Như VietTimes đã đưa tin, 3,8 triệu cổ phiếu VNZ của CTCP VNG sẽ chính thức niêm yết trên sàn UPCOM từ ngày 5/1/2023.
Với mức giá tham chiếu của cổ phiếu VNZ trong ngày giao dịch đầu tiên là 240.000 đồng/cp, VNG có vốn hóa 8.600 tỉ đồng, tương đương 360 triệu USD. Con số này thấp hơn nhiều mức định giá 1 tỉ USD để một doanh nghiệp được xem là 'kỳ lân' - điều mà VNG từng đạt được vào năm 2014 theo đánh giá của World Start-up Report.
Trong hành trình vươn tầm của VNG không thể bỏ qua sự tham gia của các cổ đông ngoại. Các thương vụ của họ cũng là căn cứ cho mức định giá 'khủng' của VNG.
Tháng 1/2008, VNG phát hành 50.000 cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm: 40.010 Tenacious Bulldog Holdings Limited với giá 121.693 đồng/cp; và 9.990 cổ phiếu cho GS Treasure Sarl với giá 139.568 đồng/cp.
Nếu tính theo mức giá mà VNG phát hành cho 2 cổ đông ngoại nêu trên, định giá của công ty công nghệ này ở thời điểm đó rơi vào khoảng 3.000 – 3.500 tỉ đồng, con số đáng ngưỡng mộ cho một doanh nghiệp hơn 3 năm tuổi.
Cũng trong khoảng thời gian này, truyền thông quốc tế cho rằng 'gã khổng lồ' công nghệ Trung Quốc Tencent đã nắm giữ cổ phần VNG, song chỉ dừng lại ở mức là cổ đông thiểu số.
Mặt khác, trên báo cáo thường niên năm 2008, Tencent cho biết đã thâu tóm số cổ phần tương đương 20,02% tỉ lệ lợi ích tại một công ty sản xuất trò chơi trực tuyến (online game) tại Châu Á.
Khá trùng hợp, cũng trong năm 2008, cựu giám đốc M&A của Tencent – ông Johny Shen (Johny Shen Hao) - đã chuyển sang phụ trách tài chính tại VNG.
Ở chiều hướng ngược lại, báo cáo tài chính hợp nhất năm 2011 đã của kiểm toán của VNG cũng ghi nhận Tencent Holdings Limited là ‘cổ đông lớn’, song tỷ lệ sở hữu cụ thể không được tiết lộ.
Đến nay, một số đơn vị thành viên của Tencent vẫn được nhắc tới trên báo cáo tài chính của VNG với tư cách là ‘bên liên quan của cổ đông lớn’, kể đến như: Tencent Shenzhen, Tencent Mobile International, Tencent Shanghai.
Trở lại với quá trình tăng vốn của VNG, sau thương vụ chào bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài vào năm 2008, phần đa các thương vụ tăng vốn sau đó của VNG được thực hiện thông qua phát hành cổ phiếu ESOP.
Theo đó, chỉ có 2 thương vụ tăng vốn của VNG được thực hiện theo hình thức phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho cổ đông chiến lược vào năm 2012 và 2015, và một thương vụ chào bán cổ phần riêng lẻ cho ban điều hành công ty vào năm 2013.
Cụ thể, vào tháng 11/2012, VNG chào bán 1,88 triệu cổ phiếu cho một cổ đông chiến lược với giá 40.403 đồng/CP, tăng vốn điều lệ lên 278,8 tỉ đồng. Điều này đồng nghĩa rằng VNG được định giá ở mức 1.126,6 tỉ đồng, chỉ bằng 1/3 so với mức định giá đầu năm 2008.
Đến tháng 4/2013, VNG hoàn tất đợt tăng vốn điều lệ lên 295,8 tỉ đồng thông qua phát hành 1,69 triệu cổ phần cho ban điều hành. Giá chào bán là 150.260 đồng/CP, tương ứng công ty được định giá ở mức 4.445 tỉ đồng.
Tới tháng 3/2015, VNG tiếp tục chào bán 294.309 cổ phần cho một cổ đông chiến lược, tăng vốn điều lệ lên 318,3 tỉ đồng. Giá chào bán là 666.345 đồng/CP, tương ứng với mức định giá lên tới 21.213,3 tỉ đồng – khoảng 1 tỉ USD theo tỷ giá thời điểm đó.
Trước khi lên sàn UPCOM, tính đến ngày 28/11/2022, VNG có 3 cổ đông lớn, gồm: VNG Limited (trụ sở tại Cayman Islands) sở hữu 49% vốn điều lệ, tương đương 61,1% số cổ phiếu đang lưu hành; CTCP Công nghệ BigV nắm 4,6% vốn điều lệ, chiếm 5,7% số cổ phiếu đang lưu hành; nhà sáng lập Lê Hồng Minh nắm 9,8% vốn điều lệ, tương đương 12,3% số cổ phiếu đang lưu hành.
ĐHCĐ bất thường năm 2022 của VNG đã thông qua việc bán toàn bộ 7,1 triệu cổ phiếu quỹ cho BigV với giá 177.881 đồng/CP. Nếu VNG bán thành công cổ phiếu quỹ, BigV sẽ nâng tỷ lệ sở hữu tại doanh nghiệp này lên 24,42% vốn điều lệ./.