lần thứ III, trước sự theo dõi của đại diện các doanh nghiệp công nghệ số, cộng đồng nghiên cứu phát triển công nghệ, các nhà quản lý và đầu tư.

Khẳng định Việt Nam gần như đã sẵn sàng cho một sự phát triển số mạnh mẽ: Một thị trường trẻ và đủ lớn để có thể nhanh chóng thương mại hóa các ý tưởng số mới, nhiều doanh nghiệp công nghệ số năng động, nhưng Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng vẫn đang thiếu cú hích từ Chính phủ.

Bộ trưởng Hùng chỉ ra, cú hích chính là việc hoàn thiện thể chế số, hợp pháp hóa các tài sản số, sản phẩm và dịch vụ số, mở ra không gian đổi mới cho các doanh nghiệp công nghệ số, cho phép họ thử nghiệm trước khi đưa vào quản lý. Cùng với đó, Chính phủ tiêu dùng công nghệ số nhiều hơn và chính phủ cũng đầu tư nhiều hơn vào công nghệ số.

Người đứng đầu ngành Thông tin và Truyền thông chỉ ra, chuyển đổi số tạo ra 3 xu thế lớn: phi trung gian hóa, phi tập trung hóa, phi vật chất hóa.

Trong đó, Phi trung gian hóa thông qua kinh tế nền tảng như các sàn thương mại điện tử; Phi tập trung hóa thông qua kinh tế chia sẻ như dịch vụ gọi xe công nghệ; Phi vật chất hóa là ảo hóa các sản phẩm và dịch vụ vật lý như sách điện tử, âm nhạc số, thực tế ảo.

“Cả 3 xu thế này đều làm cho nền kinh tế trở nên hiệu quả hơn và nâng cao năng lực cạnh tranh” – Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Cùng với đó, Bộ trưởng Hùng cho rằng, kinh tế số là nền kinh tế dựa trên dữ liệu. Vì vậy, chính sách về dữ liệu có vai trò quyết định cho kinh tế số. Dữ liệu là một loại đất đai mới. Việc canh tác bằng công nghệ số sẽ tạo ra giá trị.

“Chuyển đổi số tạo ra một loại đất đai mới, có người gọi là tài nguyên, có người gọi là dầu mỏ. Trong suốt chiều dài lịch sử, con người chỉ sử dụng tài nguyên mà chưa bao giờ tạo ra tài nguyên. Chính phủ sẽ có chiến lược về dữ liệu, tạo ra nhiều dữ liệu hơn và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khai thác và mang lại giá trị. Đi cùng với đó là quy định của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân” – Bộ trưởng nói.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các thành viên Chính phủ và cộng đồng công nghệ số lắng nghe nội dung trao đổi của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các thành viên Chính phủ và cộng đồng công nghệ số lắng nghe nội dung trao đổi của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng.

Chuyển đổi số là sáng tạo của toàn dân. Để phát huy sức mạnh toàn dân, cách tốt nhất là công bố bài toán chuyển đổi số ở tầm Quốc gia, bộ ngành, địa phương cũng như doanh nghiệp. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ là đầu mối để công bố các bài toán về chuyển đổi số Việt Nam.

Chuyển đổi số là cái mới nên chia sẻ về cái mới thành công là cách tốt nhất để lan tỏa và đi nhanh. Không chỉ chia sẻ thành công mà các dự án thất bại, bài học thất bại. Một trang web quốc gia chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số sẽ được thiết lập.

Doanh nghiệp công nghệ số là hạt nhân, là nòng cốt để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, để chuyển đổi tất cả các doanh nghiệp Việt Nam thành doanh nghiệp số, mọi tổ chức Việt Nam thành tổ chức số, mọi công dân Việt Nam thành công dân số. Nhưng doanh nghiệp cần thị trường, cần được tiếp cận và tham gia vào các dự án chuyển đổi số của cả nhà nước và các doanh nghiệp. Việc Bộ Thông tin và Truyền thông công khai các dự án chuyển đổi số sẽ góp phần thúc đẩy chuyển đổi số.

Để thúc đẩy chuyển đổi số đi nhanh, đúng hướng, một bộ chỉ số để đo lường và đánh giá về chuyển đổi số là rất quan trọng. Việt Nam đã ban hành bộ chỉ số, tiến hành đánh giá và công bố lần đầu về chuyển đổi số chính quyền bao gồm các bộ ngành và địa phương. Bộ chỉ số đo lường kinh tế số, xã hội số do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì và Bộ chỉ số đánh giá về chuyển đổi số các doanh nghiệp do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì sẽ ban hành trong năm nay.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, năm 2021 là một năm nhiều thách thức do đại dịch bùng phát, tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp và doanh thu của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam vẫn tăng trưởng.

Cụ thể, Việt Nam hiện có 64.000 doanh nghiệp công nghệ số. Năm 2021, doanh thu của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đạt trên 135 tỷ USD, tăng trưởng gần 10%. Đặc biệt, năm 2021 đã có nhiều hơn các sản phẩm số Việt Nam tiêu biểu, hướng vào giải các bài toán trong nước, có nhiều hơn số sản phẩm ra nước ngoài và thứ hạng Việt Nam về công nghệ số đã tăng lên.

Việt Nam sẽ trở thành một điểm sáng về phát triển kinh tế

Cũng tại sự kiện này, ông Nguyễn Văn Khoa - Tổng Giám đốc FPT chỉ ra một thống kê vào tháng 10/2021: Có đến 50% doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, gần 100.000 DN đóng cửa. Đây là con số vô cùng đau thương. Nhưng đau thương hơn nữa là có tới hơn 50% lao động mất việc; 60% lao động không có nguồn tiết kiệm hỗ trợ cuộc sống. Đặc biệt đây là những người lao động dễ bị tổn thương nhất.

Ông Nguyễn Văn Khoa - Tổng Giám đốc FPT

Ông Nguyễn Văn Khoa - Tổng Giám đốc FPT

“Trong suốt thời gian vừa qua doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn và khó ứng xử. Tôi dùng từ ‘khó ứng xử’ vì ứng xử khó nhất là ứng xử với những người lao động của mình làm sao để họ yên tâm công việc, làm sao để họ có việc làm và đảm bảo an toàn sức khỏe” – Tổng Giám đốc FPT bày tỏ.

Công nghệ sẽ giúp doanh nghiệp chống dịch và bứt phá trong bình thường mới, chính là Vaccine công nghệ. Vaccine công nghệ không chỉ giúp tăng sức để kháng của doanh nghiệp mà từ đó góp phần phục hồi và tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế số và giải quyết an sinh xã hội. Đại diện FPT cũng cho biết giải pháp này sẽ hỗ trợ chính quyền trong công tác phòng chống dịch để phục vụ chính quyền số với mục tiêu giảm thiểu tử vong, phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.

Ông Khoa cũng cho biết, hiện đã có hơn 3.000 doanh nghiệp đã tiếp cận các giải pháp vaccine công nghệ này. Đây là kết quả của sự khái quát hóa kinh nghiệm trên toàn cầu, với gần 20.000 kỹ sư làm ra các sản phẩm nhanh nhất để phục vụ doanh nghiệp. Đây là “giải pháp Make in Việt Nam, được làm bởi bàn tay khối óc của người Việt Nam”.

Với sứ mệnh thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, FPT cam kết ra đời các vaccine số dựa trên nền tảng công nghệ lõi và FPT cũng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cùng nhau hợp lưc để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, kiến tạo một quốc gia hùng cường và đặc biệt xây dựng một chính quyền số dựa trên 3 trụ cột vững chắc là chính phủ số, xã hội số và kinh tế số.

“Bằng công nghệ chúng tôi tin tưởng và cam kết, Việt Nam sẽ trở thành 1 điểm sáng về phát triển kinh tế thế giới trở thành điểm đến hấp dẫn về dầu tư nước ngoài’ - Tổng Giám đốc FPT khẳng định.