Xung quanh giao dịch 'mua rẻ' của BigV ở VNG

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Thương vụ chào bán cổ phiếu quỹ của VNG cho BigV với mức giá 177.881 đồng/cp có thể không chỉ là giao dịch đơn thuần, đặc biệt là khi VNG được tin rằng sẽ tiến tới IPO tại Mỹ với định giá nhiều tỉ đô.

Được mua 25% cổ phần VNG với giá 'hời', Công nghệ BigV là ai?
Được mua 25% cổ phần VNG với giá 'hời', Công nghệ BigV là ai?

Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2022 của CTCP VNG (VNG) vừa thông qua loạt tờ trình theo hình thức lấy ý kiến bằng văn bản, trong đó có nội dung chào bán cổ phiếu quỹ.

Theo các tài liệu công bố trước đó, VNG dự kiến chào bán tối đa 7,1 triệu cổ phiếu quỹ, tương đương 24,74% lượng cổ phiếu đang lưu hành cho CTCP Công nghệ BigV (BigV). Giá chào bán là 177.881 đồng/cp, tương ứng số tiền dự thu hơn 1.264 tỉ đồng.

Nếu BigV mua hết số cổ phiếu quỹ của VNG, theo tính toán của VietTimes, tổng số cổ phiếu đang lưu hành của 'kỳ lân' công nghệ này sẽ tăng lên mức 35,8 triệu đơn vị. Khi ấy, với việc sở hữu 8,75 triệu cổ phần VNG, tỉ lệ sở hữu của BigV tại VNG sẽ đạt mức 24,42%.

Ở một bài viết cũ, VietTimes đã đề cập tới 'lá bài' cổ phiếu quỹ của VNG. Trong nhiều năm, nhờ duy trì một lượng lớn cổ phần dưới dạng cổ phiếu quỹ, VNG đã xử lý được nhiều vấn đề, kể cả việc 'lách room ngoại'.

Lần lại lịch sử hoạt động của VNG, doanh nghiệp này thường xuyên mua cổ phiếu quỹ thay vì chia cổ tức cho cổ đông. Giá trị cổ phiếu mà VNG mua lại làm cổ phiếu quỹ cũng lên tới cả trăm nghìn đồng cho mỗi đơn vị. Như năm 2017, VNG đã chi ra 352,8 tỉ đồng để mua vào 1.060.846 cổ phiếu quỹ, tương đương với 332.603 đồng/cp.

Ở hướng ngược lại, VNG hiếm khi bán ra cổ phiếu quỹ. Tháng 3/2019, công ty này đã bán 355.820 cổ phiếu quỹ cho Seletar Investments, với giá bán lên tới 1.861.000 đồng/cp. Thương vụ cũng chính thức xác lập VNG là một 'kỳ lân'.

Bởi vậy, thương vụ chào bán cổ phiếu quỹ của VNG cho BigV với mức giá 177.881 đồng/cp – thấp hơn nhiều so với thương vụ của Seletar Investments - khả năng không chỉ dừng lại ở một giao dịch đơn thuần, đặc biệt là trong bối cảnh VNG được tin rằng sẽ tiến tới IPO tại Mỹ với định giá nhiều tỉ đô.

Về giao dịch 'mua rẻ' của BigV ở VNG

Theo dữ liệu của VietTimes, BigV được thành lập vào tháng 8/2021, với quy mô vốn điều lệ 101 tỉ đồng, do ông Ngô Vi Hải Long (SN 1984) làm người đại diện theo pháp luật.

Cơ cấu cổ đông của BigV bao gồm: ông Ngô Vi Hải Long – Giám đốc công ty (nắm 40% VĐL); bà Bùi Thiên Kim (30% VĐL) và ông Trần Bá Khôi Nguyên (30% VĐL).

Khá trùng hợp, hồi tháng 6/2020, thị trường cũng ghi nhận một cá nhân tên Ngô Vi Hải Long (sinh năm 1984) là người đại diện của VNG trong một vụ kiện tranh chấp hợp đồng dịch vụ tại TP.HCM.

Đến tháng 11/2022, BigV bất ngờ mua vào 1,1 triệu cổ phiếu VNG, qua đó trở thành cổ đông lớn tại doanh nghiệp này với tỷ lệ sở hữu 5,72%.

Trước khi BigV xuất hiện, hồi tháng 7/2022, DealStreetAsia dẫn nguồn tin cho biết, VNG đang tiến gần tới việc niêm yết tại Mỹ và đặt mục tiêu chào bán 12,5% cổ phần trong đợt IPO trên sàn Nasdaq.

Theo đó, để niêm yết tại Mỹ, cổ đông ngoại ở VNG sẽ phải hoán đổi số cổ phần tương đương 47,6% vốn VNG với một pháp nhân có trụ sở tại Cayman Islands.

Trong khi đó, một pháp nhân khác có trụ sở tại Việt Nam, hoạt động theo mô hình 'holding', sẽ thực hiện mua 10 triệu cổ phiếu VNG, tương đương 27,8% cổ phần.

Nếu thực hiện theo kế hoạch này, trước thềm IPO, cơ cấu cổ đông của VNG sẽ gồm 3 nhóm chính: (1) pháp nhân có trụ sở tại Cayman Islands nắm giữ 49% cổ phần; (2) công ty 'holding' có trụ sở tại Việt Nam sở hữu 21,2% cổ phần; (3) nhà đầu tư tại Việt Nam nắm giữ 29,8% cổ phần.

Đến tháng 11/2022, cơ cấu cổ đông của VNG ghi nhận sự hiện diện của VNG Limited. Cụ thể, pháp nhân có trụ sở tại Cayman Islands (được thành lập vào tháng 4/2022) đã nhận chuyển nhượng 17,65 triệu cổ phần VNG từ nhóm cổ đông ngoại, qua đó trở thành cổ đông lớn với tỷ lệ sở hữu 49,3% vốn điều lệ.

Sau khi BigV hoàn tất việc nhận chuyển nhượng 7,1 triệu cổ phiếu quỹ VNG như đã đề cập, cơ cấu cổ đông của kỳ lân này sẽ bao gồm: VNG Limited (49%), BigV (24,42%), và các cổ đông khác.

Trong đó, các cổ đông liên quan tới VNG Limited nắm giữ 4,96 triệu cổ phiếu VNG, tương đương 13,84% vốn điều lệ. Người có liên quan của BigV sở hữu 8.366 cổ phần, tương đương 0,02%.

Cơ cấu cổ đông này có phần tương đồng với phương án cổ đông của VNG trước thềm IPO tại Mỹ mà DealStreetAsia đã hé mở trước đó./.