Ngân sách thu lấy mà chi
Một lần cuối năm 2005, Thủ tướng Phan Văn Khải đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự họp. Được hơn một tiếng, một số cán bộ bỗng ngửi thấy mùi thuốc lá tỏa ra trong phòng. Ông Lê Viết Thái, nguyên là cán bộ của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, nhìn quanh và thấy Thủ tướng thi thoảng cúi xuống bàn rít thuốc, rồi lại ngẩng lên, tay vẫn giấu điếu thuốc dưới gầm bàn. Ông Thái mới gọi nhân viên lễ tân mang gạt tàn cho Thủ tướng và cho mình. “Tôi cứ nhớ mãi hình ảnh hút “trộm” đó, một hình ảnh rất bình dân, rất dễ thương của người đứng đầu Chính phủ”, ông Thái nhớ lại.
Cuộc họp đó kéo dài suốt hai ngày để thảo luận về dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2006-2010; và ông Khải tham dự không sót một phút. “Ông là Thủ tướng đầu tiên và duy nhất cho đến nay ngồi liền tù tì suốt hai ngày để thảo luận một bản dự thảo phát triển kinh tế-xã hội”, ông Thái nói. Lần đó, Thủ tướng yêu cầu đưa các nội dung về môi trường vào thành một cấu phần quan trọng của kế hoạch 5 năm, điều lúc đó chưa mấy ai nghĩ đến. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải công khai dự thảo phát triển kinh tế xã hội để lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức quốc tế. Đó là bước tiến trong bối cảnh suốt thời gian dài trước đó, văn bản này luôn luôn bị đóng dấu Mật.
Việc tham dự cuộc họp suốt hai ngày đó chỉ là một trong những chuỗi rất dài các hành động nhất quán trong giữ ổn định kinh tế vĩ mô của Thủ tướng. Trong thời gian dài sau 1975, kinh tế Việt Nam đã gánh chịu đợt lạm phát phi mã ba con số, ngân hàng sụp đổ, và ngân sách thì cạn kiệt. Nguyên Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Xuân Giá kể, đến dưới thời Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười mới xuất hiện một giải pháp quan trọng là “ngân sách thu lấy mà chi”, “ngân hàng vay lấy mà cho vay” (thay vì in tiền để chi tiêu hay cho vay). Từng trải qua vị trí đầu tiên là Trưởng phòng của Vụ Tổng hợp Kinh tế quốc dân thuộc Ủy ban Kế hoạch Nhà nước sau khi tốt nghiệp tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Plekhanov của Liên Xô, ông Khải có nhận thức rất rõ ràng về việc này và đóng góp nhiều công sức vào chống lạm phát. Ông Giá nhớ lại, “Anh Sáu Khải nổi tiếng là người chuyên lo cân đối vĩ mô, trước hết là cân đối ngân sách, bởi ở Việt Nam cũng như các nước trên thế giới, bất ổn kinh tế vĩ mô luôn bắt nguồn từ mất cân đối ngân sách”
Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tiến sỹ Lưu Bích Hồ, người từng tham gia trong thời gian dài vào việc chuẩn bị các văn kiện và chiến lược phát triển kinh tế xã hội nhận xét, ông Khải là người thận trọng, không bao giờ đưa ra những quyết định vội vàng, sốc nổi, cảm tính. “Ông Khải không bao giờ cho phép làm quá giới hạn, nhất là đối với lĩnh vực tài chính, tiền tệ vì ông hiểu rõ phải giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Chính vì vậy, suốt hai nhiệm kỳ của ông, lạm phát không bùng phát dù kinh tế trải qua nhiều cú sốc”.
Bà Phạm Chi Lan, nguyên là thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng cho biết, trong suốt thời kỳ làm việc ở Ban, bà chưa bao giờ thấy Thủ tướng có bất kỳ có văn bản nào yêu cầu các bộ, ngành và địa phương phải thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bà nói: “Thủ tướng luôn luôn có ý thức kìm chế tăng bộ chi. Khi kết thúc nhiệm kỳ thì chi thường xuyên và chi đầu tư về mức 50/50. Cứ năm nào mà chi thường xuyên nhích lên thì Ban Nghiên cứu tướng nháo lên đề nghị làm sao phải kiềm chế chi tiêu công”.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung khẳng định, đến nhiệm kỳ sau của ông Khải, kinh tế vĩ mô Việt Nam rất ổn định, lạm phạt thấp, tỷ giá ổn định, lòng tin vào đồng Việt Nam tăng lên. Người dân chuyển từ đồng USD sang tiền đồng để đầu tư. “Lúc đó niềm tin trong xã hội lớn lắm, người dân muốn bỏ tiền ra để đầu tư kinh doanh thực sự. Đây cũng là thời điểm bắt đầu phát triển mạnh mẽ của khu vực kinh tế kinh tế tư nhân”, ông Cung nói.
Theo nghiên cứu của Tiến sỹ Vũ Thành Tự Anh, trường đại học Fulbright, cán cân ngân sách chỉ thâm hụt 3,9% trong giai đoạn 2001-2005, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình 5,5% trong suốt thập kỷ sau đó. Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế đạt cao ở mức 7,3%, CPI tăng mức 4,6%, đẹp hơn nhiều so với những con số tương ứng là 6,3% và 10,9% trong giai đoạn 2006-2010. Những con số đó vẫn còn rất lý tưởng kể cả khi so với nền kinh tế hiện nay.
Nhà nước nhỏ, xã hội lớn
Một buổi chiều tháng 10 năm 1999, Ban Nghiên cứu của Thủ tướng họp ở Thành phố Hạ Long, Quảng Ninh. Nhiều ý kiến của những bộ óc kinh tế hàng đầu Việt Nam tỏ ra lo ngại về việc chậm triển khai thi hành Luật Doanh nghiệp. Luật được ban hành tháng 6 mà đến lúc đó vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thi hành. Nhiều người rất sốt ruột. Ông Nguyễn Mại mới đề xuất thành lập Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp, và những thành viên chủ chốt của ban là ông Trần Đức Nguyên và Vũ Quốc Tuấn nhiệt tình ủng hộ. Họ phân công ông Nguyễn Đình Cung, lúc đó là trưởng một ban của CIEM soạn thảo văn bản thành lập tổ công tác.
Ngay tối hôm đó, ông Cung lập danh sách những người thực sự có năng lực và tích cực, dù không giữ những vị trí cao trong hệ thống nhà nước như Luật sư Cao Bá Khoát, Luật sư Trần Hữu Huỳnh, ông Nguyễn Thái Sơn, bà Nguyễn Kim Toàn. Điều đáng ngạc nhiên, ông Khải, không nề hà đến vị trí công tác của họ, đã giữ nguyên danh sách đó trong quyết định thành lập Tổ công tác được ký chỉ 2 ngày trước khi khi Luật có hiệu lực vào 1/1/2000. Đó là lần duy nhất mà Tổ công tác thi hành Luật doanh nghiệp lựa chọn được những thành viên mà không quan trọng hóa chức vụ. Ông Cung nhớ lại: “Nếu hồi đó mà thành lập Tổ công tác theo quy trình hành chính, từ cơ sở đưa lên, thì sẽ không lựa chọn được nhiều thành viên rất tích cực và có thể chúng tôi mất đi động lực rất nhiều”.
Đúng ngày 3/2/2000 (28 Tết), Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký Quyết định số 19/2000/QĐ-TTg bãi bỏ 84 loại giấy phép con trái với tinh thần của Luật Doanh nghiệp. Tháng 6/2002, ông tiếp tục ký ban hành Nghị định 59/2002/NĐ-CP bãi bỏ, thay thế nhiều giấy phép con khác. Kết quả là rất đáng phấn khởi. Chỉ trong 2000-2002, số doanh nghiệp thành lập mới theo Luật Doanh nghiệp là trên 55.000, cao hơn nhiều so với tổng số 45.000 doanh nghiệp được thành lập theo Luật Công ty và Luật doanh nghiệp tư nhân trong 10 năm trước đó (1991-1999). Luật Doanh nghiệp giúp tái sinh mạnh mẽ khu vực doanh nghiệp tư nhân vốn bị xóa sổ đầy cay đắng và tủi nhục trong hàng thập kỷ đấu tranh giai cấp trước đó. Ông là Thủ tướng đầu tiên chặt bỏ giấy phép con, gạt bỏ những can thiệp vô lối của nhà nước vào hoạt động của doanh nghiệp. Không có quyết tâm của Thủ tướng, không có Tổ công tác thi hành luật Doanh nghiệp cùng những nỗ lực không mệt mỏi của Bộ trưởng Trần Xuân Giá, Viện trưởng CIEM Lê Doanh, Trưởng ban kinh tế vĩ mô CIEM Nguyễn Đình Cung và các thành viên khác quyền tự do kinh doanh đã được Hiến định còn lâu mới được bén rễ, lan tỏa.
Tuy nhiên, không phải lúc nào ông cũng thành công. Ông Lê Viêt Thái, CIEM, kể, hồi xây dựng văn kiện Đại hội IX năm 2001, những người chắp bút cho chương về kinh tế đã lồng vào hai ý là đảng viên được làm kinh tế tư nhân và xóa bỏ độc quyền nhà nước. Điểm đầu không được thông qua và không bàn; còn điểm thứ hai còn gây tranh cãi. Một lần ông Giá gọi ông Thái sang văn phòng, nói phải sửa nội dung thứ hai, và đọc cho ông Thái sửa là “ở một số lĩnh vực phải tiếp tục duy trì độc quyền kinh tế nhà nước nhưng phải phá bỏ độc quyền doanh nghiệp nhà nước”. Như vậy, đảng đoàn Chính phủ mới bảo vệ được tư tưởng chống độc quyền doanh nghiệp nhà nước. Rõ ràng, khi sự độc quyền đó chưa bị phá bỏ thì những doanh nghiệp như Viettel, FPT, Saigon Posttel không thể tham gia vào dịch vụ viễn thông, xã hội tiếp tục phải chịu đựng sự độc quyền của VNPT với Vinaphone và Mobifone với giá cước 3.000 đồng/phút điện thoại di động.
Trên đây chỉ là những nét chấm phá trong điều hành của Thủ tướng Phan Văn Khải, vị thủ tướng kỹ trị đầu tiên của Việt Nam sau chiến tranh, người đã cố gắng hiện thực hóa ý tưởng “Nhà nước nhỏ, xã hội lớn” mà người tiền nhiệm Võ Văn Kiệt từng đặt ra. Ông là người đặt nền tảng vững chắc cho quyền tự do kinh doanh của người dân đã được hiến định và lót những phiến đá ban đầu cho cơ chế cạnh tranh trong nền kinh tế. Ông cũng luôn cố gắng đảm bảo các cân đối lớn để duy trì sự ổn định vĩ mô.
Không phải lĩnh vực nào cũng đầy thành tích. Thủ tướng Phan Văn Khải đã nhận thức rõ điều này khi phát biểu lần cuối cùng tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XI chiều 16/6/2006. Ông nói: Với cương vị Thủ tướng, đồng thời là Ủy viên Bộ Chính trị, tôi hết sức day dứt về sự tiếp diễn nghiêm trọng của tệ tham nhũng, cản trở bước tiến của dân tộc ta, đe dọa tồn vong chế độ. Tôi cũng hết sức day dứt trước tệ quan liêu, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, đục khoét của công. Cùng với trách nhiệm trực tiếp của chủ đầu tư, còn có khuyết điểm và trách nhiệm của Chính phủ và cá nhân tôi là người đứng đầu. Với chức trách, thẩm quyền được giao mà không ngăn chặn phát hiện được sớm các vụ nghiêm trọng kéo dài, tôi xin nhận lỗi, nhận trách nhiệm trước nhân dân, trước Đảng, trước Quốc hội”.
Ông Phan Văn Khải, sinh ngày 25/12/1933; quê quán: Xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh; thường trú tại số nhà 24 Tú Xương, Phường 7, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh; ông tham gia cách mạng năm 1947, vào Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 15/7/1959. Nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa V, VI, VII, VIII, IX; Ủy viên Bộ Chính trị các khóa VII, VIII, IX; Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị khóa VIII; nguyên Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đại biểu Quốc hội các khóa VIII, IX, X, XI.
Sau một thời gian lâm bệnh nặng, mặc dù đã được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, ông đã từ trần hồi 01 giờ 30 phút, ngày 17/3/2018 (tức ngày 01 tháng 02 năm Mậu Tuất), tại nhà riêng xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh.
Hơn 70 năm hoạt động cách mạng, ông đã có nhiều đóng góp lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Ông Phan Văn Khải đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng và nhiều Huân, Huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.