“Hội thảo khoa học quốc tế Nhật Bản-ASEAN” lần đầu tiên ở Việt Nam:

Công bố các nghiên cứu mới nhất về chữa bệnh từ ruồi giấm, sâu tằm

VietTimes  – Gần 50 công trình nghiên cứu mới nhất về y tế của các nhà khoa học tên tuổi, thuộc 12 trường đại học lớn của Nhật Bản, Thái Lan, Myamar, Campuchia, Việt Nam và cả Thụy Sĩ, được công bố tại “Hội thảo khoa học quốc tế Nhật Bản-ASEAN” khai mạc sáng nay, 23/11, tại Hà Nội và sẽ kéo dài đến hết ngày 24/11. Đây là lần đầu tiên hội thảo khoa học quốc tế quan trọng này diễn ra tại Việt Nam, do Trường Đại học Y Hà Nội đăng cai tổ chức.
Nhiều nhà khoa học tên tuổi thế giới có mặt tại Việt Nam dự “Hội thảo khoa học Nhật Bản-ASEAN”
Nhiều nhà khoa học tên tuổi thế giới có mặt tại Việt Nam dự “Hội thảo khoa học Nhật Bản-ASEAN”

Tham dự hội thảo có nhiều nhà khoa học danh tiếng thế giới như GS. Kaeko Kamei; GS. Masamitsu Yamaguchi (Học viện Công nghệ Kyoto, Nhật Bản) – chuyên gia hàng đầu về nghiên cứu ứng dụng mô hình ruồi giấm trong bệnh học, điều hòa gen, và mô hình sàng lọc thuốc; GS. Masayuki Fukuzawa (Kyoto Nhật Bản) -  chuyên gia hàng đầu  về ứng dụng công nghệ thông tin trong nghiên cứu hình ảnh phục vụ y sinh.

GS.TS. Tạ Thành Văn – Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội -  khai mạc “Hội thảo khoa học quốc tế Nhật Bản-ASEAN”
GS.TS. Tạ Thành Văn – Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội - khai mạc “Hội thảo khoa học quốc tế Nhật Bản-ASEAN”

GS.TS. Tạ Thành Văn – Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội, Trưởng Ban Tổ chức “Hội thảo khoa học quốc tế Nhật Bản-ASEAN” – cho biết, hội thảo được tổ chức nhằm công bố các nghiên cứu mới nhất, là nơi để các nhà khoa học trao đổi kinh nghiệm và hợp tác nghiên cứu rộng hơn.

“Hội thảo khoa học quốc tế Nhật Bản-ASEAN” 2019 tập trung vào các nghiên cứu trong ứng dụng các mô hình đa bào đơn giản như ruồi giấm, sâu tằm… để nghiên cứu những biến đổi di truyền gây bệnh và ứng dụng trong khám phá các hoạt chất tự nhiên, để phát triển nguồn dược liệu.

GS.TS. Tạ Thành Văn – Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội trao đổi với bà Chuma Ai - Bí thư thứ 2 Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tại hội thảo
GS.TS. Tạ Thành Văn – Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội trao đổi với bà Chuma Ai - Bí thư thứ 2 Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tại hội thảo

Hội thảo còn có các báo cáo ứng dụng công nghệ thông tin và các vật liện nano trong điều trị bệnh; ứng dụng công nghệ nanofiber hiện đại trong dẫn truyền thuốc điều trị trúng đích, đặc biệt trong điều trị ung thư.

Tại “Hội thảo khoa học quốc tế Nhật Bản – ASEAN” 2018 diễn ra tại Kyoto (Nhật Bản), Việt Nam đã có 2 báo cáo quan trọng là “Kết quả ban đầu của liệu pháp tế bào miễn dịch trị liệu” của GS. TS. Tạ Thành Văn – Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội - học trò xuất sắc của GS. Honjo (người được nhận Giải Nobel Y học 2018) và “Cơ chế tác dụng của chất chiết cây chè đắng đối với bệnh Alzheimer sử dụng mô hình ruồi giấm chuyển gen” của TS. Nguyễn Trọng Tuệ - Trung tâm Gen, Trường Đại học Y Hà Nội.

Ở “Hội thảo khoa học Nhật Bản-ASEAN” năm nay, Trường Đại học Y Hà Nội tiếp tục có 2 báo cáo mới là “Vai trò của gen ABCC trong biểu hiện của hội chứng tự kỉ trên mô hình ruồi giấm chuyển gen” của TS. Nguyễn Trọng Tuệ và công trình “Vai trò của CYTOGLOBIN trong quá trình làm xơ gan và bảo vệ tế bào gan” của TS. Nguyễn Thanh Hải. 

Trao đổi với VietTimes về công trình nghiên cứu “Vai trò của gen ABCC trong biểu hiện của hội chứng tự kỉ trên mô hình ruồi giấm chuyển gen”, TS. Nguyễn Trọng Tuệ cho biết: Đã có nhiều công bố cho rằng bệnh tự kỷ liên quan đến đột biến của gen, hay một nhóm gen, nhưng trên thực tế chưa có nhiều nghiên cứu chứng minh được điều này. Việc sử dụng mô hình động vật gây đột biến gen quan tâm để chứng minh vai trò của nó trong hội chứng tự kỷ còn rất ít.

Nhưng với tính ưu việt của mô hình ruồi giấm chuyển gen, nghiên cứu đã cho thấy giảm biểu hiện gen ABCC gây các biểu hiện rối loạn hành vi tương tự hội chứng tự kỷ trên người, như giảm sự giao tiếp, xu hướng một mình, đặc biệt là rối loạn nhịp thức ngủ. Ngoài ra còn cho thấy có sự biến đổi trong một phần cấu trúc thần kinh.

Cũng tại hội thảo này, còn có công trình “Liên kết giữa CNTT và Bio, thiết bị tính toán và hình ảnh cho các ứng dụng y tế” có tính ứng dụng cao trong khám, chữa bệnh.

Thiết bị và hình ảnh là các kỹ thuật thiết yếu trong ứng dụng y học sinh học, không chỉ để phân tích tín hiệu sinh học mà còn để quan sát một số triệu chứng của bệnh nhân. Nhưng hầu hết các kỹ thuật dựa trên các lý thuyết cổ điển về vật lý, điện tử và quang học, hiệu suất của chúng bị giới hạn bởi chất lượng của các thiết bị vật lý.

 
Nhiều nhà khoa học đã công bố các nghiên cứu mới nhất tại hội thảo
Nhiều nhà khoa học đã công bố các nghiên cứu mới nhất tại hội thảo

Vì vậy, kết hợp các quy trình tính toán phức tạp với các kỹ thuật vật lý sẽ là một trong những phương pháp đầy hứa hẹn để khắc phục những hạn chế này. Các nghiên cứu đang diễn ra với phương pháp mới, quá trình tính toán kết hợp và kết quả thử nghiệm để chứng minh tiềm năng của phương pháp này.

Một công trình cũng cần được nhắc tới tại hội thảo này là “Thiết kế các HYBRID ELECTROSPUN POLYMER-LIPID NANOFIBERS ứng dụng cho dẫn truyền thuốc” của TS. Nguyễn Dũng Tiến và các cộng sự đến từ Thụy Sĩ. Nghiên cứu nhằm thiết kế một loại vật liệu mới có chức năng của màng sinh học là một hệ thống phân phối thuốc có thể phân hủy dựa trên các sợi nano điện.

 
“Hội thảo khoa học Nhật Bản-ASEAN” là dịp để các nhà khoa học quốc tế hội tụ và trao đổi kinh nghiệm
“Hội thảo khoa học Nhật Bản-ASEAN” là dịp để các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế hội tụ, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực điều trị bệnh

 Sự kết hợp giữa các kỹ thuật kính hiển vi và tán xạ tia X góc nhỏ (SAXS) cho phép khám phá hình thái cấu trúc nano của sợi nano lipid. Những hiểu biết sâu sắc về sự hình thành và biến đổi cấu trúc tự lắp ráp lipid trong sợi nano cung cấp một chiến lược mới cho một cộng đồng khoa học trong việc thiết kế các vật liệu đa chức năng với các ứng dụng trong lĩnh vực y sinh như ứng dụng chữa lành vết thương.

“Những nghiên cứu mới được công bố tại hội thảo sẽ góp phần thúc đẩy phát triển nghiên cứu cơ bản trong y sinh, cũng như ứng dụng điều trị, tăng cường hợp tác quốc tế và khu vực” – GS.Tạ Thành Văn chia sẻ.

(Ảnh: Văn Trọng)