Công nghệ có làm cho thế giới tốt đẹp hơn?

VietTimes -- Với tình hình thế giới hiện nay, đôi khi chúng ta cảm thấy thật khó để lạc quan. Môi trường có quá nhiều vấn đề và một nửa thế giới đang đóng băng hoặc xung đột với nhau. Nhưng cũng có nhiều lý do để cảm thấy lạc quan, bởi công nghệ đang giúp chúng ta giải quyết mọi thảm họa. Đây là cách mà công nghệ sẽ giải cứu thế giới.
Ảnh minh họa (The Pinsta)
Ảnh minh họa (The Pinsta)

Công nghệ và tuổi thọ con người

Nói về mặt y tế, thì đây là giai đoạn tốt nhất trong lịch sử loài người: tuổi thọ con người hiện nay cao hơn rất nhiều so với tổ tiên chúng ta, và phần lớn sự thay đổi đó diễn ra trong bốn thế hệ gần đây nhất: tuổi thọ của phần đông người dân trên thế giới đã tăng gấp đôi từ năm 1900 lại nay.

Công nghệ không phải giúp chúng ta tránh được cái chết, nhưng nó giúp chúng ta giải quyết nhiều nguyên nhân gây chết người
Công nghệ không phải giúp chúng ta tránh được cái chết, nhưng nó giúp chúng ta giải quyết nhiều nguyên nhân gây chết người

Công nghệ đang tiếp tục giúp chúng ta tìm ra nhiều phương pháp mới để kéo dài tuổi thọ, và mang lại một cuộc sống tốt đẹp hơn. Công nghệ chỉnh sửa hệ gen với các phân tử có rất nhiều tiềm năng để giúp loại bỏ các bệnh di truyền và chống lại bệnh ung thư; các tuyến tụy nhân tạo có thể làm thay đổi cuộc sống của những người bị bệnh tiểu đường; và công nghệ phân tích “dữ liệu lớn” (big data) giúp tìm ra các biện pháp điều trị mà hiện nay con người đang vô phương cứu chữa. Chúng ta cũng bắt đầu thấy các thiết bị đeo tay cứu được cuộc sống của nhiều người bằng cách cảnh báo cho họ về tình trạng sức khỏe mà trước đây họ hoàn toàn không biết, đồng thời các nền tảng như ResearchKit của Apple có thể cung cấp cho các nhà nghiên cứu lượng thông tin to lớn chưa từng có về tất cả các tình trạng sức khỏe của con người.

Công nghệ và các dịch bệnh

Dịch bệnh là những bệnh gây chết người và lây lan nhanh như là dịch hạch, dịch Cái Chết đen. Hiện nay những dịch bệnh này không còn quá đáng lo ngại, nhưng các dịch bệnh như ebola, HIV và cúm gia cầm cho thấy chúng ta cũng không được quá chủ quan. Bóng ma dịch bệnh từ tự nhiên và do con người tạo ra đã gây tử vong cho hàng triệu người là những vấn đề mà các chuyên gia đang đặc biệt lưu tâm.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã nói về bốn cách mà công nghệ có thể giúp chúng ta giải quyết các dịch bệnh trong tương lai: nhắn tin, để cảnh báo người dân về các thảm họa và cách tránh để lây lan vi rút; đưa ra các phương pháp huấn luyện đào tạo cho các nhân viên y tế trên thực địa: tạo điều kiện hỗ trợ cho các nhân viên y tế, các cơ quan và các tổ chức quan trọng khác theo dõi sự lây lan của bệnh dịch; và theo dõi thời gian thực để biết được chủng vi rút lây lan như thế nào và dự đoán vị trí chúng tấn công.

Công nghệ và nạn đói

Việc con người ăn quá nhiều thịt cực kỳ có hại cho cả môi trường và an ninh lương thực về dài hạn, nó cũng đe dọa đến cuộc sống của rất nhiều loài động vật.

Thịt nhân tạo (được tạo ra từ phòng thí nghiệm), một điều tưởng như chỉ có trong các tiểu thuyết viễn tưởng, thì hiện nay bạn sẽ sớm được thấy trong các cửa hàng, đồng thời các loại bánh giàu protein không phải từ động vật đang làm hài lòng cả những người khó tính nhất.

Sự thực là hiện nay chúng ta đã sản xuất được lượng thức ăn dư thừa cho tất cả mọi người trên thế giới, nhưng lượng thức ăn này chưa được phân bổ đều. Theo báo cáo của Oxfam, 65% số người thiếu đói trên thế giới tập trung chỉ ở 7 quốc gia gồm: Ấn Độ, Trung Quốc, cộng hòa Công Gô, Băng-la-đét, Indonesia, Pakistan và Ethiopia.

Thế giới hiện nay đã sản xuất đủ lương thực cho tất cả con người, nhưng chưa được phân bổ đều
Thế giới hiện nay đã sản xuất đủ lương thực cho tất cả con người, nhưng chưa được phân bổ đều 

Công nghệ có thể hỗ trợ thiết lập các chuỗi cung ứng mà vẫn đảm bảo thực phẩm tươi sẽ tạo ra một sự thay đổi về cơ bản, đặc biệt là ở các quốc gia có khí hậu nóng ẩm, thức ăn bị hỏng rất nhanh, và các mạng xã hội như nền tảng WeFarm tạo điều kiện thuận lợi cho việc liên lạc giữa những người nông dân ở các vùng xa xôi hẻo lánh. Theo các báo cáo của CNN, công nghệ cũng có thể giúp dự đoán được nạn hạn hán: một sự kết hợp giữa dữ liệu vệ tinh và thông tin trên điện thoại di động có thể xác định được các khu vực dễ xảy ra hạn hán và giúp chúng ta có các biện pháp đối phó trước khi thảm họa xảy ra.

Công nghệ và chiến tranh

Công nghệ có thể giúp các nhà lãnh đạo thế giới gọi tên nhau trên Twitter, nhưng nó cũng giúp ngăn chặn các cuộc xung đột trên toàn thế giới. Ở Kenya, dự án Una Hakika sử dụng các công cụ web và SMS để chống lại nạn tin giả và những lời đồn đoán vô căn cứ trước đó đã gây nên thảm cảnh bạo lực nghiêm trọng ở quốc gia này; những chiến dịch tương tự cũng đã giúp ngăn chặn xung đột ở nhiều quốc gia khác như là Burundi.

Có thể nói các kết quả đạt được là rất ấn tượng, nhưng thật tồi tệ khi chúng đã đã có hàng ngàn năm lịch sử để chứng minh rằng tuy công nghệ có thể có nhiều hiệu ứng tích cực, nhưng nó chưa bao giờ có thể ngăn chặn hoàn toàn được chiến tranh. Nghịch lý là ngoài việc tạo ra thêm những phương thức thông minh chưa từng có để đẩy con người đến chết chóc, thì thế giới công nghiệp hóa cao và ô nhiễm đang góp phần gây nên hiện tượng biến đổi khí hậu rất nghiêm trọng, điều này càng cộng hưởng thêm với các hậu quả chiến tranh vốn đã quá tàn khốc.

Theo Liên Hiệp Quốc, nạn đói trên thế giới đang tăng lên do hai yếu tố này: nếu như khí hậu không hủy hoại việc cung cấp thực phẩm cho con người thì chiến tranh lại gây ra thảm họa đó. Nạn đói thường được sử dụng như là một loại vũ khí chiến tranh, với các bên tham chiến phá hủy các hệ thống cung cấp nước ngọt, các cánh đồng canh tác, gia súc gia cầm và thị trường của nhau.

Công nghệ có thể được sử dụng để phòng chống bạo lực thực tế bằng cách ngăn phát tán các thông tin giả trên mạng
Công nghệ có thể được sử dụng để phòng chống bạo lực thực tế bằng cách ngăn phát tán các thông tin giả trên mạng 

Giáo sư Colin Kelley thuộc đại học Columbia, Mỹ cho tờ New Scientist biết “những thảm họa liên quan đến khí hậu, đặc biệt là hạn hán, đang đe dọa làm mất an ninh lương thực và an ninh nguồn nước hiện nay, và thậm chí có thể góp phần gây nên các cuộc bạo động khi vượt quá ngưỡng chịu đựng của con người. Từ đó, xung đột sẽ làm sói mòn sự chịu đựng và làm cho con người gần như không thể tiếp cận được với lương thực và nước sạch, từ đó gây ra các hậu quả thảm khốc không thể lường trước được đối với sức khỏe con người”.

Người ta cho rằng cuộc chiến tranh thế giới tiếp theo không phải là vì dầu mỏ, mà là vì nước sạch. Nhiều người nói rằng nạn hạn hán là nguyên nhân chính dẫn đến cuộc cách mạng ở Syria, và sự biến đổi khí hậu làm cho nhiều vùng của Su-đăng không thể sinh sống được. Nạn di cư hàng loạt của những con người tuyệt vọng từ các quốc gia bị ảnh hưởng này đang gây nên hậu quả nghiêm trọng ở các quốc gia mà họ đi qua, đặc biệt là ở châu Âu.

Liệu công nghệ có thực sự cứu được thế giới?

Công nghệ sẽ không ngăn chặn được vấn nạn biến đổi khí hậu, nhưng công nghệ có thể giúp chúng ta không làm cho vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn.
Công nghệ sẽ không ngăn chặn được vấn nạn biến đổi khí hậu, nhưng công nghệ có thể giúp chúng ta không làm cho vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn. 

Vòng tròn Bắc Cực đang xảy ra chiến sự, Tổng thống Mỹ đang lên tiếng đe dọa trên mạng xã hội, và thế giới có rất nhiều trục ma quỷ, nhiều kẻ thù, nhưng đây là thực sự là thời điểm tốt nhất để chúng ta sống trong lịch sử loài người. Thách thức cho công nghệ và cho chúng ta đó là phải luôn giữ được sự phát triển theo con đường tốt đẹp.

Những lựa chọn của chúng ta để ngăn chặn sự biến đổi khí hậu rất hạn chế, nhưng bằng cách ứng dụng các công nghệ thông minh, công nghệ xanh như là năng lượng và vận tải sạch, thực phẩm bền vững thì chúng ta cũng có thể ngưng làm cho vấn đề càng thêm trầm trọng.

Tổng thư ký Liên Hiệp quốc, ông Antonio Guterres tỏ ra rất lạc quan. “Tuy có rất nhiều lý do để chúng ta phải lo ngại” về sự biến đổi khí hậu, nhưng ông tin rằng công nghệ sẽ có cách để giải quyết “tôi tin tưởng rằng cuộc chiến này phần thắng sẽ nghiêng về chúng ta”.

Theo Tech Radar