Cô gái cày code từ con số 0 và lập startup riêng chỉ trong vòng 1 năm

Tất cả những điều xảy đến trong vòng 1 năm với Erin Parker, founder của startup Spitfire dưới đây có thể sẽ khiến bạn được truyền cảm hứng.

Cô gái cày code từ con số 0 và lập startup riêng chỉ trong vòng 1 năm
Cô gái cày code từ con số 0 và lập startup riêng chỉ trong vòng 1 năm

Bắt đầu từ một ý tưởng

Tôi vốn là dân học Kinh tế. Năm 23 tuổi, tình cờ tham dự một buổi workshop của Railsbridge Meetup, tôi được dạy cách tạo ra một ứng dụng Ruby on Rails cơ bản chỉ trong 1 ngày và đã rất hứng thú với nó. Hạt giống đam mê trong tôi được ươm mầm từ khi đó.

Vài tháng sau, tôi nảy ra ý tưởng cho website mà từ lâu tôi đã muốn xây dựng. Ý tưởng còn rất mơ hồ nhưng tôi mường tượng ra website đó sẽ là nơi phụ nữ được truyền cảm hứng thực hiện những điều tuyệt vời trong cuộc sống. Tôi nghĩ đó sẽ là một website về sự nghiệp hoặc sức khỏe/hình thể, có tên gọi là Spitfire.

Khi đó, tôi cũng rất tích cực tập tạ và thấy rõ kết quả ấn tượng. Nhưng đây cũng là khoảng thời gian tôi mất rất nhiều công sức tìm kiếm những nguồn thông tin đáng tin cậy cho cộng đồng nữ giới tập tạ và luôn thấy có lẽ mình cần làm gì đó để khắc phục. Bạn bè vẫn thường hỏi tôi giữ dáng thế nào hay sắp xếp khẩu phần ăn ra sao. Vậy nên tôi quyết định học thêm Ruby on Rails để biến ý tưởng thành hiện thực.

Chưa học hẳn hoi một ngôn ngữ lập trình nào nên tôi đã phác thảo phần khung thô sơ thế này để gửi cho bạn bè phản hồi:

Tôi cũng nghiệm ra rằng một khi đã bắt tay học code, ngay cả nếu tôi có thất bại thì ít ra tôi cũng thất bại khi đang xây dựng một thứ gì đó có tiềm năng lan tỏa tới hàng triệu người. Đây là thứ đáng để đầu tư công sức.

Tôi bắt đầu tự học Ruby on Rails qua tất cả các nguồn tư liệu miễn phí mình tìm được, chẳng hạn như Learn Ruby the Hard Way, Try Ruby, Codecademy, sách của Michael Hartl, Why's Poignant Guide to Ruby, Rails Guides, và nguồn yêu thích của tôi là Railscasts.

Tôi nỗ lực không ngừng nghỉ. Nếu có chẳng hiểu thứ gì đó ngay từ lần học đầu tiên thì tôi cũng không thấy thành vấn đề và cứ tiếp tục cày đi cày lại cho đến khi hiểu ra thì thôi. Tôi thường tìm nhiều cách giải thích khác nhau cho cùng một khái niệm. Tôi sẵn sàng mang đi hỏi bạn bè. Ngay cả khi ngồi cà phê, nếu người ngồi đối diện có máy tính gắn sticker giống kiểu kỹ sư thì tôi cũng chẳng ngại chạy ra hỏi trong trường hợp cần sự giúp đỡ. Tôi đã kiếm được không ít bạn mới theo cách này, và một vài trong số họ quả là những người bạn rất rất tốt.

Tôi còn thường xuyên tham dự các buổi gặp gỡ của dân coder, đặc biệt là những sự kiện như Women Who Code hay các sự kiện chuyên về Ruby để hỏi xin lời khuyên cho những vướng mắc của mình.

Tôi cày cuốc dự án này vài tháng và từ từ ý tưởng hiện ra rõ nét dần trong đầu tôi. Bạn có thể xem những bản "nháp" ban đầu của tôi dưới đây:

http://spitfiredarkstar.herokuapp.com/

http://spitfiredauntless.herokuapp.com/

http://spitfirehellcat.herokuapp.com/

Website của tôi có khá nhiều tính năng, giao diện và UX ổn và trên hết, là tổng hợp đầy đủ của tất cả những thứ tôi học được về Rails. Tuy nhiên, thật không may là khi đó nó chẳng có người dùng!

Lại là quãng thời gian khó khăn và chán nản, khi tôi cảm thấy mình có kỹ năng tốt nhưng lại đang tạo ra thứ…chẳng ai cần.

Khi đi hỏi bạn bè tại sao họ không dùng, tôi nhận được câu trả lời đơn giản là họ "muốn app nói cho biết phải tập luyện thế nào", và app đó phải nhìn đẹp, có sẵn trên mobile để họ có thể mang tập trong phòng gym.

Chính vì vậy mà tôi phải đổi hướng hoàn toàn và chuyển sang cày jQuery Mobile để tạo ra bản này:

http://spitfirewarrior.herokuapp.com/

Điều khiến tôi ngạc nhiên nhất chính là ngay cả khi app xấu hoắc và cực kỳ đơn điệu thì người ta vẫn cứ dùng! Họ thậm chí còn muốn nhiều hơn, họ muốn nó là một ứng dụng iOS native.

"Yêu" lại từ đầu

Đó là khoảng tháng 4 năm 2013, 6 tháng kể từ khi tôi bắt đầu học code Ruby on Rails. Để đi xa hơn, tôi nhất định phải phát triển bản iOS. jQuery Mobile hóa ra chỉ phù hợp làm prototype (mẫu thử) hoặc các app cực kỳ đơn giản chứ không thể áp dụng trong trường hợp này nữa.

Khi ấy tôi 24, phân vân trước ngưỡng cửa trở thành coder iOS. Chẳng có nền tảng IT thì đã sao, tôi có nhiều động lực và quyết tâm hơn hầu hết mọi người. Tôi lại bắt đầu mò mẫm từ con số 0 và ngấu nghiến các nguồn miễn phí trên mạng. Tôi làm hết các bài tập, đọc xong hết các cuốn sách liên quan và cả tập tài liệu đắt đỏ của O'Reilly mà bạn bè gửi cho. Tôi cũng chăm chỉ ghé đến các buổi gặp mặt Women Who Code dành cho iOS. Tôi lĩnh hội được rất nhiều từ các cuốn sách về Objective-C và iOS cuả Big Nerd Ranch, các bài hướng dẫn từ Ray Wenderlich hay Documentation của Apple.

Tôi học bằng cách tập code HÀNG TÁ app nho nhỏ, tự hứa với bản thân sẽ không bao giờ coi bất cứ công nghệ nào là khó nhằn bởi đó sẽ là rào cản vô hình khiến bản thân không thể tiếp tục. Nhờ đó mà tôi thậm chí còn xông vào học một số thứ có thể khiến nhiều dev iOS phát sợ. Dù hiện tại tôi cũng không dùng chúng nữa nhưng nó đã nhanh chóng giúp tôi củng cố kỹ năng của mình.

Đây là bức ảnh chụp tôi khi đang chia sẻ về cách custom API Ruby on Rails rồi gửi dữ liệu đó về app iPhone bằng AFNetworking trong một sự kiện công nghệ. Đó là thời điểm tháng 5 năm 2013.

Còn đây là ảnh chụp màn hình học và quá trình chuyển app Spitfire sang iOS (tuy sau đó tôi gần như phải đập hết đi làm lại). Tôi code phần này sau 2 tuần học Objective-C.

Nhiều tháng trôi qua, dần dà tôi cũng khá lên. Tôi nhận ra iOS là nền tảng rất chú trọng giao diện và nếu không biết chút gì về design, app của bạn trông sẽ rất xấu. Chính vì vậy mà tôi quyết định học thêm chút thiết kế và Photoshop theo chương trình miễn phí của Hack Design.

Photoshop tất nhiên dễ học hơn lập trình rất nhiều, và sau khi học, tôi tạo ra được những bản mock khá đẹp mắt thế này:

Cuối cùng, trong khoảng tháng 10 năm 2013, tôi chuyển 3 bản mock thành ứng dụng Spitfire Athlete bản pre-alpha. Dưới đây là screenshot thực tế của ứng dụng:

Sau vài tháng vật lộn với Core Data và hỏi ý kiến người dùng thử nghiệm, tôi quyết định biến đam mê điên rồ của mình thành một startup và đi kiếm co-founder. Tôi may mắn tìm được Nidhi Kulkarni, một sinh viên tốt nghiệp MIT (Viện công nghệ Massachusetts - PV) cực kỳ thông minh và cũng giống tôi, cô ấy còn là vận động viên.

Với sự hỗ trợ của Nidhi, năng suất cảm giác như tăng lên gấp 10. Chúng tôi bắt tay làm cùng vào tháng 11 năm 2013, khi tôi chuẩn bị bước sang tuổi 25 và biết chắc rằng mình đang làm những điều thật sự thú vị.

Chúng tôi tham gia vào CodePath – một bootcamp huấn luyện miễn phí dành cho coder iOS. Không giống như những bootcamp huấn luyện người mới bắt đầu, CodePath cung cấp các buổi học giúp lập trình viên làm chủ những kỹ năng sẵn có của họ. Khóa học kéo dài 8 tuần, nhịp độ nhanh và diễn ra vào các buổi tối. Mỗi tuần chúng tôi lại được giao bài tập code một ứng dụng mới, kiểu tuần này build Twitter, tuần sau lại code Facebook.

Parker và Nidhi - hai nữ founder của Spitfire Athlete

Đã có đôi chút nền tảng iOS từ trước khi tham gia bootcamp nhưng môi trường đầy thử thách tại đây là thứ đã giúp tôi cùng co-founder có thể code và tung app ra trong đúng một cuối tuần. Những khi không phải làm bài tập, chúng tôi lại dành thời gian cho Spitfire.

Thành quả

Khi bản alpha được đem ra thuyết trình tại Demo Day (với sự góp mặt của nhiều lãnh đạo công nghệ nổi tiếng tại Thung lũng Silicon), Spitfire đã thắng giải "Best iOS App" và "Best Overall App". Tháng 4 năm 2014, Spitfire Athlete được tung lên App Store và nhanh chóng được lên trang chủ dưới hạng mục Best New Apps và đứng top app về Health and Fitness. Hiện tại, chúng tôi đã có chục ngàn người dùng và nhận được rất nhiều email yêu thích gửi về.

Nhìn lại về toàn bộ cuộc hành trình, tôi thậm chí còn không nghĩ là 1 năm đã trôi qua bởi mọi thứ diễn ra quá nhanh, nhưng rõ ràng là nỗ lực rất xứng đáng mà chúng tôi đã bỏ ra.

Update: Tháng 9 năm 2015, Spitfire tung sản phẩm ra gọi vốn trên Kickstarter. Kết thúc chiến dịch, số tiền họ huy động được là 16.965 USD, vượt mục tiêu gần 70%.

Theo Tri thức trẻ

http://genk.vn/cay-code-tu-con-so-0-va-lap-startup-rieng-chi-trong-vong-1-nam-co-gai-nay-se-cho-ban-thay-chang-bao-gio-la-qua-muon-de-bat-dau-hoc-lap-trinh-20170517145640368.chn