Có nên phủ nano trên kính lái xe ôtô không?

Công nghệ phủ nano ngày nay được ứng dụng rất rộng rãi. Các hạt trong dung dịch phủ nano có cấu tạo siêu nhỏ, ở dạng trong suốt, bám chặt và dày đặc trên kính lái. Lớp phủ nano này đảm nhận vai trò bảo vệ bề mặt kính lái, tạo hiệu ứng chống bám chất lỏng tương tự “lá sen”.
Phủ nano tạo hiệu ứng chống bám chất lỏng tương tự “lá sen”. Ảnh BD
Phủ nano tạo hiệu ứng chống bám chất lỏng tương tự “lá sen”. Ảnh BD

Hạn chế bám nước, bảo vệ tầm nhìn

Khi phủ nano cho kính lái sẽ hình thành hiệu ứng “lá sen” trơn láng chống bám. Theo đó, những hạt nước và bụi bẩn sẽ khó thể bám vào kính lái. Nếu lái xe trong mưa, nước sẽ khó đọng lại trên mặt kính. 

Đáng chú ý, thay vì nước lan tràn tạo màng mờ trên kính, thì nước sẽ gom gọn thành hạt, thành dòng. Những hạt nước, dòng nước có thể trôi tuột đi hoặc bị văng khỏi mặt kính nhờ sức gió. 

Khi phủ nano, nước sẽ khó đọng hay bám lâu trên kính lái. Ảnh BD
Khi phủ nano, nước sẽ khó đọng hay bám lâu trên kính lái. Ảnh BD

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực an toàn giao thông, công nghệ nano phủ kính ôtô giúp hạn chế đến 60-70% nước, bụi bẩn đọng trên kính lái. Phủ nano kính lái giúp ngăn đọng nước, giảm thiểu tình trạng kính lái bị màng ẩm, màng mờ, gây nhòe, lóa, cản trở tầm nhìn của người lái. 

Bảo vệ bề mặt kính lái

Ngoài chống bám nước, lớp nano phủ kính cho xe ôtô còn có công dụng bảo vệ bề mặt kính lái. Trước đây, dung dịch rửa kính và lưỡi gạt mưa thường tiếp xúc trực tiếp với bề mặt kính ôtô, ít nhiều trong thời gian dài cũng sẽ gây mòn kính. Đặc biệt, nếu sử dụng gạt mưa cũ, gạt bị xuống cấp không chỉ đẩy nhanh quá trình mài mòn, mà còn có thể gây trầy xước mặt kính. 

Nước gom gọn thành hạt, thành dòng thay vì chảy tràn lan. Ảnh BD
Nước gom gọn thành hạt, thành dòng thay vì chảy tràn lan. Ảnh BD

Tuy nhiên, khi phủ nano cho kính lái, lớp phủ sẽ đóng vai trò như một màng chắn bảo vệ kính toàn diện. Các chuyên gia đánh giá, lớp phủ nano kính xe có khả năng chịu mài mòn tốt, hỗ trợ chống trầy xước kính do các tác động va quẹt từ bên ngoài. Lớp phủ còn chịu được áp lực cao, ngay cả khi xịt vòi rửa xe.

Phủ nano cho kính lái có những nhược điểm nào?

Hiện nay, hầu hết các loại dung dịch nano phủ kính đều nhập từ nước ngoài nên chi phí phủ khá cao. Theo một số chủ garage chuyên phủ nano, dung dịch phủ nano giá rẻ cũng có, nhưng hiệu quả khi phủ sẽ không được cao, tuổi thọ lớp phủ cũng không bền.

Qua khảo sát tại một số garage phủ nano tại TPHCM, giá thành giao động từ 1-7 triệu đồng, tùy thuộc vào kích cỡ xe và số lượng lớp nano được phun lên mặt kính. Do đó, nếu muốn có được một lớp phủ nano cho kính lái đạt hiệu quả như mong muốn, người dùng phải chi một khoản phí không nhỏ.

Mặt khác, các sản phẩm phủ nano kính lái ôtô hiện rất đa dạng. Bên cạnh các mặt hàng có thương hiệu, cung cấp rõ thông tin nguồn gốc, nhà sản xuất, cũng có khá nhiều mặt hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc. 

Tuy cũng có nhược điểm, nhưng không thể phủ nhận rằng công nghệ phủ nano kính ôtô mang đến rất nhiều lợi ích thiết thực. Trong đó, hiệu ứng “lá sen” với khả năng chống bám nước được đánh giá là rất hiệu quả, giúp người lái có một tầm nhìn tối ưu khi chạy xe dưới trời mưa. 

Theo Lao Động

https://laodong.vn/xe/co-nen-phu-nano-tren-kinh-lai-xe-oto-khong-763227.ldo