UBND TP.HCM họp khẩn với các trường đại học trên địa bàn:

Nên đi học lúc nào, bài toán cân não chống dịch COVID-19

VietTimes – Sáng nay 6/3, UBND TP.HCM đã có cuộc họp khẩn với Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học (ĐH) trên địa bàn về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Câu hỏi nên đi học lúc nào đặt ra xuyên suốt cuộc họp, nhưng không dễ trả lời khi ngay giữa các Hiệu trưởng, vẫn có ý kiến trái chiều. 

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo cuộc họp (Ảnh: Sỹ Đông)
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo cuộc họp (Ảnh: Sỹ Đông)

Thiệt hại nhiều nhưng nguy cơ tạo ổ dịch rất cao

Sau khi điểm lại tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới ngày càng diễn biến nghiêm trọng, khó lường, ông Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết: “TP.HCM đã nhập 10.000 bộ test, nên không thiếu. Bệnh nhân COVID-19 được miễn phí toàn bộ chi phí khám, chữa bệnh. Hệ thống cảnh báo của chúng ta hoạt động rất tốt, không bỏ sót. Một số trường hợp cố tình trốn đã được phát hiện và báo cáo từ cộng đồng, nên đều được đưa về nơi cách ly. Chúng ta đã cố gắng làm tốt nhất để hạn chế kẽ hở. Trong khi đó, như ý kiến của PGS.TS Huỳnh Thành Đạt -  Giám đốc ĐHQG, sinh viên, học sinh đi học là nguy cơ tạo ổ dịch rất cao. Chống dịch như chống giặc, không thể chủ động chỗ này nhưng lại chủ quan chỗ khác”.

PGS.TS Trần Hoàng Hải – Phó Hiệu trưởng Phụ trách ĐH Luật TP.HCM - bày tỏ: “Là lãnh đạo các Trường ĐH, chúng tôi cũng rất lo lắng. Tất nhiên không thể nào để trường đóng cửa mãi, nhưng với tinh thần tuân thủ chỉ đạo của lãnh đạo UBND TP.HCM, chúng tôi cũng đã rất cân nhắc, tùy từng đối tượng để đưa các em trở lại trường.

Phải phân loại sinh viên, những đối tượng nào có thể lui lại được thì lui, đối tượng nào buộc phải hoàn thành chương trình học thì vẫn phải làm. Trường ĐH Luật TP.HCM đã cho sinh viên năm cuối đi học lại từ 2/3. Cả ngàn sinh viên đến từ nhiều vùng miền, nên chúng tôi cũng phải làm rất kỹ. Hàng ngày đều kiểm tra, đo thân nhiệt của các em, khử trùng các giảng đường, KTX. Nhưng tỷ lệ đi học không cao, vì sinh viên vẫn sợ dịch.

Đến ngày 15/3 tới, nhiều trường trên địa bàn TP.HCM sẽ cùng đi học, từ giờ đến đó chỉ còn 1 tuần, nên ở cuộc họp này, chúng tôi muốn xem hướng tiếp theo thế nào để có quyết định chính xác cho thời gian tới là đi học vào 15/3 hay là nghỉ hết tháng 3. Không thể cứ thứ 2 đi học rồi mà đến chiều thứ bảy vẫn còn chưa nhận được thông báo cụ thể” – PGS.TS Trần Hoàng Hải nêu ý kiến.

Đại diện ĐH Ngân hàng trăn trở: “Chúng tôi cũng rất lo trước tình trạng dịch bệnh hiện tại nhưng nghỉ hết tháng 3 thì lịch tuyển sinh cho năm sau sẽ không kịp, hơn nữa, còn là bài toán kinh tế rất lớn. Như ĐH Ngân hàng là trường tự chủ, sinh viên không đi học thì không thu học phí, nhà trường phải lấy quỹ nào ra để trả lương cán bộ, giáo viên? Nếu tính 600.000 sinh viên trên toàn thành phố, thì mỗi tháng ngành giáo dục của thành phố đã mất khoảng 4.000 tỉ đồng. ĐH Ngân hàng đề nghị nếu đến 16/3 mà tình hình ổn thì nên cho các trường đi học trở lại”.

Phun khử trùng, sát khuẩn và công tác phòng dịch COVID-19 tại nhiều trường ĐH trên địa bàn TP.HCM (Ảnh: Hòa Bình)
Phun khử trùng, sát khuẩn và công tác phòng dịch COVID-19 tại nhiều trường ĐH trên địa bàn TP.HCM (Ảnh: Hòa Bình)

Thể hiện đạo đức ngành y

Bày tỏ trách nhiệm xã hội của mình, PGS.TS Trần Diệp Tuấn - Hiệu trưởng ĐH Y Dược TP.HCM và PGS.TS Ngô Minh Xuân - Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cùng nói lên trăn trở: 

ĐH Y Dược TP.HCM và ĐH Y Phạm Ngọc Thạch đều đảm bảo vệ sinh sát khuẩn để chuẩn bị đón sinh viên quay trở lại trường, công tác hướng dẫn sinh viên phòng chống dịch đầy đủ, nhưng nhận được chỉ đạo của UBND, cả hai trường đã ngưng lịch học lại với tinh thần chống dịch phải nhất quán. Đi học vào thời điểm nào đúng là việc hết sức khó khăn cho các thầy cô phải chịu trách nhiệm về các trường.

"Riêng khối trường ĐH Y, chúng tôi có suy nghĩ rằng, giả sử như cần huy động nguồn lực để chăm sóc cho vài chục ngàn ca nhiễm thì nguồn lực đó chắc chắn là từ sinh viên các trường ĐH thuộc nhóm ngành sức khỏe. 

Cũng như sinh viên ĐH Y Hà Nội đã đi học từ ngay sau Tết và đến giờ vẫn chưa xảy ra vấn đề gì. Đây là công tác chuẩn bị nguồn lực, các em cần được tập huấn để chuẩn bị cho việc đối mặt với dịch bệnh. Đề nghị Sở Y tế chỉ đạo các BV tiếp nhận sinh viên để hỗ trợ trong giai đoạn cần”.

Đại diện nhiều trường ĐH thống nhất với các trăn trở: “Đi học vào thời điểm nào là quyết định không dễ dàng. Nỗ lực quyết tâm của cả nước kiên quyết tạo môi trường an toàn cho người học là cần thiết. Phòng ngừa bệnh dịch COVID-19 nên thống nhất. Bộ GD&ĐT cho các trường tự chủ nhưng bắt buộc phải theo chỉ đạo chung.

"Vì không có trường ĐH nào nắm được các thông tin chuyên  môn như Sở Y tế. Chứ giả sử trường cho đi học nhưng cha mẹ học sinh, sinh viên chưa yên tâm thì sẽ xảy ra cảnh 50% học sinh sinh viên đi học, 50% còn nghỉ, thầy cô không biết giải quyết thế nào với tình trạng này. Trường này đi học trường kia không, thì cũng bị cảnh sinh viên nhìn sang các trường khác".

Phun khử trùng giảng đường tại ĐH Y Dược TP.HCM (Ảnh: ĐHY)
Phun khử trùng giảng đường tại ĐH Y Dược TP.HCM (Ảnh: ĐHY)


Phải có sự thống nhất

GS. TS Nguyễn Đông Phong - Hiệu trưởng ĐH Kinh tế TP.HCM - cho rằng: “Nên thể hiện quyết tâm chung, chống dịch phải thống nhất, đã đi học thì tất cả cùng đi. Không nên để diễn ra cảnh một số trường cho học sinh đi học, xong lại nhận quyết định của UBND, lại phải điều chỉnh. Hiện tại, một số trường đã thông báo cho sinh viên nghỉ hết 8/3, đề nghị UBND cho quyết định sớm để tránh cảnh sinh viên các trường mua vé trở lại trường ngày nghỉ rồi lại nhận được thông báo nghỉ tiếp, lại tốn tiền quay về quê”.

PGS.TS Hồ Thanh Phong - Hiệu trưởng ĐH Quốc tế Hồng Bàng - nhất trí rằng thống nhất hành động sẽ mang lại ổn định xã hội. “Nếu thống nhất thì giả sử có sinh viên nào nhiễm bệnh, trường vẫn đóng cửa nhưng trường không bị "quy tội". Hơn nữa, chính đối tượng sinh viên cần quyết định tương lai của mình.

"Chúng tôi đã tính tới phương án rút ngắn bài học. Chúng tôi cũng được biết là nhiều trường ĐH đã tiến hành giảng dậy online. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là làm sao cho các em nhận thức được hoàn cảnh, điều kiện, và toàn ngành có được sự thống nhất. ĐH Hồng Bàng cũng đề nghị thời điểm đi học của sinh viên từ 15/3”.

PGS.TS. Huỳnh Thành Đạt - Giám đốc ĐHQG TP.HCM - cho biết đã lấy ý kiến của 7 Hiệu trưởng các ĐH thành viên trước khi đến cuộc họp. PGS.TS Huỳnh Thành Đạt kiến nghị: “Việc đi học trở lại của sinh viên TP.HCM buộc phải nghĩ đến sinh mạng của 10 triệu đồng bào chứ không phải chỉ nghĩ đến riêng 600.000-700.000 sinh viên.

"Nếu có dịch bùng phát thì lây lan trong cộng đồng ĐH, đặc biệt trong các KTX là rất mạnh mẽ. Chỉ riêng KTX của ĐHQG TP.HCM đã có tới khoảng 40.000 sinh viên tới từ rất nhiều tỉnh thành, trong đó có 58 em sinh viên quốc tế, có cả Trung Quốc, Lào, Campuchia. Cũng may là 58 em này ở tại KTX từ trước Tết, không về quê.

ĐH KHXHNV có hơn 1.000 sinh viên Hàn Quốc, đều đã quay về quê ăn Tết, vì đã thông báo sớm nên các em chưa quay lại. Tuy nhiên, nếu cho đi học trở lại thì hơn 1.000 sinh viên Hàn Quốc và cả sinh viên Trung Quốc nữa cũng sẽ sang để đi học. Các em sẽ vào ở trong KTX. Thực sự, ĐHQG TP.HCM cũng chưa biết ứng xử với số sinh viên quốc tế này thế nào.

PGS.TS Huỳnh Thành Đạt ngồi bên trái ảnh, bên cạnh Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đang phát biểu (Ảnh: Sỹ Đông)
PGS.TS Huỳnh Thành Đạt ngồi đầu tiên bên trái ảnh, bên cạnh Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đang phát biểu (Ảnh: Sỹ Đông)


Chủ trương của Chính phủ và như Thủ tướng chỉ đạo, chúng ta phải chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế. ĐHQG TP.HCM cũng đã lấy ý kiến thống nhất của 7 Hiệu trưởng các trường thành viên, chúng tôi đồng thuận thống nhất riêng ĐHQG TP.HCM cho sinh viên nghỉ hết tháng 3” - PGS.TS Huỳnh Thành Đạt nói.

ĐHQG TP.HCM kiến nghị thành phố có thể sử dụng khu giáo dục quốc phòng cũng ở ngay gần KTX ĐHGQ nhưng tách biệt, với quy mô 3.000 giường, sẽ phù hợp để làm khu cách ly hơn là đưa người vào trong KTX.

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh nhất trí với các ý kiến đề nghị thời điểm cho sinh viên đi học lại từ 15/3.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Lê Thanh Liêm phân tích: “Mới sáng nay 6/3 có 86 nước có dich, nhưng đến giờ đã là 91 nước. Chỉ cần một trường hợp như khách Nhật quá cảnh TP.HCM hôm vừa rồi là đã căng thẳng. UBND muốn cho học sinh đi học, nhưng chống dịch như chống giặc.

"Lúc này đi học, chỉ cần có một học sinh bị nhiễm bệnh, chắc chắn sẽ đóng cửa trường, và còn phải cách ly cả mấy trăm hoặc ngàn con người. Chắc chắn không có trường nào muốn điều này. Nhưng bây giờ không phải lúc bỏ cuộc, cũng không phải lúc đưa ra những lời bào chữa mà là lúc dồn hết toàn lực để chống dịch. Ưu tiên hàng đầu là sinh mạng con người”.