Đó là ý kiến của chuyên gia Stefan Sjöström, hiện đang là Phó chủ tịch khu vực công của Microsoft châu Á, phụ trách giám sát các hoạt động bán hàng và phát triển thị trường cho Chính phủ, An toàn công cộng & An ninh quốc gia, Y tế và Giáo dục trên khắp khu vực. VietTimes xin được giới thiệu quan điểm của ông về một thành phố thông minh.
Thành phố Thông minh chính là sự tiến hoá
Ông vốn lớn lên ở Stockholm, Thụy Điển, có tầm nhìn về phát triển thế giới gắn liền với sự phát triển bền vững và công nghệ. Nổi tiếng là một thành phố xanh - sạch - đẹp và cam kết sử dụng kỹ thuật số trong việc quản lý, Stockholm đã được mệnh danh là một trong 10 thành phố thông minh nhất ở châu Âu. Stockholm thậm chí còn vạch ra định hướng triển khai công nghệ để giải quyết các vấn đề đô thị hóa – chẳng hạn như nhà ở và giao thông vận tải, trong quy hoạch thành phố thông minh Tầm nhìn đến năm 2030.
Tuy nhiên, Sjöström chỉ thực sự bị ấn tượng bởi tác động của công nghệ theo một cách rất cá nhân 12 năm trước: "Tôi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vòm họng, và suốt 8 ngày sau đó tôi thực sự không biết liệu tôi còn lại 3 tuần, 3 tháng hay 3 năm nữa để sống – tôi đã hoàn toàn bị mất phương hướng", ông kể lại.
Sau khi được điều trị, Sjöström đã nhận ra việc chẩn đoán sớm đã tạo sự khác biệt hoàn toàn giữa sự sống và cái chết cho ông như thế nào – và có thể làm như vậy cho tất cả mọi người khác nếu họ được tiếp cận với công nghệ hỗ trợ. Và cách tạo nhiều tác động nhất là dân chủ hóa công nghệ vì lợi ích của công chúng.
Chuyến đi Lào cùng vợ ông vài năm trước đây đã thúc đẩy thêm mong muốn của Sjöström về việc cống hiến nhiều hơn cho cộng đồng, đặc biệt là ở châu Á, nơi mà nhiều quốc gia còn ít được tiếp cận công nghệ. Dự định ban đầu chỉ là một kỳ nghỉ nhân dịp về hưu, nhưng hoàn cảnh của người dân tại ngôi làng hẻo lánh nơi họ ghé thăm khiến ông nhận ra rằng vẫn còn nhiều điều nữa mà ông muốn thực hiện.
"Họ phải vật lộn với quần áo, vật lộn với điện và nước sạch, v.v. và tôi cảm thấy rất bất lực, bởi vì tôi hầu như không thể giúp được gì khi là khách du lịch. Khi Microsoft mời tôi về chỉ đạo bộ phận thu hút sự tham gia của khu vực công ở châu Á và làm việc với các chính phủ và lãnh đạo thành phố để rút ra giá trị từ công nghệ, tôi thấy đây chính là cơ hội để tôi có thể tạo sự khác biệt. Cùng với động lực mong muốn làm những điều tốt đẹp, đó là một cơ hội tuyệt vời để tôi có thể đền đáp lại cho cộng đồng", ông cho biết.
Hiện nay, ông dành khá nhiều thời gian để chứng minh với các lãnh đạo tại khu vực châu Á Thái Bình Dương tại sao có thể tận dụng công nghệ như một nhân tố làm thay đổi xã hội và cộng đồng.
Ngay trong năm 2015, ông Sjöström đã chỉ đạo chương trình giới thiệu cho các quan chức chính phủ cấp cao cách thức công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) có thể được sử dụng để chống lại nạn buôn bán người. Hợp tác với Tổ chức Di dân quốc tế (IOM) và các chuyên gia từ một số cơ quan LHQ và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), ông đã chỉ đạo ra mắt cổng thông tin gọi vốn cộng đồng, www.6degree.org, với mục đích gây quỹ nhằm giúp các nạn nhân buôn người được hồi hương.
Một trong những điều đã thôi thúc ông Sjöström nhất kể từ khi đảm trách vai trò phụ trách giám sát các hoạt động bán hàng và phát triển thị trường cho Chính phủ, An toàn công cộng & An ninh quốc gia, Y tế và Giáo dục của Microsoft trên khắp châu Á là khái niệm Thành phố Thông minh cần mang một ý nghĩa mới trong thế giới kỹ thuật số ngày nay. Trong khi trước đây khái niệm này thường chỉ mang nghĩa là tiếp cận các công nghệ, thì nay đã phát triển và trở nên thú vị hơn qua sự hợp lưu của các công nghệ điện toán đám mây và kỹ thuật số. Hiện nay, sẽ chính xác hơn khi định nghĩa một thành phố thông minh dựa theo cách thức nó khai thác điện toán đám mây để cung cấp dịch vụ cho người dân theo cách linh hoạt, có khả năng mở rộng và an toàn.
"Đây không phải là một cuộc cách mạng, mà là một sự tiến hóa. Bạn càng thu được nhiều giá trị từ công nghệ, thì cuộc sống của tất cả mọi người sẽ càng trở nên tốt hơn", ông nói.
Ông Sjöström trích dẫn ví dụ về Singapore, quốc gia đang áp dụng các công nghệ đám mây để xây dựng giải pháp cho các vấn đề đáng chú ý như lũ quét: "Những gì thành phố đã thực hiện đó là công bố các Giao diện lập trình ứng dụng (API) để các nhà phát triển phần mềm có thể truy cập các camera CCTV và cảm biến nước. Từ đó xây dựng các giải pháp để cho phép các chủ tiệm biết mực nước tại Singapore vào bất cứ thời điểm nào, và cảnh báo cho họ khi mực nước dâng quá cao để tránh thiệt hại hàng tồn kho".
Xóa bỏ khoảng cách số thông qua điện thoại thông minh
Camera gắn trên người là một ví dụ tuyệt vời khác về cách công nghệ có thể giúp định hướng các vấn đề và hành vi xã hội theo cách tích cực và mang tính xây dựng, ông Sjöström cho biết.
"Tại Hoa Kỳ, thực tế cho thấy camera gắn trên người đã giúp cảnh sát giảm đáng kể các sự cố họ gặp phải. Nếu bắt được vụ nào đó, bằng chứng được thu thập và trình bày rõ ràng, và điều đó giúp đưa ra quyết định đúng đắn hơn và nhanh hơn", ông cho biết.
Nhưng Sjöström nhanh chóng nhận ra rằng những sự đổi mới theo định hướng điện toán đám mây không chỉ dành cho các nước đã phát triển. Trong thế giới kỹ thuật số hiện nay, công nghệ nên là yếu tố mang lại cơ hội và lợi thế công bằng, và trao quyền cho các nước mới nổi để ước mơ lớn hơn so với trước đây. Ông đặc biệt là hy vọng sẽ xóa bỏ được khoảng cách số thông qua điện thoại thông minh, chính là thiết bị mà hầu hết mọi người trong các thị trường này đều dùng để truy cập internet. Thiết bị này còn giúp thực hiện các giao dịch ngân hàng, giúp người dân tiếp cận dễ dàng hơn tới các ngân hàng.
Sự lạc quan của ông Sjöström là có cơ sở; như một phần trong vai trò của mình, ông làm việc với rất nhiều thị trưởng thành phố để tổ chức các 'appathon' – sự kiện nơi giới trẻ tại địa phương phát triển các ứng dụng di động mà có thể giải quyết các vấn đề tại các thành phố của họ và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ông Sjöström nhớ lại lần đặc biệt bị ấn tượng bởi M-Bonk, tại sự kiện Microsoft CityApp Appathon tổ chức tại thành phố Sidoarjo, Indonesia, vào tháng 10 năm 2015. Ứng dụng di động này cho phép người dân báo cáo điều kiện đường xá nghèo nàn đến các cơ quan chính quyền để họ có hành động nhanh chóng. Với ứng dụng này, người dân có thể tag và gửi báo cáo hoặc hình ảnh về các vấn đề như ổ gà bằng cách sử dụng điện thoại thông minh của họ.
"Tôi nghĩ rằng M-Bonk là một ví dụ tuyệt vời của phương pháp tiếp cận hướng tới công nghệ và đặt người dân lên trên hết. Sự chuyển đổi thật sự chỉ có thể đạt được nếu công nghệ cho phép sự hợp tác và thu hút sự tham gia của người dân", ông cho biết.