“Con đường khó hơn” và kỳ vọng của Thủ tướng vào “siêu” Ủy ban CMSC

VietTimes – Thủ tướng đã tuyên bố lựa chọn “con đường khó hơn” cho Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (có tên giao dịch quốc tế tiếng Anh là Commission for the Managenment of State Capital at Enterprises, viết tắt là CMSC) trong ngày mà “siêu” Ủy ban này ra mắt. Nhưng…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trong Lễ ra mắt Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, chiều 30/9. (Ảnh: Tuấn Đào)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trong Lễ ra mắt Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, chiều 30/9. (Ảnh: Tuấn Đào)

“Hai con đường đó thì chọn đường nào?”

“Chúng ta có 2 con đường: Một là xây dựng một Ủy ban chuyên nghiệp, hiện đại, từ đó thúc đẩy cải cách mạnh mẽ và nâng cao hiệu quả toàn diện trong toàn bộ hệ thống các tập đoàn, DNNN. Và con đường thứ 2 là con đường tạo ra một cơ quan quan liêu kiểu cũ, có thể làm gánh nặng cho hệ thống doanh nghiệp cũng như của cả đất nước. Hai con đường đó thì chọn đường nào?” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặt vấn đề như vậy trong lễ ra mắt của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC).

Và ông cũng ngay lập tức đưa ra câu trả lời. Người đứng đầu Chính phủ tuyên bố: Chúng ta lựa chọn con đường thứ nhất. “Con đường này khó hơn nhưng tôi tin tưởng tất cả các đồng chí có mặt ở đây hôm nay đều nhất trí lựa chọn con đường này”.

Trước đó, khi bắt đầu bài phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chia sẽ rất thật và thẳng thắn. Rằng Văn phòng Chính phủ đã chuẩn bị cho ông một bài phát biểu rất đầy đặn, công phu và chu đáo, nhưng ông sẽ tập trung tóm lược những ý chính, những quan điểm lớn để lãnh đạo Ủy ban, các đơn vị liên quan và những người tham dự nắm được các vấn đề cốt lõi nhất, để làm sao vận hành CMSC một cách hiệu quả nhất.

Thủ tướng nhấn mạnh, việc nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) từ đó nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế là yêu cầu cơ bản mà Đảng, Nhà nước đặt ra từ lâu. Đặc biệt, những tổng công ty, tập đoàn chuyển về CMSC đều là những đơn vị trọng yếu, chủ chốt của nền kinh tế. Không chỉ bởi quy mô vốn lớn, số lượng tài sản cao, mà những doanh nghiệp này còn nắm một vị trí đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế.

Viện dẫn kinh nghiệm quốc tế, Thủ tướng cho biết, ở nhiều nước như Trung Quốc, Singapore, mô hình Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã có từ lâu, hoạt động hiệu quả và từ đó, Việt Nam đã có những học tập, rút kinh nghiệm để vận dụng.

“Việc ra mắt Ủy ban là bước quan trọng để phân biệt rõ hơn, tách bạch hơn giữa chức năng quản lý Nhà nước và chức năng kinh doanh của doanh nghiệp”, Thủ tướng khẳng định.

Chuyển giao các tập đoàn, tổng công ty sẽ không làm giảm vai trò, trách nhiệm của các Bộ

Theo người đứng đầu Chính phủ, việc chuyển giao các tổng công ty, tập đoàn về CMSC sẽ không làm vai trò, trách nhiệm của các Bộ, ngành chủ quản trước đây, giảm xuống. “Mà ngược lại, lượng công việc sẽ tăng lên” – ông nhấn mạnh.

Các “tư lệnh ngành” sẽ phải tập trung vào những công việc vĩ mô, liên quan đến bức tranh chung của DNNN như là việc quy hoạch, đổi mới khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực...

Nhắc lại câu chuyện Vinashin trước đây, Thủ tướng cho rằng, dư luận xã hội đang theo dõi và kỳ vọng rất lớn vào hoạt động của Ủy ban trong đổi mới tư duy, đổi mới quản trị, cách thức quản lý, cách thức hoạt động của DNNN, làm sao khắc phục cho được các yếu kém, cải thiện và tạo sự khác biệt lớn về hiệu quả hoạt động của DNNN.

“Sự khác biệt là rất quan trọng. Các đồng chí lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phải xác định, tính toán điều hành làm sao cho xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân”, Thủ tướng giao nhiệm vụ.

Lễ ra mắt Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. (Ảnh: N.S)
 Lễ ra mắt Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. (Ảnh: N.S)

Đối với các tập đoàn, tổng công ty sẽ chuyển giao về Ủy ban, Thủ tướng yêu cầu cần phối hợp trong công tác chuyển giao, kịp thời báo cáo Ủy ban những vấn đề, vướng mắc phát sinh. “Các đồng chí là người đại diện trực tiếp tại doanh nghiệp cần nỗ lực nâng cao hiệu quả đầu tư, sản xuất kinh doanh, bảo toàn và phát triển vốn, tạo việc làm, đóng góp tích cực vào ngân sách và tăng trưởng”, Thủ tướng nói. “Hãy chống tình trạng tham nhũng, tiêu cực, sân trước sân sau, người nhà trong kinh doanh và không để phức tạp xảy ra như một số vụ việc mà chúng ta đã vấp phải”.

Người đứng đầu cũng đặc biệt lưu ý: Trong lúc chuẩn bị bàn giao, không để khoảng trống, không để tiêu cực xảy ra. Cần học hỏi trên thế giới, họ sử dụng những cơ chế gì hay khuyến khích cơ quan quản lý vốn Nhà nước của họ để từ đó ứng dụng khéo léo trong hoàn cảnh đất nước.

“Kỳ vọng của người dân, xã hội, cả hệ thống chính trị đặt lên vai các đồng chí rất lớn. Là cơ quan mới thành lập, Ủy ban sẽ có rất nhiều công việc phải làm và cũng sẽ có nhiều khó khăn thách thức, đòi hỏi nỗ lực rất lớn của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Ủy ban”, ông nhiều lần nhắc lại những kỳ vọng và niềm tin dành cho CMSC.

Quản lý, giám sát vốn theo công nghệ của cách mạng 4.0

Cho biết đã trực tiếp xuống thị sát những nỗ lực ban đầu của Ủy ban trong xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu doanh nghiệp, có định hướng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc với sự hỗ trợ của Viettel, Thủ tướng nêu rõ, bây giờ quản lý không chỉ xuống doanh nghiệp mà qua hệ thống công nghệ thông tin mới là hướng đi đúng.

Ông chỉ đạo: Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cần hợp tác với các tập đoàn công nghệ hàng đầu của đất nước để nhanh chóng hoàn thiện, đưa vào sử dụng các công cụ, giải pháp quản lý, giám sát vốn, tài sản DNNN, từng tập đoàn, tổng công ty theo công nghệ của cách mạng 4.0. “Chỉ có cách đó thì Ủy ban mới tạo điều kiện, tạo môi trường kinh doanh cho tập đoàn, không gây phiền hà cho đơn vị”.

Cùng với đó, CMSC cũng cần bổ sung, hoàn thiện chiến lược phát triển cho các tập đoàn, tổng công ty thuộc thẩm quyền quản lý nếu thấy cần thiết. Tiếp tục công việc sắp xếp, đổi mới và cổ phần hóa doanh nghiệp với tốc độ nhanh hơn, chất lượng hơn.

Thúc đẩy các tập đoàn, tổng công ty đi sâu nghiên cứu phát triển, liên tục nâng cao trình độ công nghệ, năng suất lao động và sức cạnh tranh để từng tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban trở thành hình mẫu trong nghiên cứu phát triển, đổi mới công nghệ, đổi mới quản trị doanh nghiệp theo các tiêu chí quản trị toàn cầu.

Tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp. Giám sát tình trạng thất thoát vốn nhà nước, tham nhũng, lãng phí trong hoạt động của DNNN

Ngoài ra, CMSC cần chủ động nghiên cứu, đề xuất, hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý và sử dụng vốn nhà nước, quản lý người đại diện, cơ chế chính sách đầu tư vốn nhà nước phù hợp với yêu cầu, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và tình hình kinh tế thị trường đang thay đổi rất nhanh.

Trong quá trình hoạt động, Ủy ban cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong việc xây dựng phương án, lộ trình, các công việc cần thiết để tiếp nhận, quản lý 19 tập đoàn, tổng công ty; báo cáo kịp thời Thủ tướng các khó khăn, vướng mắc.

Thủ tướng yêu cầu Ủy ban sau 1 năm hoạt động không chỉ tiến hành sơ kết, tổng kết mà cần đánh giá xem “chúng ta đã làm được những việc gì để góp phần tăng trưởng, giải quyết việc làm, nộp ngân sách Nhà nước và việc quan trọng là vun đắp một môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch, công bằng đối với các thành phần kinh tế”.

Tại buổi Lễ ra mắt, 5 Bộ (Công Thương, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin Truyền thông, Tài chính) đã ký biên bản ghi nhớ về việc chuyển giao quyền tại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 19 doanh nghiệp về CMSC.

Tổng hợp Báo cáo tài chính thời điểm 31/12/2017, giá trị sổ sách vốn chủ sở hữu nhà nước tại 19 tập đoàn, tổng công ty được chuyển giao quyền đại diện chủ sỡ hữu vốn nhà nước về CMSC là hơn 1 triệu tỷ đồng, tổng giá trị tài sản là hơn 2,3 triệu tỷ đồng.

(Nguồn: CMSC)
(Nguồn: CMSC) 

Danh sách 19 tập đoàn, tổng công ty trong diện chuyển giao:

Bộ Tài chính:

1.Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước

Bộ Công Thương:

1Tập đoàn Dầu khí Việt Nam;

2. Tập đoàn Điện lực Việt Nam;

3. Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam;

4. Tập đoàn Hóa chất Việt Nam;

5.Tập đoànCông nghiệp cao su Việt Nam;

6. Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam;

7. Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản Việt Nam;

Bộ Thông tin và Truyền thông

1.. Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam;

2. Tổng công ty Viễn thông MobiFone;

Bộ Giao thông Vận tải

1. Tổng công ty Hàng không Việt Nam;

2. Tổng công ty Hàng hải Việt Nam;

3. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam;

4. Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam;

5. Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam;

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

1. Tổng công ty Cà phê Việt Nam;

2. Tổng công ty Lương thực miền Nam;

3. Tổng công ty Lương thực miền Bắc;

4. Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam.