Cơ quan nhà nước có được nhận xe doanh nghiệp tặng?

Vụ một doanh nghiệp ở Cà Mau tặng tỉnh này 2 xe sang trị giá trên 6,2 tỉ đồng đã tạo ra nhiều ý kiến trái chiều. Pháp luật quy định vấn đề này ra sao?
Một trong hai xe Lexus GX460 được Công ty Công lý tặng cho tỉnh Cà Mau - Ảnh: CTV
Một trong hai xe Lexus GX460 được Công ty Công lý tặng cho tỉnh Cà Mau - Ảnh: CTV

Theo các chuyên gia pháp lý, giao dịch này không trái với Bộ luật dân sự. Luật sư Dương Tuấn Lộc (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng không có rào cản với việc một cá nhân hoặc tổ chức tặng tài sản cho một cơ quan cụ thể trong bộ máy nhà nước.

Không phù hợp phải từ chối

Tuy nhiên, theo thạc sĩ Nguyễn Minh Sơn - Viện KSND cấp cao tại TP.HCM, mặc dù không cấm nhưng giao dịch này được thực hiện bởi hai chủ thể đặc biệt và có tính nhạy cảm cao nên phải tuân thủ một số quy định khác, mà cụ thể ở đây là quy chế về việc tặng quà và nộp lại quà tặng... ban hành kèm theo quyết định số 64/2007 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo điều 5 của quy chế này, nghiêm cấm các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức nhận quà tặng, nhận thay người khác hoặc nhận qua các cơ quan, đơn vị, cá nhân khác trong những trường hợp có liên quan đến hoạt động công vụ do mình hoặc người mà mình nhận thay chịu trách nhiệm giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý;

Nghiêm cấm quà tặng của các cơ quan, đơn vị và cá nhân mà việc tặng quà đó không rõ mục đích.

Còn theo luật sư Lộc, nghị định 29/2014 quy định về việc xác lập quyền sở hữu nhà nước với các tài sản do cá nhân, tổ chức tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước, với đầy đủ các căn cứ và thủ tục có liên quan.

Theo đó, UBND tỉnh phải báo cáo cơ quan quản lý cấp trên để làm thủ tục xác lập quyền sở hữu nhà nước.

Trong trường hợp này (ôtô có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên), UBND tỉnh phải lập phương án xử lý tài sản để báo cáo lên Chính phủ và sau đó Bộ Tài chính ban hành quyết định về việc xác lập quyền sở hữu nhà nước.

Tài sản được tặng phải phù hợp với đối tượng, tiêu chuẩn, định mức, chế độ sử dụng theo quy định. Nếu không phù hợp thì phải từ chối hoặc xử lý bán.

Quyết định 64/2007 của Chính phủ về quy chế tặng quà, nhận quà tặng của cơ quan nhà nước cũng có quy định về việc nếu quà tặng không phù hợp thì cơ quan đơn vị được tặng phải từ chối hoặc xử lý bán theo giá thị trường.

Dễ “phát sinh tình cảm”?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Bộ Tài chính cho biết theo quyết định 64/2007 của Chính phủ thì địa phương được nhận quà của tổ chức, cá nhân tặng.

Thực tế, ôtô cũng được làm quà tặng cho một số bộ, ngành. Để ngăn chặn việc lợi dụng nhận quà tặng là ôtô, quy chế trên cũng nhấn mạnh đơn vị nhận xe phải bố trí sử dụng đúng theo tiêu chuẩn, định mức.

Theo quy định về định mức, tiêu chuẩn sử dụng xe công, thì xe chức danh và xe phục vụ công tác chung có trị giá tối đa là 1,040 tỉ đồng.

Ngoài ra, trường hợp đây là xe chuyên dùng như để phòng chống lụt bão, đê điều... thì giá trị lại không khống chế đối với xe là quà tặng.

Còn xe ở Cà Mau do doanh nghiệp (DN) tặng cho tỉnh này phải xem mục đích là xe đó được nhận để làm gì. Nếu xe phục vụ cho công tác chung hoặc phục vụ chức danh thì không đúng tiêu chuẩn, định mức. Trường hợp đây là xe chuyên dùng thì có thể chấp nhận được.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng cho rằng lo ngại nhất là sau khi nhận xe của DN, chính quyền địa phương phải ưu ái, có chính sách riêng cho đơn vị tặng quà. Trường hợp Cà Mau được tặng xe sang cũng như Ninh Bình hồi năm 2016.

Trong công văn phản hồi Ninh Bình về việc cho phép nhận 3 ôtô, Bộ Tài chính cho rằng Ninh Bình sẽ tự quyết định nhận hay không. Song phải chú ý việc không có chuyện lạm dụng vì nhận chiếc xe mà địa phương phải ưu ái, hỗ trợ cho DN đã tặng xe.

Nếu làm như vậy thì không công bằng với các DN khác. Tuy nhiên, sau khi dư luận có nhiều ý kiến trái chiều, Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình đã từ chối món quà trên trước khi có văn bản trả lời của Bộ Tài chính.

Một trong hai chiếc Lexus do Công ty Công Lý tặng tỉnh Cà Mau - Ảnh: Nguyễn Hùng
Một trong hai chiếc Lexus do Công ty Công Lý tặng tỉnh Cà Mau - Ảnh: Nguyễn Hùng

Đúng quy trình và không có chuyện “đi cửa sau”

Ngày 29-3-2016, Công ty TNHH xây dựng - thương mại - du lịch Công Lý tặng 2 xe Lexus cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cà Mau.

Trao đổi vớiTuổi Trẻ, một lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau cho biết việc xác lập quyền sở hữu nhà nước đối với tài sản được cho - tặng đối với 2 xe trên là “đúng quy định pháp luật”. Khi DN có nhã ý tặng xe, tỉnh giao Sở Tài chính tiếp nhận đúng quy trình nhận tài sản tặng, cho.

Ông Nguyễn Tiến Hải - chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - nói: “Cá nhân tôi và lãnh đạo Tỉnh ủy không sử dụng xe này, mà chủ yếu dùng vào việc đi kiểm tra phòng chống lụt bão, cháy rừng, kiểm tra đê điều. Thỉnh thoảng có đoàn công tác của trung ương về thì sử dụng xe này để đưa đón...”.

Giải thích về mục đích tặng xe, ông Tô Hoài Dân, tổng giám đốc Công ty Công Lý, nói: “Tôi về đây làm dự án điện gió, thấy lãnh đạo tỉnh đi xe “bèo” quá. Đường sá ở Cà Mau nhiều nơi rất xấu nên tôi muốn tặng một “cặp” xe cho Tỉnh ủy một chiếc, UBND tỉnh một chiếc”.

Chúng tôi hỏi việc tặng xe có phải là để Công ty Công Lý được hưởng những ưu ái nhiều hơn từ lãnh đạo tỉnh, ông Dân nói: “Nếu có ý “đi cửa trước cửa sau” với lãnh đạo thì tôi cho xe làm gì cho bị gây chú ý”.

Được biết Công ty Công Lý (P.8, TP Cà Mau) là chủ đầu tư của công trình điện gió ở tỉnh Bạc Liêu. Tại tỉnh Cà Mau, công ty này có đầu tư vào khu du lịch ở bãi biển Khai Long (gần Mũi Cà Mau) và nhà máy xử lý rác thải tại TP Cà Mau.

TIẾN TRÌNH

Tặng - cho giữa một bên là chủ thể quản lý nhà nước và chủ thể bị quản lý ngay trong phạm vi địa phương là vấn đề hết sức nhạy cảm.

Trong trường hợp này, thật khó giải thích động cơ tặng - cho của DN và cũng khó tránh sự suy đoán về một động cơ không phù hợp. Chính vì vậy, pháp luật một số nước như Mỹ hay Singapore có quy định về mức giá trị quà tặng cụ thể mà các quan chức được nhận.

Luật sư DƯƠNG TUẤN LỘC

TS LƯU BÌNH NHƯỠNG (ủy viên thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội):

Cho - nhận xe sang là phản cảm

Nếu xét về các quy định của pháp luật thì không cấm việc cho - tặng như vậy, bởi đây không phải là quà biếu cho cá nhân lãnh đạo địa phương mà DN tặng cơ quan, đơn vị.

Tuy nhiên sự dị nghị, đàm tiếu của dư luận là hoàn toàn có lý và cũng dễ hiểu. Rất khó để chứng minh việc cho - nhận như vậy có tiêu cực hay không, nhưng dư luận có quyền hoài nghi.

Hiện nay các cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước đều đã được trang bị cơ sở vật chất, phương tiện làm việc tương đối đầy đủ theo các tiêu chuẩn, định mức cụ thể.

Các cơ quan, đơn vị không nên nhận quà tặng rồi xài sang hơn nơi khác, đặc biệt là quan chức ngồi trên những chiếc xe quá sang trọng sẽ phản cảm với cuộc sống của nhân dân nhiều nơi vẫn còn nghèo đói.

Nếu DN họ có tấm lòng thì nên động viên họ ủng hộ tiền làm từ thiện, giúp đỡ dân xóa đói giảm nghèo, xây dựng công trình phúc lợi.

LÊ KIÊN ghi

Theo Tuổi trẻ